Hà Nội

Nuôi dưỡng tình yêu điện ảnh bằng dự án phim ngắn

24-07-2020 11:06 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Để tạo sân chơi cho các nhà làm phim trẻ, khán giả có cơ hội được xem những bộ phim ngắn độc lập với những ý tưởng độc đáo và hấp dẫn của những đạo diễn bắt đầu tham gia vào lĩnh vực điện ảnh, BHD đã lập ra một chuyên mục Cửa Sổ Mới trên kênh youtube Filmbox của mình.

Filmbox đều đặn ra mắt hàng tuần những bộ phim ngắn của các đạo diễn trẻ Việt Nam, bắt đầu từ ngày 17/7. Ngoài ra những bộ phim ngắn cũng sẽ được đưa lên trang xem phim theo yêu cầu hàng đầu Việt Nam DANET bắt đầu từ 31/7. Trong lần đầu ra mắt dự án Cửa Sổ Mới, sẽ có 5 bộ phim được công chiếu trên kênh Filmbox bao gồm 4 phim của trung tâm phát triển tài năng điện ảnh trẻ TPD và một phim của đạo diễn trẻ Nguyễn Phan Thảo Đan.

Vô Diện (Pas d’Yeux)


Vô Diện (Pas d’Yeux) của Nguyễn Phan Thảo Đan nói về một cậu bé đi ra từ bức tranh đang cố gắng đi tìm khuôn mặt cho mình. Dù chỉ với thời lượng ít ỏi, nhưng bộ phim đã phần nào truyền tải được thông điệp về sự vật lộn trong cuộc sống của mỗi người để đi tìm xem mình là ai và vai trò của mình trong xã hội là gì.

Mộng Tưởng Đen

Mộng Tưởng Đen của đạo diễn Dương Phước Trung kể câu chuyện kì lạ về một người con trai bị bỏ rơi trong một căn nhà từng sống cùng gia đình. Với cái tên nhân vật là K - một huyễn tưởng về những nhân vật đi ra từ tiểu thuyết của Frank Kafka, K bối rối vì mất hết hồi ức và đang ở trong một căn phòng trốn khi tỉnh lại, người duy nhất cậu tiếp xúc là cô thợ sửa chìa khoá. Bộ phim mang đến một góc nhìn kì lạ và bất an, bối rối và không lối thoát của người trẻ.

XX2061

Hay sử dụng thể loại khoa học viễn tưởng, tác phẩm XX2061 của đạo diễn Phạm Thu Thuỷ, kể một câu chuyện về xã hội hiện đại bằng cách đưa khán giả đến tương lai, nơi con người phụ thuộc hoàn toàn vào người máy cho các công việc nhà, thậm chí chăm sóc những người già cả. Trong xã hội đó, con người mất dần đi cảm xúc gia đình, mất dần đi sự thấu hiểu, cái còn lại là sự cô đơn của một người mẹ mà con cái mình đã không còn đủ gần gũi để hiểu và chia sẻ.

Cá Dọn Bể


Cá Dọn Bể của đạo diễn Chu Nguyệt Ánh, với bối cảnh hẹp, câu chuyện xảy ra trong một phòng tắm, với một cô gái đang lau dọn căn phòng của mình, nhưng dù cố gắng ra sao, mọi thứ vẫn không thể gọn gàng ngăn nắp, như chính cuộc sống của chúng ta, vốn dĩ luôn luôn xảy ra những chuyện mà ta không thể nào kiểm soát được dù cố thế nào.

Muộn

Muộn của Hồ Thanh Thảo, mang tính hiện thực với những người trẻ trong một buổi tối bình thường bên nhau tại một quán “nhậu” ở vỉa hè tại Hà Nội. Những lát cắt cuộc sống được thể hiện đơn giản, dễ hiểu và chân thực cho thấy sự lạc lõng và bối rối trong tình bạn, tình yêu. Sự chân thực của lời thoại và bối cảnh đêm mang lại cảm giác sống động và gần gũi.

Mỗi bộ phim, mỗi đạo diễn trẻ truyền vào trong các bộ phim của mình tình yêu, đam mê giúp cho mỗi khán giả khi xem phim đều có thể cảm nhận được sự nỗ lực và cố gắng mà mỗi đạo diễn đưa vào câu chuyện của mình. Có thể chặng đường điện ảnh phía trước của các đạo diễn trẻ còn rất dài và khó khăn, nhưng với những khởi đầu bằng những bộ phim ngắn được đầu tư và sáng tạo như vậy, chắc chắn, điện ảnh Việt Nam sẽ có một lớp đạo diễn kế cận có nghề và nhiều đam mê.


Phạm Hoa
Ý kiến của bạn