Theo Đông y, ô mai có vị chua, có thể sinh tân dịch, giải khát, có thể thăng, có thể giáng, giúp thuận khí, hết ho, có vai trò cốt yếu trong chữa trị các chứng ho lâu ngày, khản tiếng, mất tiếng...
Trong Đông y, vị thuốc ô mai thường được chế biến theo cách sau: quả mơ chín vàng được thu hái, phơi trong mát cho đến héo, rồi đem cửu chưng cửu sái (phơi khô, ngâm muối rồi lại tiếp tục phơi khô như vậy cho đủ chín lần). Sau khi hoàn tất, thịt quả mơ săn lại, có màu đen (chữ “ô” có nghĩa là màu đen) hoặc có các hạt muối trắng mịn kết tinh trên bề mặt (gọi là bạch mai).
Sau đây là những công dụng khá độc đáo của ô mai:
Sinh tân dịch, trị khô khát: miệng khát do phiền nhiệt, dùng ô mai kết hợp với thiên hoa phấn, ngọc trúc, thạch hộc, nấu lấy nước uống. Trị cảm nắng cảm nóng và giải khát, sinh tân dịch, dùng ô mai với số lượng vừa phải, 3 thìa con đường, cho nước đun sôi, để nguội uống.
Hỗ trợ trung hòa sức khỏe cơ thể: tục ngữ Nhật Bản có câu: “Một quả ô mai mỗi ngày, bác sĩ sẽ không đến nhà”. Nếu bạn bị ốm, hãy ăn một trái ô mai. Người xưa, trong cách chế biến ô mai, đã khéo léo chuyển hóa và trung hòa yếu tố âm (vị chua) bằng yếu tố dương là vị mặn của muối để tạo ra một sự quân bình âm dương kỳ diệu. Vì vậy, khi cơ thể bị thiếu âm hay thiếu dương, ô mai sẽ giúp cơ thể tạo ra sự cân bằng âm dương một cách tự nhiên. Ô mai giúp cơ thể tiêu thụ yếu tố dương (muối) một cách dễ dàng mà không gây khát nước, qua đó trung hòa các yếu tố âm như: đường, rượu, chất độc… trong máu. Ngược lại, nhờ vị chua (tính âm), ô mai làm dịu các triệu chứng dương. Nếu cơ thể bạn quá nhiều acid, ô mai sẽ nhanh chóng lập lại độ cân bằng pH. Nếu bạn bị cảm, sốt, hay cúm, ô mai có thể giúp bạn bình phục trong một thời gian ngắn. Mỗi ngày một quả ô mai có thể giúp gia đình bạn phòng ngừa ốm đau, và có thể phục hồi sức khỏe khi bị ốm trong thời gian ngắn. Vì vậy trong dân gian người ta thường nói: “ăn ô mai hàng ngày phòng chống được bệnh tật”, tuy có hơi khuyếch đại nhưng phần nào nói lên tầm quan trọng của vị ô mai.
Rối loạn tiêu hóa, cảm cúm: dân gian Nhật Bản có thói quen khi bị cảm cúm, đau bụng hoặc rối loạn tiêu hóa, thì người ta trộn ô mai với sắn dây, bột gừng và một ít tương. Thế là đủ! Rất đơn giản nhưng khá hiệu quả. Người Nhật xem ô mai là một thực dưỡng, khi ăn cơm với ô mai sẽ cung cấp năng lượng lớn hơn và trung hòa các độc tố. Đó là lý do tại sao lại có Shushi, món cơm nắm truyền thống của người Nhật, quấn cơm nắm bằng miếng rong nori ở bên ngoài và cho phần thịt của quả ô mai vào giữa.
Bổ dạ dày, khai vị: ô mai kết hợp với thuốc bổ khí có tác dụng tốt làm sản sinh nhanh tân dịch, giúp dễ tiêu, dễ hấp thụ thức ăn. Ngậm một quả mỗi ngày cũng làm cho hệ tiêu hóa mạnh mẽ và sạch sẽ hơn. Acid catechic giúp tăng nhu động ruột, tiêu hóa thức ăn, giảm trướng bụng, khó tiêu…
Lợi mật, làm tan sỏi mật: nếu bị đau quặn do sỏi mật, viêm túi mật, dùng ô mai kết hợp với kim tiền thảo, hải kim sa, diên hồ tố, kê nội kim, cam thảo sẽ thấy hiệu quả đáng mừng. Y học hiện đại qua nghiên cứu đã cho thấy mơ chứa các loại acid hữu cơ có trong táo tây, phật thủ, có tác dụng kháng khuẩn rõ rệt, đồng thời làm co túi mật, thúc đẩy quá trình tiết mật.
Hỗ trợ chức năng gan: thành phần mơ muối chứa acid pitric hỗ trợ và hoạt hóa chức năng gan, qua đó tăng cường chức năng giải độc của gan, dùng khi cơ thể bị ngộ độc hóa chất, rượu, ngộ độc thức ăn.
Hỗ trợ phục hồi chất điện giải trong cơ thể: khi lao động nặng ngoài trời, thể thao, người ta thường bị đổ mồ hôi kèm các chất điện giải trong người qua mồ hôi. Thành phần mơ muối chứa các chất điện giải cần thiết (natri, kali…). Acid citric trong thịt quả mơ giúp hấp thụ dễ dàng các chất điện giải này, do vậy mơ muối giúp bổ sung điện giải nhanh chóng khi cơ thể bị mất nước, mất muối do mồ hôi, rối loạn tiêu hóa, bị sốt, môi khô, miệng khát… Ngậm ô mai hay nước nấu ô mai là cách rất tốt để khôi phục lại chất điện giải đã mất qua mồ hôi.
Trị ho lâu ngày, cơ thể mệt mỏi: ô mai, lượng vừa đủ nấu thành cao. Mỗi tối, trước lúc đi ngủ, uống với mật ong.
Trị ho lâu ngày, khản tiếng, viêm phế quản và viêm họng: ô mai 4g, lá tre, tô mộc, mỗi vị 8g; cam thảo dây, chua me đất, mỗi vị 5g, lá chanh 4g, gừng sống 2g. Sắc uống ngày một thang.
Trị ho nhiệt, khạc ra đờm có máu: ô mai, hoa hòe sao, dành dành sao, vỏ rễ dâu, mỗi vị 12g. Sắc uống ngày một thang.
Trị tiêu chảy cấp tính do nhiễm khuẩn: ô mai, sa nhân, thảo quả, sắn dây, mỗi vị 12g; bạch biển đậu 20g, cam thảo 6g. Tán bột làm viên, mỗi ngày uống 20g với nước chè đặc.
Trị giun đũa, nôn, giảm đau: do ô mai có vị chua nên làm cho giun đũa bị mềm nhũn. Người có giun đũa thường buồn nôn, đau bụng. Có thể lấy 30g ô mai, 3 thìa đường, sắc trong một cốc nước to, để nguội, đưa bệnh nhân uống, sẽ nhanh chóng hết đau.
Trị giun chui ống mật: ô mai 16g, sử quân tử 12g, hạt cau, mộc hương, chỉ thực, mỗi vị 8g. Sắc uống ngày một thang.
Trị lỵ mạn tính: từ quả ô mai, người ta cũng chiết xuất được một loại kháng sinh có tác dụng diệt vi khuẩn gây kiết lỵ Vì vậy mơ muối, đặc biêt loại lâu năm có màu đen sẫm là một vị thuốc hiệu nghiệm chữa đau bụng do kiết lỵ
Trị sản hậu bị chứng lỵ, khát: ô mai 20 trái, Mạch môn 12g. Mỗi lần dùng 1 chén nước, sắc còn 7 phân, uống dần.
Trị tiêu khát (đái tháo đường):
- Ô mai (bỏ hột) 80g, sao qua tán nhỏ, mỗi lần dùng 8g với đậu xị (đậu đen đồ ủ lên men) 20g. Sắc uống hoặc nấu ăn vào lúc đói.
- Ô mai, thiên hoa phấn, cát căn, hoàng kỳ, mạch môn đều 10g, cam thảo 3g. Sắc uống. Hoặc chế thành hoàn, ngày uống 2 lần, mỗi lần 6g.
Trị sốt rét cơn: ô mai (bỏ hột) 4 quả, thường sơn (đồ với giấm, phơi khô tán nhỏ) 8g. Giã nhỏ làm viên, uống với rượu vào sáng sớm, trước khi lên cơn.
Trị mụn cóc (hạt cơm) trên da: ô mai (bỏ hạt) 30g, ngâm nước muối và ít dấm trong 24 giờ, vớt ra, nghiền mịn đắp lên mụn cơm.
Nếu không thể chịu đựng được vị mặn, hãy thử dùng loại ô mai cô đặc, được gọi là Bainiku Ekisu ở Nhật Bản. Thứ này được làm bằng cách tách lớp thịt của quả ô mai. Chỉ cần một vài quả là đủ. Hòa với nước nóng, nó sẽ làm cơ thể sảng khoái, tươi tỉnh, đồ uống chua đó có thể giúp kiềm hóa cơ thể.
CÁCH LÀM MƠ MUỐI KIỂU NHẬT BẢN
1 kg mơ, 170g muối, 100ml rượu trắng, 1 nắm lá tía tô.
Lá tía tô vò nát với chút muối và vắt bỏ ngay thứ nước có màu tối đen đầu tiên này. Mơ rửa sạch.
Trộn rượu và muối vào mơ. Trộn lá tía tô đã vắt nước vào mơ. Để ít ngày cho tiết nước ngập. Nén nhẹ, đè lên bằng một vật hơi nặng như muối cà. Sau 1 tuần đến nửa tháng có thể vớt ra phơi, ngày phơi, đêm tẩm vào nước.
Nếu không làm mơ muối khô có thể để nguyên như vậy vài năm.
Lương y HOÀNG DUY TÂN