Khi biểu hiện bệnh rõ ràng thường đã ở giai đoạn muộn và quá trình điều trị gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, việc phát hiện sớm ung thư thực quản để điều trị và kịp thời là vô cùng quan trọng.
Yếu tố nguy cơ gây ung thư thực quản
Yếu tố gây bệnh chính xác của ung thư thực quản hiện nay chưa rõ. Tuy nhiên, các nghiên cứu đã chỉ ra có một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư thực quản:
- Di truyền: tính di truyền của rất nhiều bệnh tương đối cao, ung thư thực quản cũng có tính di truyền nhất định.
- Trong phần lớn các kết quả điều tra cho thấy, nhiều bệnh nhân bị mắc ung thư thực quản là do di truyền, trong đó tỉ lệ mắc bệnh từ người bố là cao nhất.
- Tuổi: ung thư thực quản thường gặp ở những bệnh nhân lớn tuổi, phần lớn các bệnh nhân mắc bệnh ở tuổi trên 60.
- Giới tính: thường gặp ở nam hơn ở nữ.
- Thuốc lá: hút thuốc lá hoặc các chế phẩm có thuốc lá là nguy cơ chủ yếu gây ung thư thực quản.
- Rượu, bia: những người nghiện rượu hoặc uống rượu thường xuyên có nguy cơ cao bị ung thư thực quản, nguy cơ này đặc biệt cao ở những người sử dung cả rượu và thuốc lá. Các nhà khoa học tin rằng những chế phẩm này làm tăng các tác dụng có hại của nhau trong quá trình gây ung thư thực quản.
- Barrett thực quản: loét thực quản kéo dài làm tăng nguy cơ bị ung thư thực quản. Tổ chức ở đáy thực quản có thể bị hoại tử nếu dịch vị dạ dày thường xuyên bị trào ngược lên thực quản hay gặp trong bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Các tế bào ở thực quản thay đổi nhiều và bắt đầu trở nên giống các tế bào ở dạ dày, đây là một tổn thương tiền ung thư và có thể phát triển thành bệnh ung thư biểu mô tuyến của thực quản.
Các dấu hiệu nhận biết ung thư thực quản
Ở giai đoạn sớm, ung thư thực quản thường không có biểu hiện hay triệu chứng dễ nhận biết. Tuy nhiên khi khối u phát triển, có thể xuất hiện các biểu hiện ung thư thực quản như:
- Nuốt vướng, nuốt nghẹn
- Sụt cân
- Phân đen
Máu chảy từ khối u thực quản đi qua đường tiêu hóa khiến phân có màu đen sậm (như bã cà phê). Tình trạng máu có thể dẫn đến thiếu máu, khiến cơ thể người bệnh ngày càng suy kiệt, mệt mỏi.
Xảy ra khi ung thư xâm lấn dây thần kinh quặt ngược thanh quản (dây thần kinh quặt ngược thanh quản có vai trò điều khiển hoạt động dây thanh). Khàn tiếng kéo dài, không có dấu hiệu thuyên giảm hoặc không cải thiện với các thuốc kháng viêm.
- Khó tiêu, ợ hơi, ợ chua
Triệu chứng người bệnh có thể gặp bao gồm đau hoặc khó chịu ở vùng bụng trên, hoặc cảm giác nóng rát sau xương ức, hoặc ợ hơi, ợ chua. Các triệu chứng có thể xảy ra cùng lúc hoặc riêng lẻ, thường xuất hiện sau khi ăn.
Khi phát hiện có các triệu chứng nghi ngờ ung thư thực quản, mọi người hãy đến cơ sở y tế khám kiểm tra sớm nhất có thể.
- Tăng tiết nước bọt
Do thức ăn bị nghẹt tại thực quản, nước bọt không thể theo thức ăn xuống dạ dày, người bệnh sẽ cảm giác có nhiều nước bọt trong họng và phải nhổ nước bọt thường xuyên hơn.
- Nôn ói
Người bệnh sẽ có biểu hiện nôn ói khi có tình trạng nuốt nghẹn rõ rệt. Nôn có thể xảy ra trong bữa ăn, hoặc ngay sau khi ăn. Chất nôn là thức ăn vừa mới ăn vào không có lẫn dịch vị (dịch tiêu hóa của dạ dày) do thức ăn chưa đến được dạ dày, có thể lẫn ít máu trong chất nôn. Khi bệnh diễn tiến nặng, tình trạng nôn ói có thể xuất hiện thường xuyên hơn.
- Mệt mỏi
Người bệnh xuất hiện các dấu hiệu mệt mỏi, khó chịu, sức khỏe giảm sút nghiêm trọng, có thể thiếu máu.
Lời khuyên thầy thuốc
Để chẩn đoán ung thư thực quản, trước hết bác sĩ sẽ thăm khám lâm sàng để có chẩn đoán ban đầu và đánh giá toàn thể tình trạng của người bệnh. Để chẩn đoán xác định cần dựa vào nội soi và sinh thiết tổn thương để có kết quả về mô bệnh học, tế bào. Hiện nay công nghệ nội soi có nhiều tiến bộ như nội soi phóng đại, nhuộm mầu ánh sáng giải tần hẹp và phần mềm trí tuệ nhân tạo có thể chẩn đoán ung thư rất sớm ở lớp bề mặt niêm mạc. Các xét nghiệm để chẩn đoán giai đoạn bệnh là chụp cắt lớp vi tính, PET/CT…để lựa chọn phương pháp điều trị.
Việc điều trị ung thư thực quản phụ thuộc vào loại, vị trí, mức độ tổn thương và giai đoạn ung thư, cũng như tình trạng sức khỏe của người bệnh. Các phương điều trị chính cho ung thư thực quản là phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, miễn dịch hoặc kết hợp các phương pháp với nhau.
Khi ung thư thực quản ở giai đoạn muộn và có di căn xa, điều trị tùy vào tổn thương di căn, kết hợp nhiều phương pháp cùng với điều trị triệu chứng, dinh dưỡng cho người bệnh.
Tóm lại: Ung thư thực quản là vấn đề hay gặp, vì vậy khi có biểu hiện nghi ngờ cần tới ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.
Việc thăm khám định kỳ, đặc biệt là sau tuổi 40 cũng là một biện pháp quan trọng đối với phòng ngừa ung thư thực quản. Các khuyến cáo cho thấy những người từ 40 tuổi trở lên hoặc có yếu tố nguy cơ nên tầm soát ung thư thực quản để kịp thời phát hiện và ngăn chặn các nguy cơ có thể phát triển thành ung thư. Việc phát hiện ung thư thực quản ở giai đoạn sớm sẽ đem lại hiệu quả tích cực trong điều trị và cải thiện cuộc sống cho người bệnh.