Một số trường hợp khi bị tai nạn lao động, tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt có thể gây các tổn thương nội tạng, trong đó có các tạng trong ổ bụng như gan, thận, lách, tạng rỗng như ruột, đại tràng... Trong nhiều trường hợp, những bệnh nhân này có thể được chỉ định mổ cấp cứu để xử lý các tổn thương. Tuy nhiên, ngày nay có một số tổn thương có thể lựa chọn phương pháp điều trị khác ngoài phẫu thuật, đó là nút mạch cầm máu trong chấn thương.
Nút động mạch là gì?
Động mạch là mạch đưa máu từ tim đến các mô để nuôi dưỡng cơ thể. Khắp cơ thể đều có mạng lưới mạch máu nuôi dưỡng. Khi các tạng hoặc động mạch bị tổn thương, người bệnh sẽ gặp nguy cơ mất máu và sẽ dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng. Nếu để tình trạng mất máu kéo dài, người bệnh có thể bị rối loạn hoạt động các chức năng sống của cơ thể, suy đa phủ tạng và dẫn đến tử vong. Chính vì vậy, việc xử lý để cầm máu là cần thiết. Trước đây, đa phần là bệnh nhân sẽ được phẫu thuật để xử lý vùng động mạch bị tổn thương. Nhưng hiện nay, với sự phát triển của điện quang can thiệp, các bác sĩ có thể sử dụng phương pháp nút động mạch để điều trị cho người bệnh.
Vậy nút động mạch là gì? Thực chất đó là sự gây tắc mạch bằng đường nội mạch bằng các chất gây tắc. Sau khi chẩn đoán tổn thương thông qua các dấu hiệu lâm sàng và các phương pháp chẩn đoán hình ảnh, đặc biệt là chụp cắt lớp vi tính, các bác sĩ sử dụng hệ thống máy chụp số hóa xóa nền (DSA) để thực hiện thủ thuật nút động mạch để cầm máu.
Hình ảnh động mạch trước khi nút. |
Động mạch thận đã được nút xong. (Ảnh do Khoa Chẩn đoán hình ảnh BV Việt Tiệp cung cấp). |
Ứng dụng nút mạch tại bệnh viện
Bệnh viện Việt Tiệp, Hải Phòng vừa qua đã nút động mạch thận thành công cho bệnh nhân bị chấn thương thận do tai nạn giao thông. Người bệnh là Nguyễn Quốc Kh., 17 tuổi, nhà ở đường Miếu Hai Xã, quận Lê Chân, TP. Hải Phòng nhập viện cấp cứu đêm 30 Tết Quý Tỵ do tai nạn giao thông. Bệnh nhân Kh. có biểu hiện đau thắt lưng, đi tiểu ra máu, huyết áp thấp, mạch nhanh và số lượng hồng cầu trong máu giảm. Các bác sĩ khám và chẩn đoán, bệnh nhân bị chấn thương thận trái có vỡ thận độ II-III. Trong quá trình điều trị duy trì, bệnh nhân vẫn đái ra máu, số lượng hồng cầu tụt, mạch nhanh và huyết áp thấp. Nếu phẫu thuật, bệnh nhân có nguy cơ phải cắt bỏ thận trái (có thể cắt bán phần hoặc toàn bộ tùy theo tình trạng tổn thương). Sau khi hội chẩn, các bác sĩ Khoa Chẩn đoán hình ảnh cùng các khoa khác quyết định điều trị cho Kh. bằng phương pháp nút động mạch thận. Các bác sĩ sử dụng máy số hóa xóa nền DSA để theo dõi, sau đó sử dụng ống thông lớn đi từ động mạch đùi lên vị trí động mạch thận bị tổn thương. Sau khi chụp mạch bằng ống thông lớn để đánh giá tổn thương, bác sĩ sẽ sử dụng ống thông nhỏ hơn đi trong lòng ống thông lớn để đến vị trí tổn thương và thực hiện việc nút động mạch. Sau khi tiến hành bơm chất gây tắc, người bệnh sẽ được chụp lại, kiểm tra để thấy không còn chảy máu ở tổn thương. Sau hơn 1 tuần điều trị, bệnh nhân Kh. được trở về nhà trong tình trạng ổn định.
Trước đó, vào tháng 12/2012, Bệnh viện Việt Tiệp cũng đã điều trị nút động mạch gan cho một bệnh nhân bị chấn thương gan do tai nạn lao động. Đó là bệnh nhân Bùi Văn Ng., 27 tuổi. Bệnh nhân này nhập viện trong tình trạng vỡ gan phức tạp ở gan trái, có tràn máu trong ổ bụng và có các biểu hiện lâm sàng của mất máu cấp như mạch nhanh, huyết áp tụt. Sau khi tiến hành điều trị, bệnh nhân đã ổn định và ra viện. Theo BS. Bùi Hoàng Tú, Phụ trách Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Việt Tiệp, Hải Phòng thì phương pháp nút động mạch trong điều trị chấn thương nội tạng có nhiều ưu việt so với các phương pháp phẫu thuật. Bệnh nhân bảo toàn được các vùng nội tạng bị tổn thương, ít đau đớn (do không phải mổ), giảm thời gian nằm viện, giảm chi phí điều trị, tuy nhiên phải đúng chỉ định. Vẫn theo BS. Tú, kỹ thuật nút động mạch đã được triển khai tại hầu hết các bệnh viện tuyến Trung ương và ứng dụng rất phong phú. Ngoài điều trị trong chấn thương, phương pháp nút mạch còn được áp dụng trong điều trị nhiều bệnh lý khác, ví dụ như nút mạch điều trị ung thư gan, u xơ tử cung, các dị dạng thông động tĩnh mạch, rò động tĩnh mạch, ho ra máu do giãn phế quản... hoặc nút mạch tiền phẫu như u màng não, một số khối u khác. Bệnh viện Việt Tiệp, Hải Phòng là một trong những bệnh viện tuyến tỉnh, thành phố đầu tiên thực hiện kỹ thuật này. BS. Tú khẳng định, trong thời gian tới, Bệnh viện Việt Tiệp tiếp tục ứng dụng nhiều hơn kỹ thuật nút mạch để giúp người bệnh có phương pháp điều trị tối ưu nhất, tiết kiệm thời gian, tiền bạc và sức khỏe.
Quỳnh Lam