Ổ dịch bùng phát từ sự thiếu ý thức phòng bệnh

03-08-2021 22:22 | Y tế
google news

SKĐS - 2 ổ dịch COVID-19 lớn ở Nghệ An, trong đó có 1 ổ dịch được coi là “thành trì cuối cùng” trong phòng chống COVID-19, khiến nhiều người mắc bệnh. 2 ổ dịch bùng phát là do sự thiếu ý thức phòng chống dịch, bệnh của một số tổ chức và cá nhân.

Cán bộ y tế lấy mẫu xét nghiệm cho người dân trong vùng dịch
Ổ dịch bùng phát từ sự thiếu ý thức phòng bệnh - Ảnh 1.

Ổ dịch tại Bệnh viện Đa khoa Minh An (Quỳnh Lưu, Nghệ An) khiến rất nhiều người mắc bệnh.

"Thành trì cuối cùng" bị xuyên thủng

Ngày 26/7, tại Bệnh viện Đa khoa Minh An (Quỳnh Lưu, Nghệ An) ghi nhận 2 trường hợp mắc mắc COVID-19. Cả 2 ca nhiễm đều lại chính là điều dưỡng của bệnh viện. Trong tời gian dịch bệnh bùng phát ở các tỉnh, thành phía nam và tại tỉnh Nghệ An, 2 nhân viên này được tăng cường làm công tác lấy mẫu test nhanh SARS-CoV-2 và trực thu ngân của khách test nhanh COVID-19 tại cổng Bệnh viện.

Từ 2 ca nhiễm đầu tiên, dịch COVID-19 tại Bệnh viện Đa khoa Minh An đã lan rộng khắp cả 2 huyện Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai. Cụ thể, liên quan đến ổ dịch Bệnh viện đa khoa Minh An (Quỳnh Lưu, Nghệ An) từ ngày 26/7 đến nay đã có 66 ca mắc tại 2 huyện, trong đó: Quỳnh Lưu: 58 ca (tại 10 xã); Hoàng Mai: 08 ca (tại 01 xã).

Qua quá trình điều tra dịch tễ cho thấy, rất có thể 2 nhân viên này đã nhiễm COVID-19 từ những người vào thực hiện test nhanh; cũng có thể lây nhiễm từ một nguồn khác có sẵn trong bệnh viện, ngoài cộng đồng.

Chỉ số kết quả xét nghiệm các ca bệnh khẳng định: Tình trạng lây nhiễm COVID-19 diễn ra trong vòng 1 tuần trở về trước ngày phát hiện. Bệnh viện Đa khoa Minh An đã tồn tại 1 ổ dịch khiến nhiều người đến khám, điều trị, thăm thân tại đây mắc bệnh… 

Ổ dịch bùng phát từ sự thiếu ý thức phòng bệnh - Ảnh 2.

Ổ dịch Bệnh viện đa khoa Minh An bị phong tỏa để chống dịch.

"Lỗ hổng" lớn trong quy trình khám chữa bệnh

Tiến sĩ Nguyễn Văn Định – Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Nghệ An cho biết: Kết quả điều tra truy vết tất cả các ca bệnh đều cho thấy sự liên quan đến "ổ dịch" tại Bệnh viện Đa khoa Minh An.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Định cũng nêu rõ những "lỗ hổng" khiến dịch bùng phát tại đây: Theo điều tra truy vết, ngày 21/7, 2 nhân viên T.T.T và N.T.H có tiếp xúc với bệnh nhân L.V.C (lái xe đường dài) test nhanh dương tính và được CDC Nghệ An xét nghiệm khẳng định dương tính với SARS-CoV-2 vào ngày 22/7.

Khi bệnh nhân L.V.C được khẳng định nhiễm COVID-19 nhưng 2 nhân viên T.T.T và N.T.H vẫn được bố trí tiếp tục thực hiện nhiệm vụ cho đến ngày 26/7 thay vì phải cách ly theo đúng quy định. 

Trong quá trình này, do tính chất công việc làm thủ tục giấy tờ và thu ngân nên cả 2 trường hợp này tiếp xúc với rất nhiều bệnh nhân, người nhà đến khám, điều trị ở Bệnh viện Đa khoa Minh An.

Tiếp đến, ngày 24/7, cả 2 nhân viên T.T.T và N.T.H đều xuất hiện triệu chứng lâm sàng như sốt, đau đầu, tức ngực, rò mũi. Tuy nhiên, bản thân 2 nhân viên và những người khác trong bệnh viện không hề để ý và nghĩ đến việc đã nhiễm phải COVID-19…

Thứ ba, nhân viên bệnh viện phải thường xuyên tiếp xúc với người có nguy cơ cao song khoảng cách thời gian cho nhân viên test nhanh COVID-19 định kỳ là quá dài. (Trước khi 2 nhân viên được phát hiện nhiễm COVID-19, đã có 9 tài xế đường dài qua bệnh viện thực hiện test nhanh và phát hiện nhiễm COVID-19. Thời điểm 2 nhân viên T.T.T và N.T.H thực hiện test nhanh COVID-19 định kỳ gần nhất là ngày 21/7).

Mới đây, trong cuộc làm việc cùng Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 huyện Quỳnh Lưu và ngành y tế Nghệ An, ông Bùi Đình Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 tỉnh Nghệ An chỉ rõ: Ổ dịch ở Bệnh viện Đa khoa Minh An đã có thời gian ủ bệnh dài, lan tỏa nhanh, hết sức phức tạp. 

Ổ dịch này đã cho thấy lỗ hổng lớn trong quy trình khám, chữa bệnh và kể cả việc sử dụng dụng cụ phòng hộ, cũng như thực hiện quy định 5K trong bệnh viện.

Ổ dịch bùng phát từ sự thiếu ý thức phòng bệnh - Ảnh 4.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An chỉ rõ: Ổ dịch ở Bệnh viện Đa khoa Minh An đã có thời gian ủ bệnh dài, lan tỏa nhanh, hết sức phức tạp.

Những "lỗ hổng" này đã cho thấy Bệnh viện Đa khoa Minh An - "thành trì cuối cùng" trong phòng chống COVID-19 nhưng lại thiếu ý thức phòng chống dịch bệnh; chưa làm tốt các quy định về phòng, kiểm soát lây nhiễm SARS-CoV-2 trong cơ sở khám, chữa bệnh theo Quyết định số 5188/QĐ-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Được biết, trước đây, Bệnh viện Đa khoa Minh An đã nhiều lần bị Sở Y tế Nghệ An "cảnh cáo" về ý thức phòng, chống COVID-19.

Ổ dịch bùng phát từ vò rượu cần

Đến thời điểm hiện tại, chuỗi lây nhiễm từ ổ dịch tại Bệnh viện Đa khoa Minh An vẫn chưa dừng lại. Gần bảy chục bệnh nhân, hàng ngàn F1, F2. Huyện Quỳnh Lưu và xã Quỳnh Liên (thị xã Hoàng Mai) phải thực hiện cách ly xã hội để phòng bệnh. Có thể nói, những thiệt hại từ dịch bệnh COVID-19 nói chung và ổ dịch này gây ra là không thể nào tính hết được… 

Câu chuyện buồn về ý thức phòng bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Minh An khiến ổ dịch hình thành rồi phát tán rộng cũng tương tự như chuyện vò rượu cần gây họa tại bản Chằm Puông, xã Lượng Minh, huyện Tương Dương (Nghệ An).

Ổ dịch bùng phát từ sự thiếu ý thức phòng bệnh - Ảnh 5.

Bản Chằm Puông, xã Lượng Minh, huyện Tương Dương (Nghệ An).

Ngày 13/7, ổ dịch bản Chằm Puông, xã Lượng Minh, huyện Tương Dương (Nghệ An) được phát hiện khi có 3 người trong 1 gia đình ở bản đến khám, điều trị tại Trung tâm Y tế huyện. Khi đến khám, điều trị tại đây cả 3 đều không có ý thức về dịch bệnh COVID-19… 

Ổ dịch tại Chằm Puông trước khi bị khống chế, dập tắt đã "kịp" lây lan cho 2 xã Lượng Minh (Tương Dương), Chiêu Lưu (Kỳ Sơn, Nghệ An) với 34 ca mắc (Tương Dương 23, Kỳ Sơn 11). Huyện Tương Dương và một số xã của huyện Kỳ Sơn phải thực hiện giãn cách xã hội; xã Lương Minh, Chiêu Lưu thực hiện cách ly xã hội.

Bác sĩ Phạm Đình Du – Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Nghệ An nói: Lực lượng chức năng khi thực hiện điều tra dịch tễ đã phát hiện việc phát tán dịch rộng tại Chằm Puông nói riêng và lây lan sang cả huyện Kỳ Sơn bắt đầu từ một bữa rượu cần tại bản, ở nhà bệnh nhân L.V.K (công bố ngày 15/7). Đã có hàng chục người ở bản tham dự bữa rượu cần, cùng uống ở đây... Bản Chằm Puông có 197 hộ thì có tới 43 hộ phải đi cách ly y tế tập trung do liên quan đến bữa rượu cần này.

Ổ dịch bùng phát từ sự thiếu ý thức phòng bệnh - Ảnh 6.

Cán bộ y tế phải trèo đèo lội suối để điều tra dịch tễ và tráng đêm lấy mẫy xét nghiệm cho dân bản Chằm Puông.

Rượu cần là một nét đẹp văn hóa ở vùng cao. Việc tổ chức uống rượu cần thường được thực hiện khi gia đình có chuyện hiếu hỉ. Vò rượu cần tại nhà bệnh nhân L.V.K từ vui đã trở thành buồn trong chốc lát khi mà COVID-19 xâm nhập. 

Thực tế cho thấy ổ dịch tại Chằm Puông không thể lan rộng đến thế nếu như người dân ở đây có ý thức rõ về dịch bệnh COVID-19. Phải đến tận ngày thứ 2 khi bản Chằm Puông bị cách ly y tế để phòng bệnh; lực lương chức năng cầm theo loa tay đến từng ngõ, từng nhà tuyên truyền thì người dân mới hiểu sự nguy hiểm của dịch bệnh này…

Vò rượu cần ở Chăm Puông có liên quan đến trách nhiệm tuyên truyền về dịch COVID-19 của chính quyền, ngành y tế địa phương.

Ổ dịch bùng phát từ sự thiếu ý thức phòng bệnh - Ảnh 7.

Cán bộ y tế lấy mẫu xét nghiệm cho người dân trong vùng dịch.

Ổ dịch tại Bệnh viện Đa khoa Minh An và ổ dịch do vò rượu cần ở ổ dịch bản Chằm Puông là thực tế đã xảy ra. Để không còn những ổ dịch mới xuất hiện, rõ ràng ý thức phòng chống dịch bệnh từ các cấp, ngành, địa phương và người dân cần phải được nâng cao hơn nữa. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay có hàng ngàn người từ các tỉnh có dịch ở phía Nam đang trở về Nghệ An tránh dịch COVID-19.

Xem thêm video đang được quan tâm:


Thanh Sơn - Từ Thành; Ảnh: Thành Cường
Ý kiến của bạn