Ô nhiễm bụi mịn PM2.5 do cháy rừng ảnh hưởng sức khỏe người dân Australia

08-01-2020 16:59 | Quốc tế

SKĐS - Ô nhiễm bụi mịn PM2.5 từ các vụ cháy rừng trở thành mối đe dọa lớn nhất đối với y tế công cộng ở Australia. Phơi nhiễm PM2.5 gây hậu quả từ ảnh hưởng tới đường thở cho tới bệnh hen, giảm chức năng phổi, suy tim và tử vong sớm.

Cháy rừng đã tàn phá Australia trong vài tháng qua. Các vụ cháy rừng bắt đầu từ tháng 9/2019 và tiếp tục lan rộng cho tới tận ngày 6/1/2020. Theo ước tính, đợt cháy rừng kỷ lục này đã lan rộng ra 4 triệu héc-ta đất. Hơn 2000 ngôi nhà bị thiêu rụi.

Trong tháng 12 vừa qua, nhiệt độ ở Australia (nước nằm ở bán cầu nam đang trải qua mùa hè khốc liệt) nóng kỷ lục lên tới 48,9 độ C.

Cháy rừng gây hậu quả tàn khốc tại Australia

Ô nhiễm bụi mịn PM2.5 từ các vụ cháy rừng trở thành mối đe dọa lớn nhất đối với y tế công cộng. Phơi nhiễm PM2.5 gây hậu quả từ ảnh hưởng tới đường thở cho tới bệnh hen, giảm chức năng phổi, suy tim và tử vong sớm.

Bụi mịn PM2.5 có thể bay rất xa từ các đám cháy. Vào ngày 2/1, thủ đô Caberra của Australia đạt chất lượng không khí xấu kỷ lục, PM2.5 vượt mức 200 µg/m3. Tháng 12/2019, Sydney cũng ghi nhận chất lượng không khí xấu nhất từng có với lượng PM2.5 đạt gần ngưỡng 400µg/m3, mức độ độc hại theo xếp hạng của WHO, nghĩa là mọi người đều có thể gặp phải tác động nguy hại tới sức khỏe.

Khói bụi từ các vụ cháy rừng ở Australia còn bay hàng nghìn dặm sang tận New Zealand, làm bầu trời nước láng giềng chuyển sang màu cam.

Cháy rừng sản sinh ra chất ô nhiễm không khí nguy hại (HAP). HAP có thể gây biến chứng sức khỏe đối với trẻ em, phụ nữ mang thai, người già và những ai đã mắc các vấn đề về phổi, tim hay gan. Ở bang New South Wales, chỉ trong ngày 1/1, số ca bệnh hen suyễn đã tăng lên 25%.


BV
Ý kiến của bạn