Ở một trạm y tế xã

29-10-2010 15:10 | Xã hội
google news

Chánh văn phòng Huyện uỷ giới thiệu với tôi, có một điển hình tiên tiến nên biểu dương, tôi tìm đến, té ra là một người quen biết cũ: Trưởng trạm y tế xã Quảng Phú Cầu, Ứng Hòa, Hà Nội.

Chánh văn phòng Huyện uỷ giới thiệu với tôi, có một điển hình tiên tiến nên biểu dương, tôi tìm đến, té ra là một người quen biết cũ: Trưởng trạm y tế xã Quảng Phú Cầu, Ứng Hòa, Hà Nội.

Cách đây mấy năm, tại trạm y tế xã, với tư cách phóng viên báo tỉnh, tôi đã gặp vị này. Xoay trần ra phỏng vấn cả một buổi sáng, quên cả đói, quên cả mệt, quên cả giờ giấc. Chủ nhân ngước mắt nhìn đồng hồ treo tường, lên tiếng:

- Ôi chết, trưa quá rồi, anh em mình đi ăn trưa đã nhé! Có gì, dành buổi chiều...

Tôi theo anh. Lướt qua bao dãy hàng quán, cuối cùng anh dẫn khách vào một nhà. Vừa bước chân vào, anh đã chỉ vào một phụ nữa trẻ - chắc là chủ quán đã quen khách, vui vẻ giới thiệu:

- Giới thiệu với anh, đây là nhà em - Rồi quay sang - Em đi chuẩn bị mấy món gì đãi anh em chúng tôi nhé!

Tôi thấy khó xử. Té ra, đây là nhà riêng. Còn kia là vợ anh. "Nếu biết thế này thì mình rủ quách chủ nhân đi vào một quán ăn nào đó", tôi nghĩ bụng. Trưởng trạm y tế xem ra chẳng nói chẳng rằng, bất ngờ đưa khách vào cuộc đã rồi. Sau đó tôi mới biết, hôm đó, trong túi trưởng trạm chẳng còn mấy đồng...

Kỷ niệm xưa xem chừng trùng hợp với một trong những trường hợp anh kể này chăng?

- Năm 1994 ấy, tôi kể anh nghe, vợ chồng tôi có hai con còn bé, đang tuổi ăn tuổi chơi, tuổi xem cả. Cả nhà có độc một cái tivi nội địa. Dạo ấy đang chiếu mấy bộ phim mà các cháu nhà tôi rất mê như "Người giàu cũng khóc”, "Đơn giản tôi là Maria"... thế mà phải cắn răng bán cái tivi ấy đi đấy, được 56.000 đồng để lấy tiền đóng học phí cho các con đi học. Tôi, bố chúng nó, trụ cột gia đình, đi làm ở trạm xá xã làm gì có tiền lương? Thưa anh, lương xã trả bằng thóc ạ. Mỗi tháng xã phát lương cho tôi bằng 25kg thóc.

 BS. Nguyễn Phú Đông.

Thời điểm anh Đông lĩnh lương bằng thóc là từ năm 1991, khi anh vào làm việc tại trạm y tế xã. Nhưng trước đó, anh đã từng lĩnh lương tháng bằng tiền cơ mà. Đông đã từng làm anh bộ đội ở trường trung cấp quân y. Tốt nghiệp trung cấp quân y, chuyển sang học sĩ quan công binh thành thiếu úy quân đội. Sau đó về làm ở Trường hậu cần Bộ Tư lệnh công binh, phụ trách các lớp đào tạo y tá, dược tá cho quân đội. Rõ ràng, anh lĩnh lương tháng bằng tiền mặt đàng hoàng. Nhưng rồi chuyện sáp nhập, chia tách lại đưa đẩy anh y sĩ này sang làm công việc y tế tại một Công ty thủy lợi. Cuộc đời anh tiếp tục phiêu dạt theo một đợt xuất khẩu lao động sang nước Irắc. Khi về nước thì chẳng còn việc đâu cho Đông làm cả. Thế là đành về quê thôi.

Tài sản duy nhất là cái bằng trung cấp y, Đông trình với chính quyền địa phương, để rồi sau đó, xã nhận cho vào làm tại trạm y tế xã. Bằng chứng nhãn tiền của sự xoay vần là anh chàng trung cấp y này đã chuyển từ nhận lương tháng bằng tiền để rồi về quê, xã chỉ có thể trích thóc ra trả lương. Xem ra, đời cũng chẳng rải thảm đỏ cho Đông đi!? Nhưng Đông hiểu được sự cưu mang của quê hương bản quán, của bà con xóm giềng...

Thời khó khăn đó làm việc ở cái trạm y tế xã nhỏ bé, hiu quạnh này, các nhân viên y tế như y sĩ Đông có gì? Quanh đi quẩn lại cũng chỉ có một chiếc cặp nhiệt độ, một bộ ống nghe và đo huyết áp, một bộ đỡ đẻ luộc đi luộc lại, kim đã cùn, cố mài cho sắc để tiêm cho người bệnh. Ở nông thôn như xã anh, số ca sinh nở đâu ít?

Chí tiến thủ cộng với ước mong đền đáp tấm lòng quê hương đã thôi thúc Đông đi học Đại học Y Thái Bình từ năm 1994. Mừng cho anh và đồng nghiệp ở xã, chỉ năm sau, năm 1995, Nhà nước đã cho cán bộ y tế xã được lĩnh tiền lương hàng tháng. Năm 1997, ra trường, trở thành bác sĩ duy nhất ở trạm xá, anh được cất nhắc làm trạm trưởng.

Khi được nhận trạm trưởng y tế xã, bác sĩ Nguyễn Phú Đông đã cố gắng hết mình cho công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân trong xã. Việc ở xã từ xưa đến nay vốn vẫn nhiều việc vụn như chăm con mọn, công tác y tế cũng không nằm ngoài vòng xoay ấy. Nhiều chương trình lắm, như Làm mẹ an toàn, Tiêm chủng mở rộng, Ngày dân số - kế hoạch hoá gia đình... cả chương trình chăm sóc sức khoẻ tâm thần nữa. Có những đợt mà ở xã Quảng Phú Cầu này có đến 43 trường hợp cần chăm sóc, trong đó 24 người bị tâm thần, 19 người bị động kinh. Cán bộ y tế xã đến với họ là để khám, cấp thuốc, tư vấn... cả để nhận những lời chửi bới lăng mạ, thậm chí ăn đòn nữa. 10 ngày cấp thuốc một lần cho khắp lượt 43 người. Có bệnh nhân như Triệu Văn Thắng, 17 tuổi, người ở xóm 18, tâm thần nặng, nói năng, chửi bới nhiều, hung dữ, đập phá lung tung đồ đạc trong nhà,  mắt long sòng sọc lên với cán bộ y tế xã... thật khó chăm sóc. Nhưng sự cần mẫn, chịu khó của bác sĩ Đông đã làm dịu mát những cơn điên giận trong đầu họ, điều trị cho họ ổn định. Gặp những trường hợp tái phát, trạm xá xã lại cử người cùng người nhà đưa họ lên Bệnh viện tâm thần Ba Thá điều trị tiếp, đến khi họ ổn định, hoà nhập được với cộng đồng thì mới xong việc. Làm công việc cứu người ở xã vốn đã mỏi mệt, vụn vặt như chăm con mọn, nhưng cán bộ ngành y cấp xã còn bị người bệnh chửi mắng, bị xúc phạm. Điều này, ở cấp trên chắc ít xảy ra? Có bệnh nhân đưa người nhà đến yêu cầu trạm xá cho tiêm ngay, y như họ mới chính là chủ nhân trạm xá vậy. Nhân viên y tế Nguyễn Thị Hanh ôn tồn giải thích: "Cần tiêm thì sẽ tiêm, nhưng cần chẩn đoán đúng đã mới tiêm đúng thuốc, đúng bệnh, mới an toàn và chóng khỏi...". Bệnh nhân càng nhăn nhó, người nhà càng thúc giục. 3 ngày sau, bệnh nhân khỏi bệnh, người nhà mới cảm ơn trạm xá. Lại có một bệnh nhân do say rượu bị tai nạn giao thông, đưa đến trạm xá. Khi chị Lê Thị Phin ở trạm yêu cầu phải khâu, lập tức bệnh nhân chửi mắng, doạ đánh chị Phin. Chị Phin ôn tồn: "Vết thương của anh phải khâu thì mới chóng khỏi, không để lại vết sẹo to làm xấu khuôn mặt. Anh yên tâm, tôi khâu không đau, không lâu, khuôn mặt anh sau này sẽ đẹp lại như cũ...". Được những lời dịu ngọt ấy an ủi, anh ta mới nghe lời. Khi đã khỏi, anh chàng tâm sự: "Lúc ấy em say quá, ăn nói lung tung, mong các chị thông cảm".

Nhân viên y tế ở trạm y tế xã của bác sĩ - Trạm trưởng Nguyễn Phú Đông là vậy. Trạm trưởng Đông hiền lành, tốt bụng, căn dặn, chỉ bảo họ đúng hướng, làm tốt, làm gương trong 12 điều y đức... cũng cốt để cho nhân dân Quảng Phú Cầu yên tâm, tin tưởng khi đến trạm y tế xã điều trị.

Không những mình là bác sĩ, anh Đông còn muốn nhiều người sẽ thành bác sĩ như anh nên trạm thường xuyên thay nhau làm giúp nhau công việc để những đồng chí mình được trạm cử đi nâng cao trình độ tại những lớp chuyên môn, nghiệp vụ. Những tưởng ở cấp xã là tận cùng rồi, không còn những việc dưới cấp nữa, nhưng không phải. Y tế Quảng Phú Cầu còn phải chăm lo tốt mạng lưới cơ sở của mình như mạng lưới y tế thôn, đội nữa. Trạm y tế xã còn mở dịch vụ bằng quầy dược liệu cung cấp thuốc tốt, thuốc chất lượng cho bà con. Giờ giấc làm việc ở trạm thực sự nghiêm túc, trực ngày, trực đêm rất đảm bảo. Bất cứ giờ giấc nào trong ngày có ca bệnh, nhân viên y tế của trạm đều tận tình đến tận nơi cứu chữa. Đang ăn, nghe bệnh nhân gọi, phải bỏ bữa đi đã. Phóng xe máy đi, anh Đông và đồng nghiệp cũng tốn tiền xăng xe chứ? Nhưng khi khỏi bệnh, bệnh nhân cũng chỉ có những lời cảm ơn. Đông chân thành:

- Anh chị em trong trạm y tế xã này nói là một tổ chức y tế xã là danh chính ngôn thuận đấy, nhưng nhiều khi bọn tôi coi nhau như trong một gia đình vậy thôi. Chỉ có vẻn vẹn 8 người: 1 bác sĩ, 5 y sĩ, 2 hộ sinh. Trong một gia đình thì khó khăn mấy cũng chỉ có mấy người bảo nhau mà làm. Ví dụ: anh chị em chúng tôi đã bảo nhau phải bỏ tiền túi ra mà mua trang thiết bị khám chữa bệnh cho bà con. Đặt địa vị anh làm ở một cơ quan Nhà nước, anh có chịu thế không? Thế mà ở cái trạm y tế xã nhỏ bé này, chúng tôi đã làm đấy. Ví dụ, muốn mua trang thiết bị khám chữa bệnh, nhiều khi chẳng biết trông vào đâu. Xã cũng chỉ hỗ trợ cho 20 triệu khi mua cái máy siêu âm đến 100 triệu đồng kia. Thế nên đành huy động tiền của nhân viên trạm. Họ làm gì có nhiều tiền, nên đành nói khó vay mượn gia đình, họ hàng, bạn bè để góp vốn vào. Ngoài ra, mỗi tháng trạm quy định mỗi người góp tiết kiệm nửa tháng lương để dành mua sắm thiết bị. May sao ở quê tằn tiện được. Có thế chúng tôi mới có máy siêu âm, kính hiển vi, máy chụp Xquang... như bây giờ chứ.

Vậy nên, đạt đến những chuẩn mực khá toàn diện về mọi mặt, Trạm y tế xã Quảng Phú Cầu đã là một trạm y tế tiêu biểu của huyện Ứng Hoà, Hà Nội. Vì thế, trạm đã đạt danh hiệu Chuẩn quốc gia. Trạm chuẩn quốc gia này đã khám chữa cho bà con trong xã Quảng Phú Cầu và cả bà con các xã bạn như Trường Thịnh, Liên Bạt, đến cả các xã thuộc huyện bạn như Phú Túc, Hoàng Long, Hồng Minh (huyện Phú Xuyên).

Lần tôi đến tìm hiểu để viết bài này, vừa vào đến trạm, té ra anh trạm trưởng đang họp Đại hội Đảng bộ xã. Anh đại biểu Đảng bộ hôm sau xuất hiện trước tôi trong trang phục gọn gàng, nụ cười hiền lành, thân thiện. Sau khi nghe xong mọi chuyện, anh mới tiết lộ:

- Mai em phải thuê xe tắcxi ra sân bay Nội Bài đón cháu, anh ạ. Cháu đang tu nghiệp tại Pháp, được nghỉ hè về thăm quê, điện bố ra đón...

- Thế à? Mừng quá! Đứa trẻ ngày xưa không được bố cho xem phim "Người giàu cũng khóc" trên tivi nội địa ấy à?

- Vâng. Chúng nó đều đã trưởng thành cả rồi. Chẳng trách chúng mình chóng già, anh nhỉ?

Chiều đó, anh trạm trưởng y tế xã thuê xe tắcxi ra sân bay cách nhà hơn 60km để đón con. Phút thăng hoa riêng tư của cuộc đời diễn ra chỉ trong chốc lát thôi. Bởi vì sau giờ khắc đó, Đông lại trở về vai trò trạm trưởng y tế xã. Trước thời điểm này, anh đã đến nhà rất nhiều bệnh nhân trong xã để chăm sóc khám chữa cho họ.

Ví dụ một bệnh nhân già mắc bệnh nan y. Cụ Lê Thị Mịch 93 tuổi ở xóm 18, bị gãy xương đùi.  Cụ Mịch nằm một chỗ nhiều ngày nay vì gãy xương. Ăn, ngủ, tiêu, tiểu tại chỗ. Người cụ vì thế lở loét cả ra. Ai sẽ là người chăm sóc chính nếu không phải là bác sĩ Đông và nhân viên của anh thay nhau đến rửa ráy vết thương, thay bông băng, cho thuốc, chống loét? Sau 2 tháng, có bác sĩ Đông và các nhân viên của anh, cụ đã ngồi dậy được, đi lại được, vết loét đã khỏi...

Hay ông Nguyễn Quý Thịnh ở xóm 17, bị xơ gan cổ trướng, bệnh viện trả về trong tình trạng đau đớn, vật vã. Đích thân bác sĩ Đông đến tận nhà dùng thuốc giảm đau, chọc hút dịch cổ trướng, kéo dài sự sống cho ông...

- Còn nhiều ví dụ trước đây nữa không nhớ hết đâu...

- Cả sau này nữa chứ?

- Vâng. Tất nhiên rồi. Với bệnh nhân nghèo, y tế xã đến tận nhà khám, cấp thuốc điều trị miễn phí... Làm anh cán bộ y tế xã là vậy đó, anh ạ. Không ngại việc gì, không tính được tiền nong, đi đổ bô cho người bệnh cũng là mình mà... - Đông cười hiền khô.

Kiều Xuân Thủy


Ý kiến của bạn