Nứt kẽ hậu môn: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh

16-10-2024 15:56 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Nứt kẽ hậu môn là thuật ngữ chỉ tình trạng một vết rách nhỏ ở niêm mạc ống hậu môn. Mặc dù chỉ là tổn thương nhỏ ở vùng niêm mạc nhưng dễ gây bất tiện, thậm chí là sợ hãi trong sinh hoạt hằng ngày.

1. Nguyên nhân gây nứt kẽ hậu môn

Có nhiều nguyên nhân gây nứt kẽ hậu môn, các nguyên nhân hàng đầu là:

- Viêm nhiễm vùng hậu môn - trực tràng:

Các tế bào viêm sản sinh ra các men phân hủy chất keo, làm giảm sức bền tổ chức, khi có sự căng giãn thì vết nứt dễ xuất hiện, nhất là khi phân rắn đi qua sẽ làm rách lớp niêm mạc da hậu môn tạo nên ổ loét.

- Viêm xơ cơ thắt trong hậu môn:

Khối cơ thắt hậu môn phì đại, tăng trương lực, co thắt rất mạnh, sự co thắt của cơ thắt trong là yếu tố cơ bản làm cho ổ loét không lành được.

- Thiếu máu tại chỗ làm ổ loét không lành được và gọi là loét thiếu máu.

- Phân cứng hoặc phân quá lớn, sau mổ cắt trĩ, hẹp hậu môn, sau khi rặn sinh

- Do viêm nhiễm như: giang mai, herpes, HIV, lao hậu môn - trực tràng;

- Bệnh Crohn hoặc các bệnh viêm đại tràng khác, ung thư hậu môn- trực tràng

- Các nguyên nhân khác như: Táo bón và phải rặn nhiều khi đi tiêu, tiêu chảy kéo dài, quan hệ tình dục qua đường hậu môn.

2. Triệu chứng nứt kẽ hậu môn

Triệu chứng điển hình khi bị nứt kẽ hậu môn là:

Đau hậu môn khi đại tiện:

Triệu chứng điển hình của bệnh nứt kẽ hậu môn là đại tiện rất đau và đau thường kéo dài vài phút đến vài giờ sau khi đại tiện, có những bệnh nhân đau cả ngày. Một số bệnh nhân đau từ lần đại tiện này sang lần đại tiện sau. Bệnh nhân bị nứt kẽ hậu môn thường sợ, không dám đại tiện vì đau.

Phân khô - rắn:

Do người bệnh cố rặn gây tổn thương thêm cho vết nứt kẽ, dẫn tới đau dữ dội làm cho người bệnh sợ đi ngoài;

Hậu môn có dấu hiệu ngứa và nóng rát;

Đại tiện ra máu đỏ tươi:

Máu đỏ tươi bám theo phân hoặc nhỏ giọt, số lượng có thể nhiều, có thể ít tùy theo vết nứt kẽ sâu hay nông;

Viêm do nứt:

Vết nứt kẽ có phản ứng viêm xuất tiết, kích thích vùng da xung quanh, xuất hiện vạt da tăng sinh, mẩn ngứa khó chịu.

Xuất hiện khối u nhỏ:

Một số trường hợp có khối u nhỏ gần vị trí vết nứt kẽ hậu môn.

Nứt kẽ hậu môn: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh- Ảnh 1.

Một số triệu chứng thường gặp khi bị nứt kẽ hậu môn.

3. Các  phương pháp điều trị nứt kẽ hậu môn

Phần lớn bệnh nhân bị nứt kẽ hậu môn không cần phải phẫu thuật. Nứt kẽ hậu môn thường lành trong vài tuần nếu người bệnh giữ cho phân mềm và điều trị táo bón hay tiêu chảy. Tuy nhiên nếu vết nứt không lành trong 6 đến 8 tuần, người bệnh cần được điều trị bằng thuốc. Trường hợp bệnh trở thành mạn tính bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật.

Bệnh nhân nứt kẽ hậu môn cấp thường được điều trị bằng cách:

3.1. Thay đổi lối sống giúp phòng ngừa nứt kẽ hậu môn 

Ăn nhiều chất xơ, uống nhiều nước (2-3 lít/ngày) để phân mềm, khuôn hơn và tập thể dục thường xuyên.

Nứt kẽ hậu môn: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh- Ảnh 2.

Người bệnh nứt kẽ hậu môn nên bổ sung thực phẩm nhiều chất xơ trong các bữa ăn hằng ngày.

3.2. Ngâm hậu môn

Ngâm hậu môn vào nước ấm 10-20 phút nhiều lần trong ngày (đặc biệt sau khi đại tiện) sẽ làm dịu cơn đau và lỏng cơ thắt hậu môn, giúp quá trình liền vết thương tốt hơn.

Không sử dụng xà phòng vì có thể gây kích ứng vùng hậu môn.

3.3. Sử dụng thuốc điều trị nứt kẽ hậu môn

Một số thuốc bôi, đặt tại chỗ (nitroglicerin, nifedipine, diltiazem) có thể được sử dụng để làm cho cơ thắt lỏng hơn.

Sử dụng những thuốc đặt tại chỗ để giảm đau, kháng viêm: Thuốc kem: Anusol-HC, oxit kẽm,… giúp làm giảm khó chịu từ vết nứt nhẹ.

Dùng thuốc làm mềm phân: Sử dụng thuốc này phải được kê đơn và hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa hậu môn - trực tràng.

3.4. Phẫu thuật điều trị nứt kẽ hậu môn

Đối với những bệnh nhân với vết nứt kẽ mạn tính, thường điều trị nội khoa không hiệu quả, tái phát thì phẫu thuật là phương pháp điều trị hiệu quả nhất.

Những phương pháp phẫu thuật thường được sử dụng để điều trị nứt kẽ hậu môn bao gồm:

3.4.1. Nong hậu môn 

Nong hậu môn giúp nới cơ vòng hậu môn, ngăn ngừa lỗ hậu môn bị chít hẹp và được thực hiện với gây mê. Trong thủ thuật, hậu môn được nong ra dần dần.

3.4.2. Phẫu thuật mở cơ vòng trong hậu môn 

Đây là phương pháp tạo một vết cắt bên lòng trong của cơ vòng chiều dài tương đương với rãnh nứt.

3.4.3. Tiểu phẫu cắt vết nứt kẽ hậu môn

Phương pháp này dùng dao phẫu thuật cắt phần vết nứt. Kỹ thuật này thường kết hợp với mở cơ vòng trong nhưng vẫn cần sử dụng thêm thuốc kháng viêm.

3.4.4. Mở cơ thắt trong bằng hoá chất

Sử dụng nitroglycerin hoặc Botulinum Toxin A gây liệt tạm thời cơ thắt trong làm cho nứt kẽ hậu môn tự lành. 

Nứt kẽ hậu môn: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh- Ảnh 3.

Phẫu thuật là cách để điều trị nứt kẽ hậu môn hiệu quả và nhanh nhất.(Ảnh minh họa)

4. Phòng ngừa nứt kẽ hậu môn như thế nào?

Để phòng tránh nứt kẽ hậu môn, gây đau nhức khó chịu, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày, việc chủ động phòng ngừa ngay từ ban đầu là rất cần thiết. Một số giải pháp hữu ích có thể thực hiện gồm:

Chế độ ăn giàu chất xơ, để tránh táo bón:

Mục tiêu là 20 đến 35 gram chất xơ mỗi ngày. Bạn có thể tăng lượng chất xơ bằng cách ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ như: rau, trái cây như chuối, đu đủ, các loại trái cây có múi, các loại ngũ cốc còn nguyên cám, các loại hạt…

Uống nhiều nước:

Uống đủ nước mỗi ngày cũng là cách để ngăn ngừa táo bón, hạn chế tối đa việc hình thành vết nứt hậu môn. Đặc biệt, lượng nước cần bổ sung nhiều hơn sau khi hoạt động thể chất.

Hạn chế sử dụng các thực phẩm cay nóng, nhiều dầu mỡ, chất kích thích:

Việc xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh sẽ giúp bạn có một tiêu hoá khoẻ và không dễ dàng mắc các bệnh lý về trực tràng - hậu môn.

Tập thể dục thường xuyên:

Thói quen tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày sẽ giúp hệ tiêu hóa luôn khỏe mạnh. Tập thể dục đều đặn giúp tăng nhu động ruột. Từ đó, cơ thể sẽ hạn chế được tình trạng táo bón, tiêu chảy thường gặp, ngăn ngừa hiệu quả việc hình thành vết nứt hậu môn.

Nứt kẽ hậu môn: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh- Ảnh 4.

Người bệnh nứt kẽ hậu môn nên thường xuyên tập thể dục.

Tập thói quen đi cầu ngay:

Nên đi cầu ngay khi có cảm giác mắc, không nên cố gắng nhịn vì có thể dẫn đến táo bón, phân trở nên cứng hơn có thể gây ra vết rách và đau đớn.

 Không nên rặn nhiều và ngồi trong nhà vệ sinh quá lâu vì có thể làm tăng áp lực ống hậu môn.

Vệ sinh nhẹ nhàng: Sau khi đi cầu nhẹ nhàng rửa sạch và lau khô vùng hậu môn.

Tránh các chất gây kích ứng cho da, chẳng hạn như xà bông thơm hoặc chất tạo bọt.

Ngâm nước ấm:

Giúp thúc đẩy chữa lành vết nứt hậu môn. Bằng cách ngồi trong bồn nước ấm hai hoặc ba lần một ngày trong 10 đến 15 phút, có thể giúp làm sạch hậu môn, cải thiện lưu lượng máu và thư giãn cơ thắt hậu môn.

Quan hệ tình dục an toàn: Không quan hệ tình dục qua đường hậu môn để tránh nứt kẽ.

Điều trị dứt điểm các bệnh về tiêu hóa:

Nếu đang mắc các chứng bệnh liên quan đến đường tiêu hoá như tiêu chảy hay táo bón thì tốt nhất là nên tìm cách chữa dứt điểm, đừng để bệnh tiến triển lâu dài, đây sẽ là nguyên do gây nên các bệnh mạn tính về trực tràng.


BS. Nguyễn Thị Hằng
Ý kiến của bạn