Ở bệnh viện chuyên khoa “nóng”

23-09-2013 13:07 | Tin nóng y tế
google news

Năm 2008, BV Ung bướu Hà Nội được Bộ Y tế cho phép ngoài việc tiếp nhận khám chữa bệnh cho bệnh nhân u bướu của Hà Nội còn được tiếp nhận bệnh nhân từ những tỉnh lân cận.

Năm 2008, BV Ung bướu Hà Nội được Bộ Y tế cho phép ngoài việc tiếp nhận khám chữa bệnh cho bệnh nhân u bướu của Hà Nội còn được tiếp nhận bệnh nhân từ những tỉnh lân cận. Trước thực trạng quá tải bệnh viện tại chuyên khoa ung bướu hiện nay, BV Ung bướu Hà Nội đã nỗ lực vươn lên "chia lửa" với các bệnh viện tuyến trên, mạnh dạn đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại, đầu tư về con người để tạo thành thương hiệu Ung bướu của Hà Nội.

"Dựa trên kích dưới"

TS. Trần Đăng Khoa - GĐ Bệnh viện Ung bướu Hà Nội cởi mở trước câu hỏi của tôi về quyết tâm giảm bớt gánh nặng về chuyên khoa ung bướu ở tuyến trung ương: Những năm qua, để "hút" người bệnh, bệnh viện đã không ngừng chủ động nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, cử bác sĩ đi học nâng cao trình độ ở các BV trong và ngoài nước, đồng thời liên kết với các bệnh viện lớn như Bạch Mai, Việt Đức trong đào tạo bác sĩ theo hình thức "cầm tay chỉ việc". BV Ung bướu Hà Nội cũng là cơ sở đào tạo thực hành của Bệnh viện Bạch Mai.

Cùng với việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bệnh viện đã tranh thủ mọi nguồn lực đầu tư trang thiết bị hiện đại, triển khai nhiều kỹ thuật cao phục vụ công tác điều trị và giúp người dân tầm soát bệnh ung thư, trong đó, những kỹ thuật cao đã triển khai thường quy tại bệnh viện như chụp SPECT (xạ hình) chẩn đoán khối u giáp trạng, u phổi và di căn xương, chụp đánh giá chức năng tim, thận. Ngoài ra, kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh với những kỹ thuật mới cũng được đưa vào ứng dụng như: chụp cắt lớp đa dãy; chụp cộng hưởng từ 1.5 Tesla (MRI); chụp số hóa xóa nền... Những kỹ thuật điện quang can thiệp cũng bước đầu đưa vào ứng dụng và thành công như nút mạch hóa dầu điều trị ung thư gan nguyên phát, nút mạch điều trị các bệnh lý mạch máu... Đặc biệt, trong năm 2013, BV Ung bướu Hà Nội đã đưa vào áp dụng xạ trị áp sát liều cao cho bệnh nhân ung thư phụ khoa, vú, tiền liệt tuyến, thực quản... với tổng kinh phí đầu tư cho cả hệ thống xạ trị áp sát là 27 tỷ đồng.
 
Ở bệnh viện chuyên khoa “nóng” 1
 Ứng dụng kỹ thuật cao trong điều trị ung thư tại Bệnh viện Ung bướu Hà Nội.
Việc áp dụng xạ trị áp sát vào điều trị ung thư có ưu điểm là nguồn chiếu xạ được đưa trực tiếp vào bên trong khối u hoặc sát cạnh khối u, điều này giảm tác dụng không mong muốn của tia xạ lên các cơ quan xung quanh; định vị và cố định khối u với nguồn xạ được đảm bảo chính xác. BV Ung bướu Hà Nội cũng là BV hạng II trực thuộc Sở Y tế Hà Nội đầu tiên ứng dụng kỹ thuật nút mạch hóa dầu điều trị ung thư gan nguyên phát thành công và đến nay đã có 60 bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp này... Có được sự đầu tư mạnh mẽ như kể trên là việc quan tâm đầu tư của thành phố và không thể tách rời sự hỗ trợ trong đào tạo nhân lực của các bệnh viện tuyến trên như BV Bạch Mai, BV K... "Thiết bị chỉ cần có tiền là mua được nhưng con người sử dụng không được đầu tư dài hơi thì không phát huy được hiệu quả.
 
Xác định được điều này, bệnh viện chúng tôi với sự hỗ trợ đắc lực từ tuyến trên đã có được đội ngũ thầy thuốc làm chủ được thiết bị công nghệ hiện đại góp phần tạo niềm tin cho người bệnh", TS. Khoa nói. Được biết, thời gian tới, bên cạnh việc củng cố những kỹ thuật cao đã tiến hành trong bệnh viện để đảm bảo chất lượng điều trị, BV không ngừng cập nhật kiến thức điều trị ung thư tiên tiến trong nước và trên thế giới, đồng thời triển khai labo gen giúp chẩn đoán đột biến gen, dự phòng ung thư cổ tử cung... Những nỗ lực đó sẽ góp phần nâng cao hiệu quả điều trị bệnh, đáp ứng công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, giúp giảm tải cho bệnh viện tuyến trên.

Người bệnh hưởng lợi

Ông N.V.H. (62 tuổi, ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) là một trong số hàng trăm bệnh nhân được hưởng lợi từ việc ứng dụng kỹ thuật cao trong điều trị bệnh. Ông H. được phát hiện bệnh ung thư phổi phải giai đoạn cuối đã di căn vào xương từ năm 2009. Khi biết tin bị bệnh, ông đã nghĩ sự sống sẽ đếm từng ngày. Tuy nhiên, một lần đến khám và được tư vấn điều trị đích trong ung thư phổi – kỹ thuật điều trị mới trong nội khoa mà bệnh viện vừa áp dụng, ông H. đã điều trị theo hướng này và kết quả điều trị rất tốt.
 
Các bác sĩ cho biết, qua phim chụp, toàn bộ khối di căn ở phổi của bệnh nhân H. đã cơ bản không còn và tình trạng sức khỏe đang tiến triển theo hướng tốt. Ông H. chia sẻ: "Tôi đã điều trị đích trong ung thư phổi tính đến nay là 8 tháng, sức khỏe của tôi đã ổn định được 85 - 90%. Nếu như trước đây, tôi luôn luôn phải chịu mọi cơn đau, khó thở, mệt mỏi chán ăn thì bây giờ, tôi đã hết khó thở, đỡ mệt mỏi, sức khỏe rất tốt, tôi có thể lái xe đi chơi 200 – 300km/ngày...".
 
Có mặt tại Khoa Khám bệnh của BV, tôi có hỏi chị L.T.N. (ở Phú Thọ), chị N. cho biết, thời gian khám và lấy kết quả trong vòng 2 giờ đồng hồ. Chị N. lý giải thêm, vì cảm thấy người mệt mỏi, lại gầy sọp nên chị đã quyết định đi khám. Theo thói quen thì vào BV K, nhưng thấy đông quá, nghe mọi người bảo BV Ung bướu Hà Nội làm cũng tốt nên chị N. đã quyết định đến đây khám và làm các xét nghiệm. Trao đổi về vấn đề này, TS. Trần Đăng Khoa chia sẻ, để rút ngắn thời gian chờ đợi, tránh phiền hà cho bệnh nhân, BV đã điều chỉnh quy trình KCB tại Khoa Khám bệnh theo hướng thuận lợi cho người bệnh. Bên cạnh đó, tại các khoa điều trị, BV áp dụng chăm sóc người bệnh theo nhóm tại các khoa lâm sàng trong bệnh viện và hàng tháng tư vấn dinh dưỡng 2 lần cho bệnh nhân nội trú trong bệnh viện để nâng cao chế độ dinh dưỡng và thể trạng của bệnh nhân.
 
Nhờ đó, bệnh viện đã "giữ chân" người bệnh yên tâm điều trị, theo đó, tỷ lệ chuyển viện lên tuyến trên rất ít. Được biết, hiện nay, BV Ung bướu Hà Nội đang điều trị cho khoảng 600 bệnh nhân nội trú, hơn 1.000 bệnh nhân ngoại trú, bình quân mỗi ngày khám cho khoảng 200 – 250 bệnh nhân gồm cả bệnh nhân ngoại tỉnh. Đặc biệt, chỉ tính riêng trong 8 tháng đầu năm 2013, BV khám và điều trị cho gần 7.000 bệnh nhân ngoại tỉnh.

Bài và ảnh: Nguyễn Hồng


Ý kiến của bạn