1. Tổng quan về viêm tuyến giáp và viêm tuyến giáp mủ
Tuyến giáp là một tuyến có hình bướm nằm ở trước cổ, với nhiệm vụ tạo ra các hormone kiểm soát sự trao đổi chất. Viêm tuyến giáp có thể xảy ra trên tuyến giáp bình thường hoặc trên bướu giáp có sẵn.
Viêm ở tuyến giáp có thể khiến các hormone tuyến giáp được tiết ra quá nhiều hoặc quá ít, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe người bệnh. Đây là một nhóm nhiều bệnh viêm có nguyên nhân và triệu chứng lâm sàng rất khác nhau.
Viêm tuyến giáp có thể được chia ra như sau:
- Viêm tuyến giáp cấp tính.
- Viêm tuyến giáp bán cấp tính.
- Viêm tuyến giáp mạn tính.
Viêm tuyến giáp mủ hay còn gọi là viêm tuyến giáp cấp tính là bệnh hiếm gặp, tuy nhiên hiện nay với sự gia tăng các trường hợp suy giảm miễn dịch, bệnh có chiều hướng tăng theo. Viêm tuyến giáp mủ chiếm khoảng 0,1 - 0,7% các bệnh tuyến giáp, tỷ lệ tử vong có thể đến 12% hoặc hơn nếu không điều trị.
Nói chung tỷ lệ gặp ở trẻ em nhiều hơn do liên quan đến tình trạng lỗ rò thông từ pyriform sinus, có đến 90% các trường hợp thương tổn phát triển từ thùy trái tuyến giáp. Khoảng 8% gặp ở tuổi trưởng thành khoảng 20-40 tuổi, và 92% gặp ở trẻ em.
Ở người suy giảm miễn dịch có thể gặp viêm tuyến giáp do nấm. Có khi viêm tuyến giáp mủ gặp trên trẻ em hóa trị liệu chữa ung thư.
2. Nguyên nhân viêm tuyến giáp mủ
Nguyên nhân do vi khuẩn hoặc virus xâm nhập xâm nhập từ vùng lân cận: viêm hầu họng, nhiễm trùng vùng đầu cổ, qua đường máu... Một số trường hợp viêm nhiễm hiếm có thể đưa đến áp xe lạnh như: giang mai, lao, nấm.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng viêm tuyến giáp mủ trong đó vi trùng gây bệnh viêm tuyến giáp mủ thường gặp là Streptococcus, Staphylococcus, Pneumococcus, Salmonella, Klebsiella, Bacteroides, cũng có thể gặp Pallidum, Pasteurella, Multocida, Porphyromonas, Eikenella và lao.
Mầm bệnh có thể đến tuyến giáp bằng đường máu, bạch huyết hoặc trực tiếp từ ổ nhiễm khuẩn lân cận hay vết thương.
Ngoài ra viêm tuyến giáp mủ cũng có thể do các loại nấm như: Coccidioides immitis, Aspergillus, Actinomycosis, Blastomycosis, Candida albicans, Nocardia, Actinobacter baumanii, Cryptococcus và Pneumocystis. Các loại sau thường gặp trên các đối tượng suy giảm miễn dịch như AIDS, ung thư. Áp xe tuyến giáp cũng có thể gặp trong bối cảnh bệnh ác tính kèm thông lỗ rò.
Viêm tuyến giáp mủ do Clostridium perfringens và Clostridium septicum dường như luôn luôn đi liền với ung thư đại tràng, ngoài ra cũng đã gặp các trường hợp viêm tuyến giáp mủ do ung thư vú di căn.
Cơ chế bệnh sinh viêm tuyến giáp mủ là sau khi vi khuẩn hoặc virus xâm nhập vào tuyến giáp gây ra quá trình viêm lan tỏa trong nhu mô tuyến và tổ chức liên kết. Tuyến giáp sưng to, phù nề do các hiện tượng sung huyết, xâm nhập bạch cầu đa nhân trung tính vào nhu mô tuyến giáp, nhiều nơi làm mủ, hoại tử.
Viêm mủ gây phá hủy các tổ chức xơ, sợi, tổ chức liên kết, thoái hóa trong dẫn đến giảm nhu mô và chức năng của tuyến giáp.p>
3. Dấu hiệu nhận biết viêm tuyến giáp mủ
Cũng như các bệnh viêm nhiễm khác viêm tuyến giáp mủ diễn biến xảy ra từ từ ở đa số các trường hợp, song cũng có trường hợp xảy ra cấp tính với hội chứng nhiễm trùng. Khi viêm tuyến giáp mủ có các triệu chứng rõ ràng người bệnh thường cảm nhận được đau vùng tuyến giáp là triệu chứng nổi bật, có thể sờ thấy tuyến giáp lớn, nóng, mềm.
Người bệnh không thể ngẩng cổ, thường ngồi cúi đầu để tránh căng gây đau vùng tuyến giáp. Nuốt đau, nói khó, khàn tiếng. Có thể có biểu hiện viêm tổ chức lân cận tuyến giáp, hạch cổ lớn, đau.
Người bệnh có thể sốt nhẹ, kèm theo có thể rét run nếu có nhiễm trùng huyết. Khi đã có áp xe, khám vùng tuyến giáp có thể thấy cấc dấu hiệu của khối áp xe như: nóng, đau, đỏ và lùng nhùng.
Triệu chứng lâm sàng ở trẻ em thường rõ hơn ở người lớn, vì đa số ở người lớn có thể chỉ thấy khối đau mơ hồ ở vùng cổ, có thể không sốt.
Viêm tuyến giáp mủ có thể lan xuống ngực gây hoại tử trung thất, viêm màng ngoài tim ở những trường hợp không có lỗ rò pyriform sinus. Bệnh thường xảy ra vào mùa thu, đông theo sau nhiễm trùng đường hô hấp trên.
Thường không kèm cường giáp hoặc suy giáp, tuy nhiên cá biệt có thể có biểu hiện rối loạn chức năng giáp khi viêm lan rộng, như trong các trường hợp viêm tuyến giáp do nấm, do lao. Viêm có thể gây thương tổn cấu trúc làm phóng thích một lượng hormon gây triệu chứng của nhiễm độc giáp.
Có khoảng 12% nhiễm độc giáp và 17% suy giáp ở viêm tuyến giáp cấp nói chung. Chính tình trạng chức năng giáp không đồng bộ này gây khó khăn cho chẩn đoán phân biệt giữa viêm tuyến giáp cấp và viêm tuyến giáp bán cấp khi cả hai trường hợp đều có đau tuyến giáp.
Trường hợp lúc đầu có nhiễm độc giáp sau đó là suy giáp rồi trở về bình giáp sau điều trị đặc thù viêm tuyến giáp, đó thường là bệnh cảnh của viêm tuyến giáp mủ.
4. Chẩn đoán viêm tuyến giáp mủ
Ngoài các biểu hiện lâm sàng, các bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm và làm một số chẩn đoán hình ảnh như: xét nghiệm máu, xạ hình giáp , siêu âm tuyến giáp, chọc hút tuyến giáp… Trong đó chọc hút tuyến giáp bằng kim nhỏ rất quan trọng giúp phân biệt viêm tuyến giáp mủ và viêm tuyến giáp bán cấp, chọc hút thấy mủ khẳng định chẩn đoán, xét nghiệm giúp xác định nguyên nhân gây bệnh, kháng sinh đồ giúp định hướng kháng sinh điều trị.
Chọc hút còn có thể giúp làm giảm sự chèn ép khí quản ở các trường hợp viêm tuyến giáp mủ có làm di lệch khí quản.
5. Điều trị viêm tuyến giáp mủ
Mục đích của việc điều trị là kiểm soát được tình trạng bệnh nhân để tránh gây những biến chứng và sự lan rộng ổ viêm. Việc điều trị sẽ tùy theo thể bệnh, giai đoạn bệnh và mức độ của các triệu chứng. Bác sĩ chỉ định dùng kháng sinh toàn thân thích hợp dựa trên kháng sinh đồ, nhất là đối với các trường hợp viêm nặng.
Ngoài ra, tại chỗ có thể chườm nóng, chiếu tia cực tím. Nếu sau một tuần dùng kháng sinh tích cực nhưng chọc hút thấy có mủ thì cần phải rạch tháo mủ, dẫn lưu và sau 6-8 tuần tiến hành cắt bỏ thùy viêm. Phẫu thuật lấy lỗ rò sau khi đã điều trị kháng sinh để phòng tái phát.
Cũng có trường hợp có diễn biến xấu, một số trường hợp thương tổn tuyến giáp nặng gây suy giáp, do đó trước một viêm giáp nhất là các trường hợp viêm lan tỏa cần theo dõi chức năng tuyến giáp để có thái độ điều trị thích hợp. Phẫu thuật lấy lỗ rò để tránh tái phát. Nhìn chung, tiên lượng của các bệnh nhân viêm tuyến giáp là tốt, phần lớn đều khỏi bệnh và có cuộc sống hoàn toàn bình thường.
Mời xem video được quan tâm:
Hậu covid- Phục hồi chức năng cho người mắc COVID-19 nhẹ và không triệu chứng