Ông Nguyễn Hữu Thành, 81 tuổi huyện Măng Thít, tỉnh Vĩnh Long được người nhà đưa đến BVĐK TW Cần Thơ cấp cứu vào lúc 12 giờ ngày 13/6/2020 trong tình trạng tiểu ra máu dai dẳng không dứt dù đã điều trị nội khoa.
Siêu âm ổ bụng cho thấy, thận phải có nang kích thước 20x30mm, bàng quang có 1 echo dầy dạng máu đông kích thước 39x34mm, tuyến tiền liệt kích thước 46x99x64mm (158gram). Nội soi bàng quang :tăng sản tuyến tiền liệt.
Bác sĩ thực hiện kỹ thuật can thiết nút động mạch
Các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn nhiều chuyên khoa: Ngoại thận; Tiết niệu; Can thiệp nội mạch với chẩn đoán: Tiểu máu; Tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt nên đã thống nhất xử trí nút tắc mạch động mạch tuyến tiền liệt tuyến (DSA).
Ê kíp can thiệp do BS.CKI Trần Công Khánh – Phó Khoa Chẩn đoán hình ảnh thực hiện bằng gây tê vùng bẹn, luồn catheter và dây dẫn siêu chọn lọc vào động mạch và tiến hành chụp chọn lọc nhánh động mạch cấp máu cho tuyến tiền liệt, sau đó bơm vật liệu tắc mạch (hạt PVA) vào lòng động mạch, giúp ngăn tình trạng tiểumáu trong thời gian nhanh nhất và kích thước tuyến tiền liệtsẽ giảm dần.
Kỹ thuật này khá phức tạp bởi hệ mạch tiền liệt tuyến cực kì nhỏ, đòi hỏi tay nghề bác sĩ phải rất tỉ mỉ, khéo léo, có kinh nghiệm. Sáng 23/6/2020: bệnh nhân ổn định, tiểu được, nước tiểu trong và được xuất viện.
Theo BS.CKII Nguyễn Phước Lộc, Trưởng Khoa Ngoại thận-Tiết niệu: Điều trị tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt chủ yếu bằng nội khoa, chỉ khi nào điều trị nội khoa thất bại hoặc có các biến chứng (bí tiểu nhiều lần, tiểu máu kéo dài, nhiễm khuẩn niệu, sỏi bàng quang…) có chỉ định can thiệp ngoại khoa.
Sức khỏe của ông Thành đã ổn định và được cho ra viện
Can thiệp ngoại khoa có nhiều phương pháp như: Phẫu thuật bóc bướu, cắt đốt nội soi,bốc hơi tuyến tiền liệt bằng laser….Trong đó cắt đốt nội soi tuyến tiền liệt được xem là tiêu chuẩn vàng trong trong điều trị tăng lành tính tuyến tiền liệt và được thực hiện ở nhiều tuyến bệnh viện trong cả nước.
Tuy nhiên phương pháp này cũng hạn chế ở những bướu quá to và cũng có thể bị một số biến chứng (mặc dù tỉ lệ này thấp): chảy máu sau cắt đốt, nhiễm khuẩn niệu, hội chứng ngộ độc nước, tiểu không kiểm soát, xuất tinh ngược dòng, hẹp cổ bàng quang, hẹp niệu đạo, rối loạn cương….
Trong những năm gần đây trên thế giới và trong nước một số nơi đã thực hiện can thiệp tắc mạch chọn lọc động mạch tuyến tiền liệt để cải thiện tình trạng đi tiểu ở những bệnh nhân tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt.
Nút động mạch tuyến tiền liệt (PAE- Prostatic Artery Embolization), là phương pháp điều trị xâm lấn tối thiểu và có nhiều ưu điểm như: Ít chảy máu, rút ngắn thời gian điều trị, không cần lưu ống thông bàng quang lâu, không mất chức năng phóng tinh, không xuất tinh ngược, không hẹp niệu đạo, có thể thực hiện đối với bướu có thước to.
Như vậy với kỹ thuật nút mạch, bệnh nhân có bệnh lý tăng sinh lành tính tiền liệt tuyến có thêm lựa chọn phương pháp điều trị an toàn, hiệu quả, không gây đau đớn, khả năng hồi phục nhanh, rút ngắn thời gian nằm viện