Nuôi sống thành công cặp song sinh ở tuần thứ 24

10-03-2015 21:13 | Thời sự
google news

SKĐS - Sáng 10/3, Bệnh viện Phụ sản Trung ương thông báo chính thức việc lần đầu tiên nuôi dưỡng thành công cặp song sinh 24 tuần tuổi thụ tinh trong ống nghiệm.

* Cặp song thai khi sinh chỉ nặng có 500g - 600g. Sau 3 tháng nuôi dưỡng đã đạt cân nặng là 2,2kg - 2,3kg.

Sáng 10/3, Bệnh viện Phụ sản Trung ương thông báo chính thức việc lần đầu tiên nuôi dưỡng thành công cặp song thai thụ tinh trong ống nghiệm, 24 tuần tuổi có cân nặng 500g và 600g tại Trung tâm Chăm sóc và Điều trị sơ sinh. Sau hơn 90 ngày chăm sóc tích cực, hai bé đã xuất viện về với gia đình trong niềm vui vỡ òa. Thành công này đánh dấu một bước phát triển vượt bậc của ngành sản khoa Việt Nam.

Trường hợp song sinh hiếm gặp đặc biệt được cấp cứu thành công

Sản phụ là chị Hồ Thị Hải Yến, sinh năm 1986, ở thị trấn Diêm Điền, Thái Thụy, Thái Bình. Đây là lần sinh con thứ 2 của sản phụ bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm (IVF). Ngày 5/12/2014, ở tuần thứ 24 của thai kỳ, sản phụ vỡ ối và sinh thường song thai, 1 trai, 1 gái. Cháu gái nặng 500g, cháu trai nặng 600g.

BS. Nguyễn Ngọc Lợi, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc và Điều trị sơ sinh cho biết, hai trẻ được đưa về khoa trong tình trạng trẻ suy hô hấp rất nặng, thở nấc, tím tái, nhịp tim rời rạc, phản xạ rất yếu. Các bác sĩ đã phải hồi sức tích cực, đặt ống nội khí quản, bóp bóng thông khí áp lực dương, được bơm thuốc chống xẹp phổi ngay trong giờ đầu và thở máy... Hai cháu được chăm sóc và điều trị trong tình trạng đặc biệt, vô khuẩn đảm bảo các điều kiện chống nhiễm khuẩn, tăng cường tĩnh mạch, nuôi dưỡng hoàn toàn qua tĩnh mạch, dùng các loại thuốc chống nhiễm trùng, tăng cường miễn dịch, đề phòng xuất huyết não, giám sát chặt chẽ tình trạng hô hấp, tim mạch và các chỉ số trong máu...

Gia đình cặp song sinh tặng hoa các thầy thuốc BV Phụ sản TW.

Gia đình cặp song sinh tặng hoa các thầy thuốc BV Phụ sản TW.

Cũng theo BS. Lợi, quá trình chăm sóc hai cháu thở máy qua nội khí quản trong 4 ngày đầu, sau đó chuyển thở ôxy qua lều (trong 9 ngày sau đó). Ngày thứ 10 cho thở ôxy nồng độ thấp, ngắt quãng khoảng 20-25% trong 25-30 ngày. Đến ngày thứ 50 các cháu đã thở hoàn toàn bằng khí trời.

Về dinh dưỡng, các cháu được nuôi dưỡng bằng tĩnh mạch hoàn toàn trong 2 ngày đầu. Đến ngày thứ 3 bắt đầu ăn sữa mẹ qua sonde máy kết hợp với nuôi dưỡng tĩnh mạch. Đến ngày thứ 17, nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ 180ml/kg cân nặng qua dạ dày bằng sonde máy.

Qua theo dõi sau 12 ngày, hai bé về lại cân nặng lúc sinh và bắt đầu tăng cân. Khi ra viện ở ngày thứ 93, bé trai 2.250g, bé gái 2.350g. Toàn trạng ổn định, các cháu được xuất viện về với gia đình trong tình trạng khỏe mạnh. Tuy các chỉ số sinh tồn đều tốt, nhưng theo BS. Lợi, các bác sĩ vẫn tiếp tục theo dõi trong một thời gian dài để có sự đánh giá toàn diện khả năng phát triển về chiều cao, cân nặng, vòng đầu, vòng ngực, mắt, tai..., sự phát triển trí tuệ của hai cháu.

BS. Lợi nhấn mạnh, một điều đáng ngạc nhiên là dưới sự chăm sóc đặc biệt của các thầy thuốc, chỉ 11 ngày sau sinh, hai cháu đã tăng cân. BS. Lợi đánh giá sự tăng trưởng này của các cháu là rất tốt bởi trên thế giới, quy chuẩn tăng cân đối với nhóm trẻ dưới 1kg là trong vòng 17, 18 ngày sau sinh.

Trước đó, năm 2010, lần đầu tiên Trung tâm Chăm sóc và Điều trị sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản TW cũng đã nuôi sống thành công cháu Bùi Thị G. sinh non ở tuần thứ 25, cân nặng 500g, quê ở Hải Dương. Đến nay, cháu đã được 5 tuổi, hiện cháu khỏe mạnh và phát triển bình thường như các cháu cùng trang lứa. Trường hợp song thai nói trên là một bước tiến mới đánh giá mốc quan trọng cho ngành sản khoa nước nhà.

Sau hơn 3 tháng được chăm sóc, cặp song sinh đã tăng cân tốt. Ảnh: Trần Lâm

Nhờ sự phối kết hợp nhuần nhuyễn của các chuyên khoa

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết: Đối với những trường hợp thai bị sinh non, trước đây để nuôi được những trẻ sơ sinh là rất khó khăn, có khi chỉ nuôi sống được thành người nhưng để lại rất nhiều dị tật nguy hiểm như chậm phát triển về trí tuệ, đặc biệt bệnh lý thường gặp ở trẻ sinh non đó là bị các tình trạng liên quan đến mắt, điếc bẩm sinh... Chính vì lẽ đó, để chăm sóc và điều trị các cháu trong tình trạng sinh non trước hết cần có sự phối kết hợp các chuyên khoa, hai là cần có kiến thức, ba là cần đầu tư trang thiết bị hiện đại. Do đó, tại BV Phụ sản TW đã thành lập Hội đồng chẩn đoán trước sinh gồm cả các chuyên ngành về chẩn đoán hình ảnh, sản phụ khoa, tim mạch, thần kinh, di truyền, mắt... đặc biệt chống nhiễm khuẩn, phát hiện thật sớm các bệnh lý hay gặp và nếu phát hiện sớm thì việc điều trị tại BV Phụ sản TW sẽ dễ dàng hơn.

Được biết, trên thế giới không phải nước nào cũng có thể nuôi được thai ở tuần thứ 24. Ở Việt Nam, tại BV Phụ sản TW đã làm được chứng tỏ trình độ của các thầy thuốc đã tiến rất gần các nước có nền y tế phát triển (so với Mỹ là 22 tuần tuổi).

Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến cũng cho biết, nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng sinh non là do mẹ quá trẻ, dinh dưỡng kém, lao động vất vả, bệnh lý tử cung, tiền sử sinh non, đa ối, đa thai, thai dị dạng... hay đơn giản là tình trạng viêm nhiễm của người mẹ (viêm phổi, viêm họng, thậm chí sâu răng). Các bác sĩ khuyến cáo, các bà mẹ nên đi khám định kỳ để phát hiện sớm những yếu tố có nguy cơ sinh non.

Chia sẻ niềm xúc động, sản phụ Hải Yến cho biết: Khi chuyển dạ sinh hai cháu, tôi đã vô cùng hoang mang. Nhìn các cháu quá non, cân nặng thấp, gia đình đã phải chuẩn bị sẵn tư tưởng cho trường hợp xấu nhất. Hôm nay, được đón hai cháu về nhà là một niềm hạnh phúc vô cùng lớn lao với tôi và gia đình. Không biết nói gì hơn, chúng tôi vô cùng cảm ơn những người thầy thuốc, các y, bác sĩ Khoa Chăm sóc sinh non BV Phụ sản TW đã hồi sinh cho hai con chúng tôi.

Chị Yến cho biết thêm, gia đình đặt tên cháu trai là Giang Thiên Bảo, cháu gái là Giang Thiên Ân với ý nghĩa: Thiên Bảo, Thiên Ân chính là đặc ân rất lớn lao đối với gia đình. Chúng tôi mong muốn hai cháu sẽ có một tương lai thật tươi sáng.

Thanh Loan - Trần Lâm

 

 


Ý kiến của bạn