"Ngụy trang" cần sa trong vườn, trong rẫy
Liên tục nhiều vụ trồng xen cần sa vào trong rẫy, trong vườn của chính gia đình mình ở Tây Nguyên đã bị phát hiện. Có người khai nhận dùng cần sa phục vụ cho chăn nuôi, có người bán. Dù vì bất cứ lý do gì thì đây là việc làm tiềm ẩn nhiều nguy hại.
Từng bị phát hiện, xử lý vì trồng cần sa trong rẫy nhà mình, bà Bùi Thị Loan, ông Bùi Thái Phong (cùng trú tại thôn Trường Hà, xã Ea Hồ, huyện Krông Năng, Đắk Lắk) cho biết, ông bà từng trồng cần sa cho... gia cầm ăn xuất phát từ đồn thổi cho gia cầm ăn loại cây này thì sẽ khỏe mạnh, không mắc phải các loại dịch bệnh. Chính vì thế ông bà đã vô tư trồng trong vườn, trong rẫy nhà mình.
Cách đây không lâu, Công an huyện Đắk Song (Đắk Nông) kiểm tra và cũng đã phát hiện trong khu vực vườn rẫy nhà ông Trần Mạnh Lễ (xã Nâm N'Jang, Đắk Song) trồng hàng trăm cây cần sa trái phép xen vào các loại hoa màu khác để tránh bị phát hiện.
Qua đấu tranh, ông Lễ đã khai nhận lấy cây giống của người khác sau đó về trồng với mục đích cho heo, gà… ăn để các vật nuôi này có sức khỏe tốt hơn (!?).
Tháng 5/2022, Công an huyện Krông Búk (Đắk Lắk) cũng đã triệt phá đường dây trồng, bao tiêu cây cần sa trên địa bàn. Các đối tượng gồm Nguyễn Thanh Duy; Nguyễn Văn Quốc đã có hành vi trồng, mua bán cần sa trái phép. Lực lượng chức năng đã thu giữ hơn 1.600 cây cần sa lớn, nhỏ các loại và 3,6 kg hoa cây cần sa. Mở rộng điều tra thì phát hiện đây là đường dây cung cấp hạt giống, trồng, mua bán trái phép cây cần sa nên đã bắt giữ thêm Phan Văn Quý; Trần Hữu Phước; Nguyễn Hữu Chỉnh; Nguyễn Đặng Quang Vinh.
Mới đây, ngày 5/6, Công an huyện Cư Kuin (Đắk Lắk) cho biết, đơn vị cũng đã nhổ bỏ, thu giữ hơn 340 cây cần sa trồng trái phép trong rẫy cà phê của bà Nguyễn Thị Nhàn (56 tuổi). Số cây cần sa này đã có chiều cao từ 2cm đến 1,2m. Bước đầu, bà Nhàn khai nhận đã trồng số cần sa này từ tháng 2/2022. Mục đích trồng là để cho gà ăn nhằm phòng tránh dịch bệnh. Cơ quan chức năng sẽ củng cố hồ cố hồ sơ để xử lý bà Nhàn theo quy định của pháp luật.
Cần thay đổi nhận thức, không trồng cây cần sa
Qua nhiều vụ phát hiện trồng cần sa trong vườn, trong rẫy ở khu vực Tây Nguyên, chính quyền địa phương cần tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu rõ và thay đổi nhận thức về cây cần sa. Hành vi trồng cây cần sa dù phục vụ cho mục đích nào cũng là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm. Chính vì vậy người dân cần nhanh chóng tránh xa loại cây trồng này, không lén lút trồng trong vườn, trong rẫy nhà mình.
Theo Chi cục Thú y một số địa phương thì việc người dân, nhất là khu nông thôn, vùng sâu cho rằng cứ cho vật nuôi như gia cầm, heo… ăn cần sa là khỏe, ít bệnh là chưa có cơ sở khoa học.
Việc chăn nuôi cần phải tuân thủ lịch tiêm phòng và thực hiện đúng quy trình phòng bệnh theo hướng dẫn của lực lượng chuyên môn để có vật nuôi khỏe mạnh. Phòng bệnh trong chăn nuôi bằng cách tiêm vaccine hoặc cho uống các thuốc phòng bệnh là cách tốt nhất để chống chọi được các dịch bệnh chứ không phải cho ăn cần sa như một số người dân truyền miệng.