Ô nhiễm không khí làm tăng nguy cơ mắc bệnh tăng nhãn áp

16-12-2019 16:01 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Anh cho biết, mức độ ô nhiễm không khí cao có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tăng nhãn áp.

Các nhà khoa học Đại học College London (UCL) và Bệnh viện Mắt Moorfields đã phân tích dữ liệu từ hơn 111.000 người ở Anh, trải qua các cuộc kiểm tra mắt từ năm 2006 đến năm 2010. Họ thấy rằng nguy cơ mắc bệnh tăng nhãn áp - nguyên nhân hàng đầu gây mù không thể đảo ngược - cao hơn ít nhất 6% trong số những người sống ở khu vực có mức độ cao nhất của ô nhiễm hạt mịn (PM2,5). Theo các nhà nghiên cứu, các hạt mịn này có thể tác dụng độc trực tiếp làm tổn thương hệ thần kinh và gây viêm.

Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng tỷ lệ tăng nhãn áp ở khu vực thành thị cao hơn 50% so với khu vực nông thôn và phát hiện mới này cho thấy ô nhiễm không khí có thể là một yếu tố tạo nên sự khác biệt này.

Bệnh tăng nhãn áp ảnh hưởng đến hơn 60 triệu người trên toàn thế giới. Nguyên nhân phổ biến nhất là sự tích tụ áp lực từ chất lỏng trong mắt, gây tổn thương dây thần kinh thị giác kết nối mắt với não. Hầu hết các yếu tố nguy cơ mắc bệnh tăng nhãn áp nằm ngoài tầm kiểm soát, chẳng hạn như tuổi già hoặc di truyền. Tuy nhiên, trong nghiên cứu này còn chỉ ra rằng, nguy cơ tăng nhãn áp có thể do ô nhiễm, điều này có thể được điều chỉnh bằng cách thay đổi lối sống hoặc thay đổi chính sách…

TS. Paul Foster nhấn mạnh, vấn đề ô nhiễm không khí cần được ưu tiên của sức khỏe cộng đồng và việc tránh các nguồn gây ô nhiễm không khí không chỉ bảo vệ sức khỏe cho mắt  mà còn bảo vệ các bệnh về tim, phổi; các bệnh về não như bệnh Alzheimer, bệnh Parkinson và đột quỵ...


Thanh Phúc
Ý kiến của bạn