Nhưng vài năm gần đây đã bị ô nhiễm không khí nghiêm trọng mà nguyên nhân chính là do một số hộ dân đốt củi lấy than để bán. Tình trạng đó đã và đang diễn ra tại xã Bạch Lưu, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc.
Men theo triền đê sông Lô qua địa bàn các xã Phương Khoan, Đôn Nhân, Hải Lựu là đến địa bàn xã Bạch Lưu. Khi vừa đặt chân đến thôn Hùng Mạnh, xã Bạch Lưu chúng tôi như có cảm giác bị lạc vào “trận địa” của khói than mù mịt. Quan sát kỹ các hộ dân hai bên triền đê thật dễ dàng nhận thấy các cột khói từ lò đốt củi của nhà dân tua tủa mọc nên giống “nấm sau mưa”, đua nhau nhả khói đen kịt, làn khói lờ đờ bay quẩn như làn sương mỏng tỏa khắp các ngóc ngách đường làng, tràn vào cả nhà dân. Nhìn vào gia đình những chủ lò củi chất thành đống to đùng như đống rơm, cột khói làm bằng i-nốc hoặc mạ kẽm cao khoảng 4-5 mét ùn ùn nhả khói như không có chuyện gì xảy ra. Phải bình tĩnh để lấy lại tinh thần và hạ quyết tâm cao chúng tôi mới “tạm quen” được bầu không khí ngột ngạt ấy để tìm hiểu, trò chuyện với bà con.
Qua tìm hiểu, được biết trước nhu cầu của thị trường cần dùng than củi để quay vịt, lợn, gà, nướng chả, nướng bánh đa... nên người dân xã Bạch Lưu đã chặt củi đốt lấy than bán. Nghề này do người dân tự phát làm khoảng 4 năm nay. Ban đầu chỉ có một hai hộ chặt củi về đốt lấy than bán lẻ, khi thấy hàng bán chạy cứ thế là mở rộng dần, từ một lò đến 3, 4 lò. Và từ một hai hộ đến nay riêng thôn Hùng Mạnh có đến 25 hộ đốt củi lấy than, bình quân mỗi nhà làm từ 3-5 lò. Giá 1 cân than bán buôn hiện nay từ 10-11 nghìn đồng. Nếu nhà có 3- 4 lò thì bình quân mỗi ngày cho ra lò từ 150 - 200kg than củi, trừ chi phí chủ lò lãi khoảng 50% (tức 1 triệu đồng). Với tỷ lệ lãi hấp dẫn như vậy nên nhiều hộ dân đua nhau mở lò, bất chấp việc gây ô nhiễm môi trường. Đến nay cả xã Bạch Lưu có khoảng 50 hộ dân làm nghề đốt củi lấy than.
Gặp bà Ngô Thị Minh, nhà ở ngay ven đê, thuộc thôn Hùng Mạnh, xã Bạch Lưu than thở với chúng tôi rằng: Ai cũng phải tìm công ăn việc làm kiếm sống. Nhưng đốt củi lấy than bán quá ảnh hưởng đến môi trường, không khí, tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe người dân. Các cháu nội, ngoại của vợ chồng tôi không dám về chơi. Từ cuối năm ngoái đến nay thôn Hùng Mạnh đã có 3 người chết trẻ dưới 55 tuổi, mà đều do bị ung thư phổi cả. Chúng tôi đã làm đơn kiến nghị lên huyện, tỉnh rất mong chính quyền và cơ quan chức năng các cấp xem xét giải quyết.
Nhà của vợ chồng tôi như một nhà trọ. Mặc dù nhà đã bịt kín các lỗ gió, chớp cửa nhưng mùi và khói vẫn bay khắp nhà. Sáng sớm ra chúng tôi đã phải đóng cửa đi làm, rồi hết giờ cũng dám không về nhà, phải đi ăn cơm quán rồi hai vợ chồng cứ xe máy đi lòng vòng qua địa bàn các xã khác. Vì về nhà không khác gì bị tra tấn. Mấy năm nay chúng tôi phải sống trong cảnh này rồi. Đó là chia sẻ của chị Ngô Thị Lý, người thôn Hùng Mạnh.
Cô giáo Đào Thị Hà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Bạch Lưu than thở: Đã mấy năm nay giáo viên và học sinh nhà trường phải sống, giảng dạy, học tập trong môi trường mùi khói khét lẹt cả sáng lẫn chiều. Nhất là hôm nào trời nắng nóng oi bức thì không khác gì bị tra tấn. Nhà trường cùng 60 hộ dân đã ký đơn tập thể chuyển lên cấp trên, chúng tôi mong sớm được xem xét giải quyết, trả lại môi trường trong lành, yên bình cho cô trò chúng tôi.
Cùng Bí thư chi bộ thôn Hùng Mạnh, là ông Nguyễn Văn Thắng đến thăm chủ lò đốt củi lấy than Trương Hữu Bình chúng tôi nhận thấy nhà ông có đến 3-4 công nhân làm việc. Những đống củi to đùng xếp từ cổng vào cho đến cửa lò, ước chừng hàng chục mét khối. 4 ống nhả khói đen kịt lên bầu trời. Nhặt ít than củi vừa ra lò ông bảo, tôi là người làm nghề này đầu tiên của đất Bạch Lưu. Mặc dù có thu nhập và công việc ổn định, nhưng nếu cơ quan chuyên môn của tỉnh, huyện về đo, xét nghiệm mà bị ô nhiễm, gia đình sẵn sàng dỡ bỏ, chuyển đổi làm việc khác.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Đang, Chủ tịch UBND xã Bạch Lưu cho biết: Qua nhiều lần họp cử tri bà con có ý kiến. Địa phương cũng đã tổng hợp tình hình báo cáo lên huyện, tỉnh. Cơ quan chuyên môn cũng đã cho cán bộ về lấy mẫu không khí. Tới đây nếu có kết quả mà ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống bà con chúng tôi sẽ đề xuất kiến nghị có những giải pháp để khắc phục tình trạng trên.