Ô nhiễm không khí gây bệnh tim phổi và chết sớm

24-07-2015 15:28 | Y học 360
google news

Các số liệu khảo sát ở Châu Âu cho thấy: Do ô nhiễm không khí, các bệnh phổi và tim mạch là nguyên nhân chính gây các ca chết sớm.

Ô nhiễm không khí với bệnh hô hấptim mạch

Các nhà chuyên môn thuộc trường đại học nổi tiếng ở London về nghiên cứu liên ngành, trường King’s College, đã công bố những kết quả nghiên cứu đầu tiên có giá trị về các tác nhân chính trong không khí ô nhiễm gây ra các bệnh hiểm nghèo cho con người.

Các loại độc tố:

Loại độc tố thứ nhất, thường gặp nhất là NO2 (ôxit nitơ). Đó là một trong số những loại chất độc được chú ý đặc biệt vì khi trộn NO2 với hơi nước, axít nitric HNO3 sẽ được tạo thành và trở thành chất gây hại cho phổi. Kết quả nghiên cứu của King’s College từ năm 2010 xác định rằng, “khoảng 5.900 người bị chết sớm vì hợp chất này thải vào không khí chủ yếu từ động cơ diesel, tức là chủ yếu từ các loại xe tải và xe buýt trong thành phố, cũng như một số loại xe con lắp động cơ diesel”. Số liệu khảo sát còn cho biết thêm: London, Birmingham và Leeds là ba thành phố lớn nhất của nước Anh, đồng thời cũng là ba thành phố liên tục vượt quá tiêu chuẩn cho phép của EU về nồng độ NO2 trong không khí.

Thủ đô Paris của Pháp bị bao phủ trong làn khói bụi ô nhiễm (Ảnh: Sipa).

Độc tố thứ hai được gọi chung là PM2.5 (“viết tắt của chữ particulate matter dùng để chỉ các loại bụi, cả ở dạng lỏng lẫn khối chất rắn, có thể là chất hữu cơ hay kết cấu vật lý khác có kích thước nhỏ hơn 2,5 micro mét”), còn gọi là bụi siêu mịn hay bụi phân tử. Một khảo sát ở châu Âu từ năm 2013 “xác nhận mối liên quan giữa các loại vật thể có kích thước dưới 10 micro mét trong không khí với bệnh ung thư phổi, và nguy hiểm nhất là loại bụi PM2.5 vì với kích thước nhỏ sẽ thâm nhập sâu hơn vào trong phổi”.

Cơ chế gây tác hại:

Do sự có mặt của hai độc tố nói trên, khi con người hít thở phải không khí ô nhiễm sẽ dễ bị nhiễm và đối diện, trước hết, với các “triệu chứng của bệnh đường hô hấp như khó thở, thấy nhoi nhói ở phần hầu ... Tất cả những dấu hiệu đó đều được xem như là biểu hiện của bệnh đường hô hấp”.

Thế nhưng, ít ai chú trọng đến việc không khí ô nhiễm đó cũng có những tác động lên các mạch máu. Vì thế, cần đề cấp thêm về tác động của ô nhiễm không khí đối với bệnh tim mạch.

Theo các nhà chuyên môn, “tương tự như tác động của thuốc lá, tiến trình gây bệnh (do không khí ô nhiễm) gồm ba bước” như sau.

Thứ nhất, “không khí ô nhiễm tác động lên các khả năng giãn nở và co thắt của các mạnh máu. Dưới tác động của không khí ô nhiễm (tương tự của thuốc lá), các mạch máu đã bị giảm kích cỡ, gây cản trở lưu thông huyết mạch”.

Thứ hai, những hiệu ứng với sự đông máu. “Ô nhiễm có thể dẫn đến khả năng máu bị đông lại hình thành những cục máu đông ở động mạch”, nguyên nhân chính của chứng nhồi máu cơ tim.

Thứ ba, “cũng là điểm khó hiểu nhất, hiện tượng viêm nhiễm ở mọi bộ phận cơ thể. Hiện tượng viêm nhiễm này ban đầu tác động lên các chức năng của mạch máu, nhất là có những tác động gây bất ổn ở những mảng xơ vữa ở động mạch. Những mảng xơ vữa ở động mạch được hình thành do các chứng bệnh cholesterol, cao huyết áp, tiểu đường”.

Trên đây là ba cơ chế đi cùng với hiện tượng ô nhiễm, bất kể đó là loại hóa chất gây ô nhiễm hay những hạt bụi phân tử (bụi siêu mịn).

Và như vậy, không khí ô nhiễm với bụi siêu mịn hay bụi phân tử là rất nguy hiểm, có nguy cơ dẫn đến không chỉ bệnh đường hô hấp mà cả bệnh tim mạch. Đúng như nhận định của nhà nghiên cứu hàng đầu về các “bụi siêu mịn” - Joshua Apte: Với kích cỡ cực kỳ nhỏ bé, các hạt bụi này dễ dàng thâm nhập vào phổi và các mạch máu, gây tổn hại hệ hô hấp và hệ tim mạch của con người. Và, trong thực tế, khảo sát của King’s College cũng ghi nhận: tổng cộng có 9.416 người ở London bị chết sớm trong năm 2010 vì hai loại chất thải nguy hiểm nói trên. Nhưng đó mới chỉ riêng London, còn số người chết sớm kiểu đó trên toàn nước Anh lên đến 80.000 người.

Thủ tướng Anh David Cameron nói: hỗ thẹn khi không có biện pháp gì làm thay đổi bầu không khí hiện tại. Ảnh: Dailymail.

Những con số báo động ở một số nước lớn

Trung Quốc và Ấn Độ: Giá như hai quốc gia này áp dụng các chuẩn về khí thải các phân tử bụi siêu mịn do Tổ chức Y tế Thế giới WHO khuyến cáo, thì cũng có thể cứu được 1,4 triệu người không bị chết sớm mỗi năm, một con số không phải là không đáng kể, ngang bằng với số nạn nhân của HIV/SIDA hằng năm trên thế giới (con số do nhóm nghiên cứu của Đại học Minnesota thực hiện và công bố trên Environemental Science & Technology).

Châu Âu: Ô nhiễm không khí là thủ phạm chính của 400.000 ca tử vong sớm mỗi năm.

Anh Quốc: Ở Anh Quốc, theo số liệu khảo sát từ năm 2010 của King’s College, con số người chết sớm trên toàn nước Anh lên đến 80.000 người hàng năm. Riêng ở London, con số người bị chết sớm do ô nhiễm không khí trong năm 2010 là trên 9.416. Tức là, riêng ở thủ đô Anh Quốc, không khí ô nhiễm làm 25 người chết sớm mỗi ngày.

Trước nguy cơ lớn như vậy, chính phủ Anh phản ứng rất khó khăn. Khó khăn trong việc đối phó với nạn ô nhiễm do sử dụng động cơ diesel và do khí thải công nghiệp từ Paris và Châu Âu bay sang. Vấn đề khí thải ô nhiễm đang và sẽ là câu chuyện gây tranh cãi gay gắt ở Anh, nhưng trước mắt chưa có giải pháp nào mang tính thuyết phục.

Pháp: Ở Pháp tình hình cũng không kém phần bức xúc. Các nghiên cứu tại nước này cũng cho thấy nạn ô nhiễm không khí có thể ngốn đến ngân sách của Pháp đến gần 100 tỷ euro mỗi năm. Đó chính là con số do Thượng viện đưa ra gần đây, liên quan chủ yếu đến hậu quả của ô nhiễm không khí lên sức khỏe.

Hàng năm, ở Pháp có đến 650.000 ca được bác sĩ kê đơn cho tạm nghỉ việc với lý do chất lượng không khí kém. Nhìn chung, mỗi năm chi phí cho sức khỏe mà Bảo hiểm Y tế nước này phải chi ra nằm trong khoảng từ 68-97 tỷ euro.

Đối mặt trước nguy cơ này, Ủy ban điều tra nghị viện Pháp đã thiết lập danh sách các khuyến cáo và nhất là thực hiện chính sắc thuế sinh thái. Và các nghị sĩ đang cân nhắc đưa ra đề nghị thành lập một loại thuế về các loại khí thải nitơ, oxit nitơ và bụi siêu mịn và cho rằng nên đưa loại thuế này vào từ từ cùng với thuế xăng dầu.

Mở rộng ra cho cả thế giới, con số nạn nhân bị chết sớm mỗi năm do không khí ô nhiễm, tức do hai thủ phạm chính là PM 2.5 (hay bụi siêu mịn) và NO2 (ôxit nitơ), ước tính lên đến hơn 2 triệu người.

Rõ ràng, mối đe dọa của không khí ô nhiễm không loại trừ bất kỳ quốc gia nào. Kể cả Việt Nam chúng ta. Và một sự quan tâm và các biện pháp đối phó nhằm giảm thiểu mức độ tác hại do không khí ô nhiễm gây ra như hiện nay có lẽ cũng là muộn, nếu không nói là quá muộn và thiếu tích cực.

Minh Trần (Tổng hợp)

 

 


Ý kiến của bạn