Qua khai thác bệnh sử, người thân cho biết, bé ngậm đồng xu trong lúc chơi đùa thì bất ngờ nuốt luôn. Sau nuốt đồng xu, bé nôn ói nhiều, ăn uống không được, chảy nước bọt liên tục nên người nhà đứa bé vào bệnh viện cấp cứu.
Theo Bs.CK2 Phạm Đoàn Tấn Tài – Khoa Tai Mũi Họng, sau thăm khám và chụp X-quang ngực - bụng thẳng, các bác sĩ trực nhận định: Dị vật cản quang nằm trong thực quản đoạn cổ. Dị vật hình tròn, to, nằm ở vị trí miệng thực quản có hình giống đồng xu.
Đồng xu được gắp ra ở bệnh nhi. ảnh BVCC
Tiến hành gây mê, êkíp phẫu thuật nhanh chóng gắp dị vật ra khỏi miệng thực quản một cách nhẹ nhàng. Dị vật là đồng xu của máy chơi game. Sau gắp dị vật, soi kiểm tra thấy lòng thực quản không tổn thương niêm mạc.
Theo các bác sĩ, một số trường hợp dị vật kẹt ở vùng thực quản, nếu lòng thực quản bị tổn thương nhiều, sau gắp dị vật, bé phải nằm viện lâu và phải ăn qua ống sonde dạ dày lâu dài, rất khó chịu, thậm chí nguy hiểm.
Trong thời gian dịch COVID-19, trẻ được nghỉ học kéo dài, chơi tại nhà nhiều. Phụ huynh nên dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, ngoài việc mang khẩu trang, rửa tay thường xuyên, cần cất giữ tránh xa tầm tay các bé những vật dụng nhỏ, dễ ngậm vào miệng nhằm hạn chế những sự cố đáng tiếc có thể xảy ra.
Ngoài ra để tránh nguy cơ trẻ hóc dị vật, nuốt dị vật, các phụ huynh cần chú ý những vấn đề sau:
- Cần tìm hiểu, nắm rõ về mức độ nguy hiểm của việc để trẻ nuốt phải dị vật.
- Rèn ngay không cho trẻ thói quen ngậm đồ chơi, đồ vật trong nhà của trẻ.
- Phụ huynh không nên cho trẻ cười đùa trong khi ăn. Việc làm này dễ khiến trẻ bị nghẹn, hóc và khiến cho dị vật (nếu có) xuống sâu hơn, khó xử lý.
- Không cho trẻ ăn những thức ăn quá cứng, có nhiều xương; nên cho trẻ ăn những thức ăn nhỏ, mềm...
- Khi cho trẻ ăn, phải quan sát cho trẻ nhai kỹ, chậm rãi và theo dõi trẻ liên tục.