Các tỉnh miền Tây nổi tiếng là “đất lành” nuôi yến, nhưng những hệ lụy về môi trường của nó lại khiến cho nhiều người dân xung quanh như ở... đất dữ.
Vài năm gần đây, thị xã Phước Long (tỉnh Bình Phước), số lượng nhà nuôi chim yến ngày càng tăng. Tiếng loa dụ chim yến phát ra cả ngày gây buốt óc cư dân sống cạnh các nhà nuôi chim yến. Hiện nay, trên địa bàn thị xã có khoảng 130 nhà nuôi chim yến (và còn thêm nhiều nhà nuôi chim yến đang được xây dựng), nhiều nhất là ở 2 phường Long Thủy và Thác Mơ. Công bỏ ra ít, chỉ phải đầu tư xây dựng nhà nuôi, lắp đặt một số trang thiết bị để làm tổ cho chim yến mà lợi nhuận mang lại rất cao nên người dân nuôi chim yến tự phát rầm rộ ngay trong khu dân cư (KDC).
Chim yến tạo nguồn thu không nhỏ, nhưng cũng mang lại nhiều hệ lụy khi các hộ nuôi thiếu tuân thủ quy định.
Vấn đề là muốn dụ chim yến vào làm tổ, các nhà nuôi chim yến đều phải trang bị những chiếc máy phát tiếng chim yến, lắp đặt nhiều loại loa kích cỡ khác nhau. Ở các vị trí góc của giá tổ và góc tường được đặt loa nhỏ, nóc nhà hoặc mái được lắp loa với công suất lớn. Âm thanh cứ líu ríu vang suốt ngày đêm như tra tấn khiến cư dân chung quanh rất khổ sở. Thêm vào đó, nhiều gia đình nuôi yến không tuân thủ quy định tạm thời về tiếng ồn, họ bật loa quá sớm và tắt rất muộn để “tranh thủ” thêm thời gian dụ chim.
Chính quyền địa phương chỉ có giải pháp nhắc nhở người nuôi chim yến giữ vệ sinh môi trường, phòng ngừa xảy ra dịch bệnh. Trên thực tế, nhiều người xin giấy phép xây dựng nhà ở nhưng lại sử dụng để làm nhà nuôi chim yến. Tỉnh chưa có quy định chung về việc nuôi chim yến ở KDC nên rất khó quản lý.
Ở Bạc Liêu, năm 2013, có 107 nhà nuôi yến với tổng đàn trên 11.085 con, đến nay, tăng lên 340 với quy mô hơn 215.000 con. Các hộ nuôi yến quy tụ về KDC Địa Ốc (phường 1), KDC phường 1, KDC phường 5 (TP. Bạc Liêu). Nhiều ý kiến cử tri phản ánh tình trạng nuôi chim yến trong KDC làm ảnh hưởng đến sự yên tĩnh của người dân. Điều khiến người dân bức xúc là các hộ nuôi yến tại các KDC không có nhà nào được các cấp thẩm quyền phê duyệt, song không chịu bất cứ hình thức chế tài nào.
Theo Chi cục Chăn nuôi và thú y Bạc Liêu, hầu hết các hộ nuôi chim yến hiện nay tự phát, không theo quy hoạch; số hộ nuôi chim yến trong nội ô thành phố, thị trấn chiếm tỷ lệ rất cao. Do vậy, tiếng ồn từ máy phát sóng để dẫn dụ chim yến và tiếng chim yến phát ra làm ảnh hưởng các hộ sống lân cận.
Tại Gò Công, Tiền Giang, ấp Khương Ninh nổi tiếng cả chục năm qua là nơi có mật độ nhà nuôi yến dày đặc. Sự khấm khá thì đương nhiên nhưng nhiều người dân khác phải chịu hệ lụy.
Đối với người nuôi chim yến thì phân yến là “lộc trời cho” khi có giá 100.000-200.000 đồng/kg, chủ yếu bán cho chủ những ngôi nhà yến mới xây để làm chất tạo mùi dẫn dụ. Còn với các hộ không nuôi thì quả là “bom thối” trên trời rơi xuống khi nóc nhà nào cũng đầy phân chim bốc mùi khủng khiếp.
Ngoài ra, nuôi chim yến trong các KDC còn gây khó khăn đối với ngành chức năng trong quản lý dịch bệnh; nhất là mỗi khi dịch cúm gia cầm bùng phát. Đã đến lúc chính quyền địa phương cần có các biện pháp mạnh, chế tài nghiêm để hạn chế tình trạng này. Về lâu dài là quy hoạch vùng nuôi tách biệt KDC và cấm triệt để việc nuôi lẫn chim với người như hiện nay.