Ở một bệnh viện trên cao nguyên Mộc Châu

15-12-2016 17:08 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Là một bệnh viện tuyến huyện miền núi của tỉnh Sơn La, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, nhân lực và trang thiết bị, song BVĐK Mộc Châu đã và đang “thay da, đổi thịt” từng ngày...

Là một bệnh viện tuyến huyện miền núi của tỉnh Sơn La, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, nhân lực và trang thiết bị, song BVĐK Mộc Châu đã và đang “thay da, đổi thịt” từng ngày, xứng đáng là địa chỉ tin cậy về y tế không chỉ cho nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện, mà còn cho nhân dân tỉnh Hủa Phăn nước CHDCND Lào (vùng giáp biên giới Việt - Lào).

Những đột phá về kỹ thuật cao

Một trong những dấu ấn nổi bật trong năm 2016 là bệnh viện đã được nâng từ hạng III lên hạng II (Quyết định số 778/QĐ-UBND ngày 31/3/2016 UBND tỉnh Sơn La). Đây là động lực lớn giúp đội ngũ cán bộ viên chức nỗ lực phấn đấu, vươn lên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân trong thời kỳ mới.

Bệnh viện đã không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng phục vụ khám chữa bệnh cho nhân dân. Để phát triển đồng bộ, toàn diện mọi mặt, bên cạnh việc tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, thì việc quan tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm phát triển các dịch vụ kỹ thuật theo hướng chuyên sâu, tạo cơ hội cho mọi người dân được tiếp cận gần nhất với các dịch vụ y tế chất lượng cao ngay tại quê nhà, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Phẫu thuật nội soi khớp gối

Phẫu thuật nội soi khớp gối -một trong những kỹ thuật khó đã được chính các bác sĩ của BV thực hiện thành công.

Nét khởi sắc làm nên thương hiệu của BVĐK Mộc Châu chính là lĩnh vực hồi sức cấp cứu nội, ngoại khoa, phục hồi chức năng... Với hệ thống thiết bị hiện đại cùng năng lực trình độ cán bộ, bệnh viện đã cấp cứu thành công nhiều trường hợp trụy hô hấp, tuần hoàn nặng do các nguyên nhân bệnh lý khác nhau; các trường hợp bệnh lý gây liệt toàn thân trong hội chứng Guillain-Barre, ngộ độc các loại...; triển khai thực hiện một số kỹ thuật ngoại khoa tương đương tuyến tỉnh và tuyến Trung ương như: Phẫu thuật (PT) tụ máu nội sọ, PT vết thương sọ não hở, PT thay khớp háng, PT nội soi khớp gối tái tạo dây chằng, PT nội soi điều trị viêm, thoái hóa khớp gối, PT nội soi ổ bụng, cắt lách, khâu gan vỡ trong chấn thương bụng, PT đóng đinh nội tủy chốt ngang và nẹp vít các xương tứ chi, cắt dạ dày, cắt đại tràng làm hậu môn nhân tạo...

Bước đột phá trong ứng dụng kỹ thuật mới năm 2016 là lĩnh vực Sản khoa, một trong những lựa chọn ưu tiên phát triển. Ở một huyện miền núi, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, trong khi tỷ lệ vô sinh ngày càng cao. Nhiều cặp vợ chồng khao khát có con nhưng không có điều kiện để đi điều trị vô sinh ở tuyến trên. Trước thực tế nhu cầu đó, BV đã cử kíp bác sĩ đi đào tạo/CGKT điều trị Hỗ trợ sinh sản tại BV Phụ sản Trung ương, đến nay bệnh viện đã áp dụng thành công phương pháp thụ tinh nhân tạo (kỹ thuật IUI) được 5/7 trường hợp. Từ thành công đó sẽ mang đến hy vọng cho các cặp vợ chồng hiếm muộn trên địa bàn huyện và các huyện lân cận. Ngoài ra, một số kỹ thuật tiên tiến được thực hiện hiệu quả như: PT nội soi cắt khối chửa ngoài tử cung, PT nội soi cắt u xơ tử cung, u nang buồng trứng, PT cắt tử cung bán phần, toàn phần...

Trong các lĩnh vực khác thì phục hồi chức năng cũng có bước phát triển rõ nét, nhiều kỹ thuật tiên tiến được ứng dụng thành công trong điều trị các bệnh xương, khớp mạn tính, di chứng sau chấn thương như: kỹ thuật kéo giãn cột sống, điện xung, đắp Paraphin, điện từ trường...đã góp phần mang lại hiệu quả cao trong điều trị.

“Con ong” cần nguồn lực để nhả mật

Công tác nghiên cứu khoa học cũng được hết sức quan tâm, kết quả 10 năm qua đã có 79 đề tài cấp cơ sở, được HĐKH Sở Y tế công nhận. Một số đề tài khoa học được báo cáo tại các “Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh” hàng năm và đạt giải, đã được các cấp, các ngành và các đồng nghiệp trong tỉnh hiểu về sự phát triển của bệnh viện, góp phần nâng cao uy tín của bệnh viện. Với những kết quả đạt được, bệnh viện đã ngày càng tạo dựng niềm tin đối với nhân dân, số lượng bệnh nhân đến khám, chữa bệnh ngày càng tăng, trung bình từ 300-350 bệnh nhân điều trị nội trú/ngày. Bệnh viện đã phải huy động nguồn lực mua bổ sung và kê thêm giường bệnh, đến nay có 325 giường/150 giường kế hoạch (vượt  trên 200% so với kế hoạch), công suất sử dụng giường bệnh luôn đạt trên 140%.

Ghi nhận những thành tích đạt được, BVĐK Mộc Châu đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì. Trong không khí vui mừng, phấn khởi bệnh viện đang chuẩn bị tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập và Đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì. Trao đổi với PV báo SK&ĐS, BSCKII. Vi Hồng Kỳ - Giám đốc bệnh viện cho biết: Mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm đến năm 2020, BVĐK Mộc Châu phấn đấu xây dựng trở thành bệnh viện đa khoa hạng I có cơ sở vật chất hiện đại, có đội ngũ cán bộ chuyên môn và quản lý đạt trình độ cao trong khu vực. Quy mô giường bệnh đến năm 2020 là 250-300 giường. Tiếp tục hoàn thiện nâng cấp cơ sở hạ tầng, đầu tư trang thiết bị hiện đại, ứng dụng CNTT toàn diện, hiện đại hóa bệnh viện ngang tầm trong khu vực. Tuy nhiên vẫn còn không ít những khó khăn, vì hiện nay, trang thiết bị của bệnh viện còn thiếu về chủng loại, chưa đáp ứng với năng lực chuyên môn. Trong khi đó, để thực hiện xã hội hóa đối với bệnh viện tuyến huyện miền núi là điều vô cùng khó khăn. Bởi, khó thu hút nhà đầu tư do thị trường nhỏ, lượng bệnh nhân sử dụng dịch vụ chất lượng cao chưa nhiều, thu hồi vốn chậm... Vì vậy, bệnh viện rất cần được sự quan tâm đầu tư của UBND huyện và tỉnh cũng như của Bộ Y tế để bệnh viện phát huy tốt năng lực của mình, góp phần đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân.


Vi Cầm
Ý kiến của bạn