Ô nhiễm bao vây di tích quốc gia kênh nhà Lê

06-11-2023 11:00 | Xã hội
google news

SKĐS - Kênh nhà Lê chảy qua huyện Nghi Lộc (Nghệ An) bất ngờ chuyển màu đen kịt, đặc quánh và bốc mùi hôi thối nồng nặc gây ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng tới sức khoẻ người dân sống quanh khu vực này.

Ô nhiễm bao vây di tích kênh nhà Lê - Ảnh 1.

Một đoạn kênh Nhà Lê cạnh vị trí tượng đài bị ô nhiễm.

Kênh Nhà Lê là một hệ thống giao thông đường thủy quan trọng nối Ninh Bình - Thanh Hóa - Nghệ An và Hà Tĩnh, được xem là tuyến thông thủy đầu tiên trong lịch sử Việt Nam. Đoạn kênh Nhà Lê tại Nghệ An dài 128km.

Năm 2016, Bộ Văn hóa - Thể thao và du lịch xếp hạng di tích quốc gia đối với di tích lịch sử Kênh Nhà Lê tại Nghệ An. Thế nhưng hiện nay, kênh Nhà Lê đang đối mặt với nguy cơ ô nhiễm nặng khi dòng kênh chuyển qua màu đen, bốc mùi hôi thối.

Ô nhiễm bao vây di tích kênh nhà Lê - Ảnh 2.

Đoạn kênh Nhà Lê qua xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc, Nghệ An đổi màu đen khiến người dân lo lắng.

Theo quan sát, xung quanh tượng đài kênh Nhà Lê đoạn qua xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc (nằm ngay bên cạnh Quốc lộ 1A), khu vực ô nhiễm kéo dài vài km. Xung quanh đây, có khá nhiều hộ dân sinh sống, vì thế tình trạng ô nhiễm đã ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, sức khoẻ của người dân.

Từ đợt mưa cuối tháng 10 vừa qua, người dân xã Nghi Yên phát hiện đoạn kênh Nhà Lê chảy qua địa bàn dài khoảng 1km, từ ngã ba sông Cấm chảy về khu vực đài tưởng niệm nằm cạnh Quốc lộ 1, nước đổi màu đen kịt, bốc mùi hôi thối.

Ông Nguyễn Văn Công, một người dân sống đối diện với dòng kênh, cho biết nhiều năm trước, ở khu vực này nước kênh cũng từng đổi màu đen kịt. Dòng nước đen từ một con mương đổ xuống, hòa với nước của dòng kênh khiến cả đoạn kênh dài biến thành màu đen, bốc mùi hôi nồng nặc. Đặc biệt là vào những ngày mưa.

"Nhiều năm trước, ngày hè trẻ con vẫn thường xuống kênh tắm. Những năm gần đây thì nước thường xuyên có màu đen, không ai dám tới gần nữa. Mỗi lần nước đổi màu, những hộ dân sống dọc kênh rất khổ vì mùi hôi thối...", ông Công nói.

Ô nhiễm bao vây di tích kênh nhà Lê - Ảnh 3.

Đoạn ô nhiễm kéo dài gần 1km.

Ông Trần Công Hòa – Phó Chủ tịch UBND xã Nghi Yên cho biết "Tình trạng ô nhiễm ở kênh Nhà Lê thường xuyên xảy ra đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân. Mỗi lần như thế, chúng tôi đều tổ chức kiểm tra, tìm nguyên nhân nhưng đến nay vẫn chưa xác định được chính xác nguồn ô nhiễm. Chỉ có thể đặt ra các nghi vấn...".

Ngoài ra, cũng theo Phó Chủ tịch UBND xã Nghi Yên, có nhiều thời điểm dòng kênh bị ô nhiễm, xuất phát từ việc xe bồn lén lút xả thải. "Có những đợt, khi chúng tôi điều tra thì người dân cho biết, buổi tối trước khi dòng kênh bị ô nhiễm có tình trạng một số tài xế xe bồn chở chất thải dừng ngay trên cầu vượt, lợi dụng đêm tối ít người qua lại nên nối vòi, xả chất thải xuống dòng kênh.

Có lần người dân phát hiện xe chở "bã bia" lén lút xả xuống. Tuy nhiên, do chính quyền không trực tiếp phát hiện được nên không thể xử lý", ông Trần Công Hòa nói thêm.

Ô nhiễm bao vây di tích kênh nhà Lê - Ảnh 4.

Kênh nhà Lê đoạn chảy qua địa bàn xã Nghi Yên bị "nhuộm" đen.

Cũng theo người dân địa phương, vào cuối tháng 10 vừa qua, lần theo nguồn nước đen, người dân phát hiện dòng nước này chảy ra từ Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên. Nhiều người dân bức xúc vì cho rằng, khu xử lý rác thải lợi dụng trời mưa, lén lút xả nước thải chưa qua xử lý khiến dòng kênh bị "bức tử".

Về vấn đề này, lãnh đạo Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên thừa nhận, dòng nước có màu đen xuất phát từ bên trong khu xử lý. "Sau khi người dân phản ánh, chúng tôi cũng đã làm việc với họ. Tuy nhiên, nguồn nước đó không phải do chúng tôi. Mà là từ khu vực lò đốt của Công ty cổ phần Galax (ngành nghề kinh doanh chính là: Xử lý và tiêu huỷ rác thải không độc hại)", vị này nói và cho biết thêm, do những lò đốt rác gây ô nhiễm môi trường nên từ 3 năm trước đã bị UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu dừng hoạt động, nhưng vẫn còn sót lại lượng lớn mùn.

Mỗi lần mưa lớn, nước từ khu vực này chảy tràn ra, thông qua một con mương trong khu xử lý chất thải rắn đổ ra kênh Nhà Lê. Ngay sau khi nhận được phản ánh, Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên đã cho người đắp đất, ngăn dòng nước thải tràn ra bên ngoài.

Ô nhiễm bao vây di tích kênh nhà Lê - Ảnh 5.

Khu xử lý rác thải chủ yếu bằng chôn lấp, nhưng các hố chôn lấp cơ bản đã đầy. Thường xuyên xuất hiện tình trạng rò rỉ nước thải ra bên ngoài.

Khu xử lý rác thải Nghi Yên đến nay đã vận hành hơn 10 năm, thời gian qua đã có các biện pháp nhằm cải thiện, xử lý ô nhiễm môi trường như phun thuốc khử mùi, diệt côn trùng, tuy nhiên, vấn đề này không thể giải quyết một cách triệt để.

"Hiện tại, về phía Công ty sẽ cố gắng hơn nữa, tận dụng mọi khả năng để giảm thiểu ô nhiễm cho người dân. Thời gian tới không thể duy trì chôn lấp rác thải, mà cần lựa chọn công nghệ mới đạt tiêu chuẩn mới có thể giảm thiểu ô nhiễm...", ông Vũ Văn Phượng - Giám đốc Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị thành phố Vinh (đơn vị vận hành bãi rác ở xã Nghi Yên) cho biết.

Ông Phạm Văn Toàn – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nghệ An cho biết, khu xử lý rác Nghi Yên chủ yếu bằng chôn lấp, sinh ra nước rỉ, mùi hôi, ảnh hưởng đến đời sống người dân. Trong tổng 8 ô chôn lấp, hiện nay có 5 ô đã đầy. Vì vậy, thời gian tới phải tìm được nhà đầu tư, xử lý khắc phục tình trạng này, không để tình trạng xử lý rác bằng chôn lấp diễn ra lâu dài.

Phê bình đơn vị thoát nước vụ cá chết trắng hào thành cổ VinhPhê bình đơn vị thoát nước vụ cá chết trắng hào thành cổ Vinh

SKĐS - UBND thành phố Vinh (Nghệ An) phê bình đơn vị quản lý, vận hành hệ thống thoát nước chưa thực hiện tốt nhiệm vụ dẫn đến tình trạng ô nhiễm, cá chết nổi trắng hào thành cổ.


Hoàng Trinh
Ý kiến của bạn