Hà Nội

Nứt hậu môn, bệnh do thói quen sinh hoạt

06-06-2015 07:24 | Y học 360
google news

SKĐS - Nứt hậu môn là một vết rách nhỏ trên da và niêm mạc hậu môn, thường gây đau rát hậu môn và chảy máu khi đại tiện.

Nứt hậu môn là một vết rách nhỏ trên da và niêm mạc hậu môn, thường gây đau rát hậu môn và chảy máu khi đại tiện. Đây là bệnh thường gặp ở những người có chế độ ăn ít chất xơ, ít uống nước và thói quen ít vận động.

Biểu hiện khi bị nứt hậu môn

Đau khi đại tiện là biểu hiện rõ nhất khi bị nứt hậu môn: Đau nhói như vết cắt hay rách khi phân đi qua hậu môn, đau nóng rát và có thể kéo dài nhiều giờ ngay cả khi đã đại tiện xong. Thời gian đại tiện thường kéo dài. Có thể chảy máu dính phân hoặc trên giấy vệ sinh. Ngứa ngáy, khó chịu quanh hậu môn. Có thể thấy một vết rách trên da quanh hậu môn. Thường có da thừa và nhú hậu môn phì đại gần vị trí vết nứt. Người bệnh thường có cảm giác sợ hãi mỗi khi đi đại tiện.

Hình ảnh nứt hậu môn.

Nứt hậu môn thường kèm theo táo bón và phải rặn nhiều khi đi đại tiện. Ngoài ra, táo bón cũng là nguyên nhân gây nứt hậu môn do phải rặn nhiều và phân quá cứng. Tiêu chảy kéo dài hoặc viêm nhiễm vùng hậu môn trực tràng cũng gây nứt hậu môn. Người cao tuổi cũng thường bị nứt hậu môn do sự giảm máu nuôi, hậu quả của việc giảm tưới máu vùng hậu môn trực tràng.

Điều trị thế nào?

Đối với nứt hậu môn cấp tính, điều trị nội khoa thường có kết quả tốt, vết nứt hoặc rách có thể lành trong vài tuần. Tuy nhiên nếu vết nứt không lành trong 6 đến 8 tuần, bệnh có thể trở thành mạn tính, hay tái phát và vết nứt lan vào cơ vòng hậu môn có thể phải phẫu thuật cắt giảm một phần nhỏ của cơ vòng hậu môn để giảm co thắt và đau, giúp vết nứt mau lành.

Nên ăn nhiều rau xanh, trái cây để tăng cường chất xơ phòng ngừa nứt hậu môn.

Cần thay đổi thói quen sinh hoạt không khoa học để điều trị và phòng ngừa nứt hậu môn bằng cách: Điều chỉnh chế độ ăn uống hợp lý, ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi để bổ sung vitamin và tăng cường chất xơ, uống đủ nước; hạn chế uống bia rượu, chất kích thích, thuốc lá, tránh ăn đồ cay nóng và thực phẩm nhiều dầu mỡ; tập thể dục đều đặn giúp tăng nhu động ruột.

Khi bị nứt hậu môn, cần phải điều trị tốt táo bón hay tiêu chảy, tránh rặn nhiều khi đại tiện có thể gây tăng áp lực làm rách lại vết nứt cũ đang lành hoặc gây ra vết nứt mới. Vệ sinh sạch sẽ thường xuyên và giữ hậu môn khô sạch. Ngâm hậu môn với nước ấm trong 15 - 30 phút, mỗi ngày từ 2 - 3 lần, nhất là sau khi đại tiện, sẽ giúp giảm đau và ngứa và chóng lành vết nứt.

Bác sĩ Nhật Minh

 


Ý kiến của bạn