Nam Định vốn là mảnh đất có nhiều phố nghề, làng nghề truyền thống nổi tiếng, trong đó phải kể đến làng nghề làm nón lá Nghĩa Châu (xã Nghĩa Châu, huyện Nghĩa Hưng). Trải qua thời gian với bao thăng trầm lịch sử, nghề làm nón lá ở Nghĩa Châu không những không mất đi mà vẫn được duy trì, phát triển…
Từ những nguyên liệu thô sơ
Đến xã Nghĩa Châu bây giờ, đi đến đâu cũng gặp cảnh nhà nhà, người người làm nón. Để có một chiếc nón lá đẹp và chất lượng, người làm nón ở Nghĩa Châu luôn cẩn thận chọn những lá nón đẹp, cây nứa già. Những chiếc nón thanh thoát, bền đẹp, ngoài sự khéo léo của đôi tay, người làm nón tại Nghĩa Châu còn cần phải có sự tài hoa và có óc thẩm mỹ cao. Lá nón mua về được tãi ra phơi nắng nhằm làm cho lá có độ trắng ngà, không bị mốc khi gặp mưa. Để rồi sau đó, người thợ đặt từng lá nón lên mặt lưỡi cày nung nóng, dùng búi giẻ vuốt cho lá phẳng ra, tay vuốt đều. Những lá nón làm xong được xếp lên khuôn, giữa 2 lớp lá lót một lượt mo nang lạng thật mỏng và được buộc cho chắc, sau đó tới công đoạn khâu. Những bàn tay thoăn thoắt luồn mũi kim lên, xuống đều đặn nhịp nhàng sao cho lỗ khâu thật khít. Người thợ khâu nón như một nghệ sĩ đa năng, thường có tài lẩn chỉ, khéo léo giấu những nút đoạn chỉ nối vào trong mà không ai có thể nhận ra. Chiếc nón khi hoàn chỉnh vừa bền, vừa đẹp, được trang trí thêm nhiều hoạ tiết.
Nghề làm nón lá của Nghĩa Châu, theo những thợ làm nón ở đây rất khả quan: “Nghề này có cái hay nhất là phù hợp với mọi đối tượng lao động, từ những cụ già, phụ nữ đến trẻ con 13 - 14 tuổi cũng có thể làm nghề. Ngày nắng cũng như ngày mưa, dân trong làng ngồi tại nhà với một vài vật dụng đơn giản cũng có thể kiếm ra tiền - chị Vũ Thị Thủy tại làng nón Nghĩa Châu, năm nay 42 tuổi cho biết. Chị Thủy chia sẻ thêm: “Nghề làm nón của xã này có từ xưa. Trong làng giờ không thiếu những bà cụ hiện trên 70 tuổi vẫn giỏi khâu nón. Để có một chiếc nón đẹp, đòi hỏi người làm nón phải tỉ mỉ hiếm có. Tôi đã làm nghề hơn 20 năm, thời còn trẻ, mỗi ngày khâu được 5 chiếc. Bây giờ, mỗi ngày chỉ khâu được 3 chiếc thôi”. Cũng theo chị Thủy, những năm chiến tranh rồi hòa bình lặp lại cho tận tới những năm 90 của thế kỷ XX, làng của chị làm được chiếc nón rất vất vả. Tàu xe đi lại khó khăn, người trong làng phải vào tỉnh Thanh Hóa, lên Sơn La, Lai Châu… mua lá nón, nứa cây cất thành từng gióng về nhà vót làm nan nón. Nhưng nay đã khác rồi.
Thêm nhiều niềm tin
Nghề làm nón lá ở Nghĩa Châu xuất hiện từ những năm 1940. Để các làng nghề truyền thống ngày càng phát triển, thời gian gần đây, chính quyền địa phương ở xã Nghĩa Châu đã có ý tưởng liên kết các làng nghề, trong đó có nghề làm nón lá với ngành du lịch, với mục đích biến các làng nghề thành những điểm tham quan, du lịch hấp dẫn nằm trong lộ trình phát triển kinh tế xã hội. Khách đến thăm làng nghề có thể xem quy trình tạo ra một chiếc nón hay tự tay làm các công đoạn tạo thành chiếc nón hoàn chỉnh do thợ làm nón hướng dẫn. Không những thế, du khách còn có thể tìm ra cách thức mới khi cùng tham gia trang trí chiếc nón lá để tạo thành một điểm nhấn mới làm nên sự khác biệt của những chiếc nón. Ý tưởng này phần nào sẽ tạo điều kiện cho ngành du lịch, mặt khác tạo thị trường, nguồn tiêu thụ rộng rãi cho sản phẩm nón lá truyền thống.
Nghề làm nón lá lâu đời của Nghĩa Châu bây giờ đã theo các bà, các cô, các chị trong làng lấy chồng xa đến với nhiều làng quê khác. Đối với người dân xã Nghĩa Châu, những chiếc nón lá là nghề “kinh tế mũi nhọn” của nhiều gia đình. Sản phẩm nón lá đang nuôi những con người tại làng nghề này, dù chưa hẳn là sung túc nhưng nhìn chung có đủ cái ăn cái mặc, những đứa trẻ lớn lên được học hành đầy đủ, có cơ hội trưởng thành và tiến gần hơn với những ước mơ. Và bởi vì thế, hiện nay, nón lá Nghĩa Châu đã có mặt ở thị trường nhiều tỉnh, thành trong cả nước, đáng mừng hơn khi nón lá Nghĩa Châu nay cũng đã xuất khẩu sang các nước Lào, Thái Lan, Campuchia...
Khánh Linh