Ô nhiễm không khí, cúm "vào mùa" khiến nhiều người đổ bệnh

19-12-2019 14:52 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Tại nhiều bệnh viện trên địa bàn TP.Hà Nội, số bệnh nhân nhập viện một tháng qua gia tăng, hầu hết họ mắc các bệnh về hô hấp. Bên cạnh đó, nhiều gia đình - đặc biệt gia đình có con nhỏ lo lắng khi nhiều trẻ nhỏ mắc bệnh cúm.

Bệnh hô hấp gia tăng...

Theo BSCKII Phạm Thị Như Hoa - khoa Nhi, Bệnh viện Thanh Nhàn, do chuyển mùa và ô nhiễm không khí nên cao điểm khoa tiếp nhận lên tới 200 bệnh nhi/ngày, gần gấp 3 lần so với ngày thường. Lượng bệnh nhân nội trú cũng tăng cao, các y bác sĩ những ngày này cũng tăng ca liên tục. Trong đó, đa phần các trẻ đều nhập viện trong tình trạng ho, khó thở, sốt cao. Kết quả thăm khám, nhiều bé bị viêm phế quản, thậm chí viêm phổi hoặc nhiễm virus cúm.

Tại khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Thanh Nhàn cũng trong tình trạng tương tự. BSCKII Đoàn Thị Anh Đào - Phó Khoa Nội tổng hợp, cũng cho biết, do ảnh hưởng ô nhiễm không khí và thời tiết, thời gian qua, lượng bệnh nhân nhập viện có lúc tăng tới 20 - 30% so với trước. Các triệu chứng là người bệnh bị sốt, đau ngực, khó thở và ho.

Nhiều bệnh nhi bị bệnh hô hấp và nhiễm cúm phải nhập viện điều trị.

Tại Bệnh viện Phổi Trung ương, theo BSCKII Nguyễn Ngọc Hồng - Trưởng khoa Bệnh Phổi nghề nghiệp, số lượng bệnh nhân nhập viện trong khoảng một tháng trở lại đây có tăng. Tuy không có nhiều đột biến nhưng lại có rất nhiều ca bệnh nặng, thậm chí viêm phổi, phải cấp cứu. Một số người phải nhờ tới trợ giúp của thiết bị mới thở được dễ dàng. Người già và nhóm người mắc bệnh hô hấp mãn tính là "khổ" nhất vào thời điểm này.

Tình trạng ô nhiễm không khí kéo dài đã ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân Thủ đô Hà Nội. Không những vậy, trong những ngày gần đây, nhiều người lại hoang mang trước thông tin bụi mịn trong không khí ô nhiễm có thể gây ung thư.

BSCKII Nguyễn Ngọc Hồng cho biết: "Cơ sở để nói về bụi có gây ung thư hay không thì chúng ta cần hiểu, bụi gồm có vô cơ và hữu cơ. Như vậy, các chất có thể gây ung thư thường là chất hữu cơ, bụi xuất phát từ các chất hữu cơ như có vòng benzel chẳng hạn, có thể xâm nhập vàp cơ thể với một nồng độ nhất định, qua thời gian tương tác có thể gây đột biến của tế bào và có khả năng gây ung thư. Về hàm lượng, nồng độ bao nhiêu trong bụi khi cơ thể hít vào và cần bao nhiêu thời gian có thể gây ung thư thì chúng tôi chưa có nghiên cứu nào".

Các bác sĩ khuyến cáo người dân không nên quá hoang mang, tuy nhiên với những người bệnh đường hô hấp mạn tính cần hết sức lưu ý vì khả năng tình trạng bệnh gia tăng là rất dễ xảy ra, làm kéo dài thời gian và gây tốn kém chi phí điều trị.

Bác sĩ khoa Nội, BV Thanh Nhàn thăm khám cho bệnh nhân.

Bệnh nhân điều trị tại BV Phổi Trung ương.

Cúm "vào mùa" - coi chừng tử vong

Thời tiết giao mùa đông –xuân với đặc điểm độ ẩm cao, nhiệt độ thuận lợi là thời kỳ các loại virus, đặc biệt là virus cúm phát triển. Đây cũng là giai đoạn bệnh cúm “vào mùa”. Theo thống kê của Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới trẻ em, Bệnh viện Nhi Trung ương, từ giữa tháng 11 đến nay, mỗi tuần khoa tiếp nhận từ 100-130 bệnh nhi được chẩn đoán cúm với mức độ nặng khác nhau.

Theo TS.BS Nguyễn Văn Lâm - Giám đốc Trung tâm y học lâm sàng và các bệnh nhiệt đới trẻ em cho biết, bệnh cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính. Bệnh lây qua đường hô hấp với biểu hiện trẻ sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, hắt hơi, sổ mũi, đau họng và ho. Tác nhân gây bệnh hiện nay ở nước ta chủ yếu do các chủng virus cúm A và cúm B. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao, qua đường hô hấp, qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho, khạc.

"Thông thường, bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày, nhưng đối với trẻ em, người lớn tuổi, người có bệnh mãn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch… bệnh có thể diễn biến nặng hơn như viêm phổi, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong"- TS. Lâm nói.

Trẻ bị cúm cần được cách ly và người chăm sóc trẻ cần đeo khẩu trang để phòng lây nhiễm.

Để chủ động phòng chống cúm mùa, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với xà phòng với nước sạch; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.

Giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất dinh dưỡng để nâng cao thể trạng.

Tiêm vắc xin cúm mùa để tăng cường miễn dịch phòng chống cúm.

Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết; Sử dụng khẩu trang y tế khi cần thiết.

Người dân không tự ý mua thuốc và sử dụng thuốc kháng vi rút (như thuốc Tamiflu) mà cần phải theo hướng dẫn và có chỉ định của thầy thuốc.

Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.

Bệnh cúm có khả năng lây nhiễm rất cao, qua đường hô hấp thông qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc.
Theo Trung tâm Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), từ năm 2010 trở lại đây, mỗi năm trên thế giới có khoảng 9 - 45 triệu trường hợp mắc cúm với khoảng trên 61.000 trường hợp tử vong do biến chứng viêm phổi do cúm.

Lê Nguyên
Ý kiến của bạn