Nuôi trồng dược liệu quý - hướng phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi Bắc Giang

31-10-2023 13:23 | Xã hội

SKĐS - Với những lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng, cây dược liệu đang trở thành một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh Bắc Giang...

Do cấu trúc địa hình và khí hậu đa dạng, nên đã tạo ra sự đa dạng về tài nguyên sinh vật. Với hơn 129,164 ha đất rừng tự nhiên và rừng trồng, hệ thực vật rừng khá phong phú, trong đó có 452 loài cây dược liệu quý thuộc 53 chi của 28 họ cây cỏ, dây leo. Toàn tỉnh hiện có trên 600 ha trồng cây dược liệu, tập trung tại các huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Dũng, Việt Yên, Tân Yên… Các vùng chuyên canh được hình thành, tạo chuỗi liên kết, phát triển sản xuất an toàn, đem lại thu nhập cao cho người dân.

Nuôi trồng dược liệu quý, hướng đi giúp phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi - Ảnh 1.

Viện Dược liệu – Bộ Y tế thực hiện khảo sát các khu vực dự kiến triển khai dự án tại huyện Sơn Động - Bắc Giang.

Sơn Động đang là huyện đi đầu của tỉnh Bắc Giang trong phát triển sản xuất cây dược liệu. Sơn Động là huyện vùng cao của tỉnh Bắc Giang, cách trung tâm tỉnh lỵ 80 km về phía Đông Bắc, có nhiều tiềm năng và thế mạnh để phát triển sản xuất lâm nghiệp, đặc biệt phát triển dược liệu quý dưới tán rừng. Ngoải ra, do địa hình bị chia cắt mạnh, tạo ra nhiều tiểu vùng khí hậu khác nhau, nên nguồn gen về cây dược liệu của Sơn Động cũng rất đa dạng, phong phú. Điều này tạo những lợi thế cạnh tranh trong phát triển dược liệu trong huyện. Để nâng cao hiệu quả sản xuất, nhiều hợp tác xã dược liệu trên địa bàn huyện được thành lập, liên kết người dân trong sản xuất, tìm kiếm thị trường. Tuy nhiên, hiện nay, thế mạnh về điều kiện tự nhiên để phát triển dược liệu trên địa bàn huyện còn chưa được khai thác hết.

Nằm trong khuôn khổ, phạm vi triển khai tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, dự án Đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý trên địa bàn huyện Sơn Động có ý nghĩa vô cùng thiết thực, không chỉ đảm bảo thực hiện nhiệm vụ chính trị, an sinh xã hội, phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, mà còn có ý nghĩa với công tác phát triển dược liệu trên địa bàn tỉnh nói riêng và trong cả nước. Dự án dược liệu quý là tiền đề phát triển các loài cây dược liệu quý có giá trị kinh tế, giá trị dược liệu cao, bảo tồn nguồn gen dược liệu có nguy cơ bị tuyệt chủng trong các tán rừng tự nhiên.

Tháng 4/2023, Viện Dược liệu – Bộ Y tế đã hoàn thành Báo cáo hỗ trợ nghiên cứu, khảo sát, đánh giá, xây dựng phương án phát triển vùng trồng dược liệu quý tại huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang, trong đó đã thực hiện khảo sát khu vực dự kiến xây dựng nhà máy chế biến dược liệu, vùng trồng dược liệu tại 09 xã với tổng diện tích quy hoạch là 362,94 ha. Báo cáo khả thi đã đề xuất danh mục 19 cây dược liệu tiềm năng ưu tiên phát triển và 14 cây dược liệu có tiềm năng phát triển tại huyện Sơn Động.

Ngày 14/7/2023, Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Giang đã thông qua Nghị quyết số 44/2023/NQ-HĐND quy định nội dung hỗ trợ, mẫu hồ sơ, trình tự, thủ tục lựa chọn dự án dược liệu quý thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025. Hiện Sở Y tế, Ban Dân tộc tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ủy ban nhân dân huyện Sơn Động đang tổ chức triển khai thực hiện dự án dược liệu quý theo các văn bản pháp lý hướng dẫn và Nghị quyết số 44/2023/NQ-HĐND.

Nuôi trồng dược liệu quý, hướng đi giúp phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi - Ảnh 2.

Với những lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng, cây dược liệu đang trở thành một trong những cây trồng chủ lực của nhiều địa phương khu vực miền núi phía Bắc.

Với lợi thế về đất lâm nghiệp, thậm chí những loại dược liệu này có thể trồng dưới tán rừng. Chính vì vậy, việc quan tâm quy hoạch và phát triển thành vùng cây dược liệu quý hiếm là cần thiết. Để khai thác có hiệu quả tiềm năng, mở rộng diện tích cây dược liệu trong cơ cấu nông nghiệp thời gian tới, các cơ quan, ban ngành cần phối hợp hỗ trợ nông dân liên kết với doanh nghiệp, các nhà khoa học áp dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến vào sản xuất.

Các địa phương xây dựng các chính sách hỗ trợ nông dân sản xuất và xúc tiến thương mại, liên kết với doanh nghiệp chế biến dược phẩm bảo đảm đầu ra cho sản phẩm... Những điều đó không chỉ góp phần bảo vệ sinh thái rừng bền vững mà còn bảo tồn và phát triển nguồn gen các loài dược liệu quý hiếm và cho hiệu quả kinh tế cao.

COVID-19 chuyển sang nhóm B: Bộ Y tế khuyến khích thực hiện 2K để bảo vệ sức khỏeCOVID-19 chuyển sang nhóm B: Bộ Y tế khuyến khích thực hiện 2K để bảo vệ sức khỏe

SKĐS - Bộ Y tế đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố căn cứ thực tế tình hình dịch, thực hiện công bố dịch và hết dịch theo Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm; xem xét việc kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 các cấp phù hợp với diễn biến tình hình dịch.

Nam Anh
Ý kiến của bạn