Hà Nội

Ô mai bẩn: Biết rồi vẫn ăn!

25-11-2014 14:09 | Thời sự
google news

SKĐS - Các hóa chất được cho vào khi chế biến ô mai, nhất là chất tạo ngọt cyclamate là những chất vô cùng độc hại. Cyclamate là chất cấm sử dụng trong chế biến thực phẩm do nguy cơ gây ung thư của nó rất cao.

Hàng năm cứ vào dịp cuối năm là thị trường bánh kẹo, mứt, ô mai lại rất sôi động nhờ sự đa dạng hóa của các mặt hàng trong nước cũng như nhập khẩu. Hiện nay có rất nhiều loại bánh kẹo, mứt ô mai được bày bán trên thị trường. Ngoài những loại được sản xuất tại các cơ sở uy tín lâu năm đảm bảo chất lượng thì có vô số những loại ô mai, bánh, mứt không rõ nguồn gốc và chất lượng không đảm bảo đặc biệt là mặt hàng ô mai.

Ô mai không rõ nguồn gốc

Dạo qua một số địa điểm bán ô mai trên địa bàn Hà Nội, điều dễ dàng nhận thấy là hiện nay, các loại ô mai không có xuất xứ, nhãn mác, có chất lượng kém được bày bán khá phổ biến trên thị trường. Nguyên liệu để làm các loại ô mai này hầu hết đều không được đảm bảo. Gần đây, một số cuộc điều tra còn phát hiện ra các cơ sở sản xuất ô mai sử dụng các loại quả thối (như sấu, quất…) để sản xuất. Sau khi được tẩm ướp, các nguyên liệu bẩn, kém vệ sinh này được chế biến thành những sản phẩm rất hấp dẫn mà chúng ta rất khó để phát hiện ra khi ăn. Khi ăn phải những loại ô mai này có thể gây đau bụng, tiêu chảy...

Dạo qua một số chợ trên địa bàn Hà Nội, điều dễ dàng nhận thấy là ô mai được này bán tràn lan, không che đậy, không bao bì: Ví như, tại chợ Hà Đông (quận Hà Đông, Hà Nội) dãy cửa hàng bánh kẹo bày la liệt các loại ô mai từ mặn, ngọt, xào... Ô mai được đặt trong các bọc nilon màu trắng, mở miệng để khách hàng xem và ăn thử, nếu thấy ngon miệng sẽ mua. Một người bán hàng ở đây cho hay, toàn hàng có uy tín, ô mai nhập khẩu làm sao có thể có chất độc!

Trong chợ Đồng Xuân (Hà Nội) các quầy hàng bán ô mai cũng bày la liệt các món ô mai được giới trẻ yêu thích. Khi được hỏi về nguồn gốc xuất xứ của các loại ô mai đang được bày bán, các bà bán hàng ở đấy đều trả lời chung chung về nguồn gốc ô mai, đồng thời khẳng định không thể có chất cấm, gây độc trong ô mai nên cứ vô tư mà... ăn.

Ngoài các loại ô mai được sản xuất từ các cơ sở thủ công trong nước không đảm bảo vệ sinh, thì phần lớn ô mai được nhập lậu từ Trung Quốc không có tem mác, hạn sử dụng, và không được bảo quản tốt.

​Khuyến cáo của các chuyên gia

Theo TS. Vũ Văn Hạnh – Viện Công nghệ sinh học: Loại đường được cho là siêu ngọt thực chất là đường hóa học. Hiện nay, có nhiều loại đường hóa học, trong đó có đường sarcarine và chất tạo ngọt cyclamate được dùng trong ô mai nhiễm độc. Các hóa chất được cho vào khi chế biến ô mai, nhất là chất tạo ngọt cyclamate là những chất vô cùng độc hại. Cyclamate là chất cấm sử dụng trong chế biến thực phẩm do nguy cơ gây ung thư của nó rất cao.

 

Còn PGS.TS Phan Thị Sửu - GĐ Trung tâm Kỹ thuật an toàn vệ sinh thực phẩm (Hội khoa học An toàn thực phẩm Việt Nam) cho biết, ngày càng nhiều loại ô mai mới, trong nước không sản xuất, chủ yếu được nhập lậu như các loại xí muội, hồng đào... không đảm bảo an toàn thực phẩm nhưng vẫn được bày bán tràn lan.

Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) đã khuyến cáo, người tiêu dùng không nên chọn các loại ô mai nhuộm phẩm màu là hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc, nhất là các sản phẩm có màu sắc sặc sỡ, lạ mắt vì màu sắc đó là do người sản xuất sử dụng phụ gia như chất bảo quản, chất tạo ngọt, chất tẩy nấm mốc, chất tẩy trắng, sát trùng... để phòng thối rữa, chống chảy nước, mốc, rất độc hại cho người ăn. Chỉ nên mua ô mai tại những cơ sở sản xuất uy tín, có nguồn gốc xuất xứ, thời hạn sử dụng, thành phần rõ ràng để bảo đảm sức khỏe.

Xuân An

 

Xuân An


Ý kiến của bạn