Nuôi dưỡng con đến tuổi dậy thì, cha mẹ đừng nản

01-08-2021 15:39 | Y học 360
google news

SKĐS - Ở giai đoạn tuổi mới lớn, con bắt đầu thay đổi về tâm sinh lý và khó dạy bảo hơn. Điều này khiến cha mẹ bất lực, nhiều khi không biết phải làm thế nào?

Ở giai đoạn tuổi mới lớn, trẻ bắt đầu thay đổi về tâm sinh lý

Câu chuyện thường ngày xảy ra với đa số trẻ ở tuổi dậy thì là tính ngang bướng, nóng giận, phản ứng gay gắt bằng cách vứt đồ, đóng sầm cửa ngay trước mặt cha mẹ, nhịn ăn, không thèm nói chuyện... Nhiều cha mẹ mong con qua tuổi ẩm ương này, để con sẽ thay đổi và dễ dạy bảo hơn. Nhưng thực tế, hầu hết cha mẹ vẫn chưa thực sự quan tâm đến vấn đề tâm lý tuổi dậy thì.

Thay đổi tâm lý ở tuổi dậy thì

Bước vào tuổi dậy thì, tâm sinh lý trẻ ở tuổi dậy thì thay đổi rất phức tạp, vui buồn thất thường, hay nóng nảy, cáu giận và cũng rất dễ tự ái, tổn thương. Cùng với sự phát triển nhanh chóng của cơ thể, trẻ cũng sẽ cảm thấy mệt mỏi, uể oải, chậm chạp và lười biếng hơn.

Đây cũng là thời gian trẻ thích khẳng định bản thân, muốn được bố mẹ tôn trọng và xem mình là người lớn thực thụ. Vì thế, nếu không hiểu hết được những khó khăn của lứa tuổi dậy thì, giữa bố mẹ và trẻ dễ xảy ra xung đột.

Trẻ sẽ phản ứng bằng lời nói gay gắt, thái độ thách thức khi thường xuyên bị la mắng, chỉ trích. Trẻ nghĩ rằng bố mẹ không hiểu và không tôn trọng mình.

Vì thế trẻ tự thiết lập cho mình không gian riêng, tách rời bố mẹ và tìm sự chia sẻ ở bạn bè. Có con ở tuổi mới lớn, rất nhiều cha mẹ phải phiền lòng.

Đủ thứ để lo lắng, băn khoăn thậm chí sợ hãi trước các định hướng cho con thế nào đây khi tính tình ở lứa tuổi này thay đổi, khó dạy bảo nên nhiều khi cha mẹ bất lực.

photo-1627693239804

Bước vào tuổi dậy thì, tâm sinh lý trẻ thay đổi rất phức tạp, vui buồn thất thường.

Cha mẹ cần làm gì khi con ngang bướng tuổi dậy thì?

Cuộc sống ngày nay quá bận rộn, cha mẹ thì bận công việc, con cái thì bận học hành, (bạn bè, mạng xã hội...) nên khoảng cách giữa cha mẹ và con cái ngày càng xa... Vậy cha mẹ cần làm gì khi con ở tuổi dậy thì.

Học kỹ năng làm cha mẹ

Một trong những nguyên nhân quan trọng nhất là cha mẹ còn quá thiếu kỹ năng. Không đủ cập nhật sự phát triển của con trong giai đoạn hiện tại. Tuổi dậy thì bây giờ so với cách đây mấy chục năm trước của cha mẹ, có quá nhiều sự khác biệt.

Vốn dĩ cảm xúc giai đoạn này của các em đã không ổn định, bên cạnh đó xã hội bây giờ phát triển, thay đổi nhiều, các con làm bạn với internet có cả những vấn đề tốt và xấu nên biến đổi tâm sinh lý rất nhanh. Do vậy, muốn đồng hành cùng con, dạy được con thì phải hiểu con.

Vì lẽ đó cha mẹ cần phải quay trở lại để học cách hiểu con, gần con, làm bạn cùng con. Giai đoạn con ở tuổi dậy thì, cha mẹ phải thu xếp cuộc sống, sắp xếp công việc, để có thêm nhiều thời gian gần gũi và chăm sóc con hơn.

photo-1627693241376

Dậy thì là lứa tuổi có những thay đổi về tâm lý dễ tổn thương nên cần sự quan tâm nhiều hơn của gia đình.

Tạo thói quen tuân theo quy định và có thưởng, phạt

Bước vào tuổi dậy thì tâm sinh lý trẻ thay đổi rất phức tạp, vui buồn thất thường, hay nóng nảy, cáu giận và cũng rất dễ tự ái, tổn thương...

Để tạo mối quan hệ gần gũi với con trong giai đoạn này, trước tiên cha mẹ cần có sự nhất quán trong việc cư xử, trò chuyện với con. Bố mẹ hãy cùng thiết lập một kỷ luật chung về giờ giấc sinh hoạt cho cả gia đình và là người đầu tiên tôn trọng, tuân thủ quy định đó.

Kỷ luật này giúp rèn luyện để các con có thói quen sinh hoạt, học tập đúng giờ. Giúp trẻ hình thành thói quen tốt như không xem TV, sử dụng máy tính, điện thoại... sau một thời gian nhất định, dọn dẹp bát đĩa, đánh răng và đi ngủ vào giờ thích hợp. Tốt nhất, hãy lập bảng công việc cho cả tháng. Nói với trẻ nếu chúng làm theo thói quen đó, trẻ sẽ nhận được một số phần thưởng do chúng lựa chọn.

Hãy lắng nghe để thấu hiểu con tuổi dậy thì

Cha mẹ cần biết về tâm lý tuổi dậy thì, hãy lắng nghe để hiểu con. Rồi đặt mình vào vị trí của con để xem con có những tâm tư, nguyện vọng gì.

Nếu không đặt vào vị trí của con, để hiểu con thì không bao giờ dạy được con. Đặc biệt, khi trẻ ở tuổi dậy thì, cha mẹ không được nói theo kiểu ra lệnh hoặc cấm đoán. Làm như thế sẽ gặp phản ứng mạnh từ phía con.

Tâm lý của con ở tuổi này là thích chứng minh bản thân, thích mọi người lắng nghe và tôn trọng ý kiến. Mà mình càng bắt ép thì con sẽ càng chống đối lại. Cách nói chuyện với con ở giai đoạn này là biết đặt câu hỏi để con nói, rồi sau đó đặt câu hỏi để gợi mở cho con cách nào là tốt hơn.

Cha mẹ luôn phải nhớ nguyên tắc: Nếu không bình tĩnh thì không bao giờ dạy được con. Người lớn hãy cố gắng kiềm chế nóng giận trong những lúc con tỏ ra ngang bướng hoặc tỏ thái độ thù nghịch.

Đợi đến khi không khí lắng dịu, bố mẹ sẽ bình tĩnh ngồi lại và nhẹ nhàng, ân cần nói chuyện với con trên nguyên tắc tôn trọng, đồng cảm.

Hướng trẻ cách tiếp cận tình huống bình tĩnh, gợi ý lựa chọn để trẻ quyết định

Trẻ em thường thích học theo cha mẹ, vì vậy chúng ta nên làm mẫu cho hành vi và hành động của trẻ bằng cách dạy trẻ bình tĩnh. Nếu trẻ nổi cơn thịnh nộ và bạn bắt đầu la mắng, điều đó sẽ trở nên bình thường đối với chúng. Vì vậy, bạn hãy chỉ cho trẻ một cách khác để đối phó với cảm xúc của chúng.

Các chuyên gia tâm lý cho biết, để con bạn được lựa chọn sẽ giúp thỏa mãn nhu cầu cảm thấy được kiểm soát của chúng. Nếu trẻ phải đóng máy tính, cất điện thoại và sau đó đánh răng, hãy hỏi trẻ xem chúng muốn làm cái nào trước. Từ đó giúp con có sự lựa chọn và quyết định, điều này giúp con không bị cảm thấy ép buộc.

Mời quý độc giả xem thêm video đang được quan tâm:


BS. Thanh Thủy
Ý kiến của bạn