Nút mạch dị dạng bằng keo sinh học

19-04-2010 14:41 | Y học 360
google news

Dị dạng mạch máu xương hàm là một bệnh lý hiếm gặp nhưng lại có thể gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh do chảy máu ồ ạt.

Dị dạng mạch máu xương hàm là một bệnh lý hiếm gặp nhưng lại có thể gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh do chảy máu ồ ạt. Vừa qua, Bệnh viện TWQĐ 108 đã ứng dụng thành công phương pháp nút mạch dị dạng bằng keo sinh học điều trị hiệu quả dị dạng mạch máu này. Đây không chỉ là cứu cánh đối với những bệnh nhân dị dạng mạch máu xương hàm mà còn là tin vui đối với những bệnh nhân bị dị dạng mạch não và đầu mặt cổ.

Diễn biến bệnh xảy ra ngày một trầm trọng

Cháu Hoàng Văn H., 16 tuổi, quê xã Hồng Giang, Đông Hưng, Thái Bình, có triệu chứng chảy máu chân răng từ hơn 1 năm nay, mức độ tăng dần nhưng vẫn tự cầm máu được bằng bông gạc tại nhà. Trong 12 tháng gần đây, do bệnh nặng dần nên gia đình cho bệnh nhân đi khám và điều trị ở Khoa răng hàm mặt của các bệnh viện tỉnh và Trung ương với chẩn đoán u máu hàm dưới bên trái. Bệnh nhân được tiêm xơ mỗi tháng một lần trong cả năm 2009, tuy nhiên vẫn không giải quyết được tình trạng chảy máu vào khoang miệng.

Ngày 2/4/2010, bệnh nhân bị chảy máu nặng, số lượng máu ra khoảng 500ml, sau đó được nhét bông cầm máu tại nhà, không đi bệnh viện. Tình trạng chảy máu tái phát sớm xảy ra 2 ngày sau đó, tối chủ nhật ngày 4/4/2010 và 2 giờ sáng ngày thứ hai 5/4/2010, mức độ rất nặng, số lượng máu chảy từ khoang miệng ra khoảng 1,5 lít và bệnh nhân đã bất tỉnh, gọi hỏi không đáp ứng, toàn thân nhợt nhạt. Gia đình chèn tạm cục bông vào hàm bên trái và chuyển bệnh nhân đến bệnh viện đa khoa tỉnh ngay sau đó 1 giờ và được chuyển tiếp lên Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương lúc 11 giờ 30 phút cùng ngày. Tại đây, bệnh nhân được xét nghiệm máu và chụp cắt lớp, chẩn đoán dị dạng mạch trong xương hàm dưới trái biến chứng chảy máu nặng và chuyển ngay sang Bệnh viện TWQĐ 108.

Khoa Can thiệp tim mạch Bệnh viện TWQĐ 108 tiếp nhận bệnh nhân tại phòng cấp cứu ban đầu lúc 17 giờ 30 phút thứ hai ngày 5/4/2010 trong tình trạng lơ mơ, gọi hỏi biết, da tái nhợt, nhịp tim 110 lần/phút, huyết áp 90/50mmHg, vùng má trái sưng to, có tiếng thổi liên tục tại chỗ. Với kinh nghiệm qua nhiều trường hợp tương tự, các bác sĩ can thiệp mạch của Bệnh viện 108 nhận định đây là tình trạng cần cấp cứu khẩn cấp để giải quyết triệt để biến chứng chảy máu cho bệnh nhân.

        Dị dạng cấu trúc mạch máu có thể là bẩm sinh hoặc do mắc phải sau một chấn thương, là nguyên nhân gây ra u máu xương hàm. Bệnh có biểu hiện chảy máu chân răng, răng lung lay, u phát triển ở lợi và xương hàm. U phát triển to dần, phá hủy tổ chức xương hàm tạo thành một hoặc nhiều hốc chứa đầy máu. Việc xử trí loại u này rất khó vì phức tạp và tiềm tàng nhiều nguy cơ không lường trước được như chảy máu không cầm được, chảy máu tái phát sau phẫu thuật... Do vậy, khi thấy trẻ có những dấu hiệu bệnh như răng lung lay, chảy máu quanh cổ răng không rõ nguyên nhân, vùng xương hàm bị sưng phồng thì nên cho trẻ đi khám ngay tại chuyên khoa răng hàm mặt để được điều trị kịp thời, tránh biến chứng đáng tiếc.

Thời gian cấp cứu bệnh là yếu tố quyết định thành công

Sau khi đến viện khoảng 1 giờ, bệnh nhân được chuyển vào phòng chụp mạch DSA cấp cứu, phát hiện tổn thương là một dị dạng động tĩnh mạch dòng chảy tốc độ cao vùng xương hàm dưới trái, nhánh động mạch mặt và động mạch hàm trong trái cấp máu, giãn to, cung lượng lớn, phá hủy làm rỗng thân xương hàm, dẫn lưu máu về tĩnh mạch mặt, tạo thành đám rối tĩnh mạch ở má trái. Các bác sĩ quyết định can thiệp cấp cứu bằng phương pháp nút mạch dị dạng bằng keo sinh học histoacryl.

Bệnh nhân được gây mê nội khí quản, đảm bảo lưu thông đường thở tốt và an toàn. Do toàn bộ phần ngang thân xương hàm dưới trái và 1 phần ngành lên bị phá hủy do dị dạng mạch nên chúng tôi quyết định bơm tắc toàn bộ lòng xương hàm dưới bằng keo sinh học histoacryl 40% bằng cách chọc kim 18G trực tiếp qua khe chân răng 3.4 và 3.5 vào hồ máu trong thân xương hàm. Quá trình bơm tắc được theo dõi liên tục trên màn hình đồng thời với việc chẹn toàn bộ dòng máu dẫn lưu từ dị dạng mạch về tĩnh mạch cảnh ngoài, tránh tai biến tắc mạch phổi. Chụp mạch kiểm tra ngay sau bơm tắc thấy toàn bộ cấu trúc mạch dị dạng biến mất, không còn nguy cơ chảy máu, các mạch nuôi phần mềm xung quanh lưu thông tốt và không có sai sót gì xảy ra trong quá trình can thiệp. Bệnh  nhân được hồi sức 2 ngày, sau đó về Khoa lâm sàng điều trị tiếp và ra viện ngày 13/4/2010 trong tình trạng khỏe mạnh bình thường. 

TS. Lê Văn Trường
(Chủ nhiệm Khoa Can thiệp tim mạch - BV TWQĐ 108)

Ý kiến của bạn