Hà Nội

Ô mai ngày tết, vị thuốc quý chữa nhiều bệnh

22-01-2023 10:00 | Vị thuốc quanh ta

SKĐS - Ô mai là vị thuốc từ quả mơ chín, được chế biến thành bạch mai hoặc ô mai có công dụng giảm ho, tiêu đờm, chữa viêm họng, hen suyễn, khó thở, phù thũng, trừ nôn, tiêu chảy…

1. Đặc điểm và công dụng của ô mai

Để làm ô mai mơ, người ta thu hái những quả thật già, phơi ở nơi mát trong 3 ngày cho héo. Sau đó cho vào nước đun sôi đến khi da quả sơ nhăn lại, rồi đồ và phơi. Làm như vậy 6-7 lần đến khi quả mơ tím đen là được. Ô mai có vị chua, bạch mai có vị chua mặn, có tác cũng giảm ho, sinh tân dịch.

Để làm bạch mai, người ta thu hái những quả mơ chín, dùng muối sát đều, bỏ vào vại sành, muối trong 3 ngày 3 đêm, vớt ra phơi rồi lại cho vào vại muối thêm 1 ngày 1 đêm nữa, phơi cho thật khô. Muối thấm vào quả mơ kết tinh thành một màng trắng.

Ngày dùng 4-8g dạng thuốc sắc uống hoặc viên ngậm. Ngoài ra, còn dùng ô mai để chữa giun, phối hợp với các vị thuốc khác. Đặc biệt giun chui ống mật, ô mai có tác dụng tạo môi trường axit làm cho giun chui khỏi ống mật trở về ruột và bị tống ra. 

photo-1673323990505

Ô mai, món ăn vị thuốc từ quả mơ chín

2. Bài thuốc từ quả ô mai (trong bài thuốc, dùng ô mai bỏ hạt)

2.1 Chữa ho lâu ngày, khàn tiếng, mất tiếng, viêm phế quản và viêm họng

Dùng 1 trong số bài thuốc sau:

Bài 1: Mơ muối (bỏ hạt), thiên môn, mạch môn, bách bộ, vỏ rễ dâu, các vị bằng nhau. Các dược thảo phơi khô, thể mơ muối, tán nhỏ, luyện với mật ong và nước gừng, làm viên bằng hạt nhãn, mỗi lần dùng một viên ngậm và nuốt dần.

Bài 2: Ô mai 4g, lá tre, tô mộc, mỗi vị 8g; cam thảo dây, chua me đất, mỗi vị 5g, lá chanh 4g, gừng sống 2g. Sắc uống ngày một thang.

Bài 3: Mơ chín vàng 100 quả, nước cốt chanh 1 chén, cam thảo 40g, mật ong 320g. Tất cả nấu nhừ, bỏ bã rồi cô thành cao mà ngậm.

2.2. Chữa chứng ho nhiệt, ho nhiều đờm, ho ra máu

Ô mai, hoa hòe sao, dành dành sao, vỏ rễ dâu, mỗi vị 12g. Sắc uống ngày một thang.

2.3 Ô mai chữa bệnh lỵ mạn tính

Bài 1: Ô mai 8g, đảng sâm16g; hoàng liên, hoàng bá, đương quy, mỗi vị 12g; xuyên tiêu, tế tân, can khương, quế chi, mỗi vị 6g. Tán bột, uống mỗi ngày 20g bột chia thành liều nhỏ, hoặc sắc uống ngày một thang.

Bài 2: Mơ 20 quả, nước 1 bát, sắc còn 6/10, uống vào lúc đói. 

Hoặc ô mai 10-15 quả, thêm nước vào đun sôi, giữ sôi 15 phút. Dùng uống thay nước trong ngày.

2.4 Chữa tiêu chảy cấp tính do nhiễm khuẩn

 Ô mai, sa nhân, thảo quả, sắn dây, mỗi vị 12g; bạch biển đậu 20g, cam thảo 6g. Tán bột làm viên, mỗi ngày uống 20g với nước chè đặc.

photo-1673323993016

Ô mai chữa ho lâu ngày, khàn tiếng, mất tiếng

2.5 Chữa giun chui ống mật

 Ô mai 16g, sử quân tử 12g, hạt cau, mộc hương, chỉ thực, mỗi vị 8g. Sắc uống ngày một thang.

2.6 Hỗ trợ chữa chứng tiêu khát (đái tháo đường)

 Ô mai (bỏ hạt) 80g, sao qua tán nhỏ, mỗi lần dùng 8g với đậu xị (đậu đen đồ ủ lên men) 20g. Sắc uống hoặc nấu ăn vào lúc đói.

2.7 Chữa sốt rét cơn

 Ô mai (bỏ hột) 4 quả, thường sơn (đồ với giấm, phơi khô tán nhỏ) 8g. Giã nhỏ làm viên, uống với rượu vào sáng sớm, trước khi lên cơn.

2.8 Chữa sốt rét mạn tính có lách to

Ô mai 8g, miết giáp 16g; bạch truật, hoàng kỳ, mỗi vị 12g; thảo quả, binh lang, xuyên khung, bạch thược, thanh bì, cam thảo, hậu phác, gừng, mỗi vị 8g. Tán bột, ngày uống 40g bột chia nhiều lần, hoặc sắc uống ngày một thang.

Mời bạn xem thêm video:

Không khí lạnh tăng cường, có mưa lớn trong 10 ngày tới | SKĐS

GS Đoàn Thị Nhu (Viện Dược liệu)
Ý kiến của bạn