Việc nuôi thú cưng là các loài động vật ngoại lai thậm chí còn được coi là màn thể hiện 'đẳng cấp' là bắt kịp xu hướng thời thượng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia việc nuôi các loài động vật này sẽ gây hại rất nhiều cho môi trường cũng như mất cân bằng hệ sinh thái bản địa.
Thú cưng rồng đất Nam Mỹ, rùa tai đỏ nguy hại cho môi trường
Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) vừa phát đi cảnh báo về "sự gia tăng nhanh chóng của hoạt động buôn bán và quảng cáo động vật hoang dã ngoại lai tại Việt Nam".
Theo đó, thời gian qua, hoạt động buôn bán các loài động vật hoang dã ngoại lai phát triển rất mạnh ở Việt Nam. Các loài ngoại lai thường bị buôn bán phổ biến bao gồm rùa sulcata, rùa tai đỏ, rồng đất Nam Mỹ, rắn, các loài thú nhỏ và vẹt. Hầu hết các loài này bị nhập lậu từ nước ngoài về Việt Nam hoặc có nguồn gốc từ các cơ sở gây nuôi không được cấp phép và những người chuyên chơi sinh vật cảnh.
Đáng chú ý, rùa tai đỏ và rồng đất Nam Mỹ là hai trong số những loài ngoại lai thường bị buôn bán ở Việt Nam. Chúng nằm trong danh mục loài ngoại lai xâm hại - theo Thông tư số 35 của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Đặc biệt, rùa tai đỏ được biết đến là một trong những loài xâm hại nhất trên thế giới. Trong khi đó, rồng đất Nam Mỹ cũng là một loài đáng quan ngại.
Bà Bùi Thị Hà, Giám đốc ENV cho biết, một tỉnh phía nam phát hiện 80 cá thể rồng đất Nam Mỹ và 9 cá thể thằn lằn Tegu. Thay vì chuyển giao đến trung tâm cứu hộ hoặc vườn động vật thì Chi cục Kiểm lâm của tỉnh này lại bán đấu giá cho chính các đối tượng buôn lậu. Hiện đối tượng đang trong quá trình thực hiện các thủ tục đăng ký mã số cơ sở nuôi.
Hoạt động buôn bán loài ngoại lai là khả năng hình thành quần thể tự nhiên khi chúng bị thả ra môi trường hoặc trốn thoát. Điều này có thể đe dọa nghiêm trọng đến sự sống của các loài bản địa khi chúng cạnh tranh nguồn thức ăn, môi trường sống và từ đó phá vỡ cấu trúc cũng như sự cân bằng hệ sinh thái.
Theo thống kê của ENV, từ tháng 1/2022 - 10/2024, ghi nhận có 471 vụ vi phạm (trên 45.000 cá thể) liên quan đến hoạt động quảng cáo và buôn bán các loại sinh vật ngoại lai. Các loài bò sát chiếm 82% số động vật ngoại lai bị buôn bán trái phép, với 37.048 cá thể rùa, rắn và thằn lằn. Tỷ lệ này với các loài chim là 9% và các loài thú nhỏ khác chiếm khoảng 4%.
Theo bà Bùi Thị Hà, việc kiểm soát hoạt động buôn bán trái phép loài ngoại lai là rất quan trọng nhằm loại bỏ những rủi ro tiềm ẩn đối với sức khỏe con người. Thế giới đã ghi nhận nhiều đại dịch có nguồn gốc từ động vật hoang dã như AIDS, SARS, cúm A/H5N1, Ebola, bệnh dại và nhiều khả năng là cả Covid-19.
"Những nguy cơ và rủi ro này đòi hỏi các cơ quan Nhà nước phải nhanh chóng vào cuộc tăng cường công tác quản lý và giám sát để kiểm soát hoạt động buôn bán các loài ngoại lai đang gia tăng chóng mặt ở Việt Nam ngay khi hoạt động này vẫn còn đang nằm trong tầm kiểm soát. Nếu không tình trạng này sẽ ngày càng phát triển và trở thành một cuộc khủng hoảng đòi hỏi nhiều thời gian, nguồn lực để giải quyết các tác động của chúng đến đa dạng sinh học, rủi ro đối với sức khỏe con người và sự an toàn của các loài nguy cấp trên toàn cầu", bà Hà nhấn mạnh.
Cách gì quản lý sinh vật ngoại lai?
TS Lê Việt Dũng, Khoa Thủy sản, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, đối với các sinh vật ngoại lai xâm hại đã hiện diện ở Việt Nam cũng như các sinh vật ngoại lai xâm hại hoặc không xâm hại có nguy cơ hiện diện (ví dụ qua nhập lậu), cần áp dụng nhuần nhuyễn 4 biện pháp cơ bản là ngăn ngừa; phát hiện sớm và phản ứng nhanh; diệt trừ; quản lý tổng hợp (IPM) đóng vai trò chìa khóa trong công tác quản lý.
Ở các quốc gia phát triển như Úc, New Zealand, Mỹ các biện pháp kiểm soát sinh vật ngoại lai trước khi đến biên giới và tại biên giới thường được thực hiện rất chặt chẽ với nhiều hình thức xử phạt có tính răn đe cao. Công tác nghiên cứu, phát triển các mô hình phân tích và đánh giá nguy cơ, các phương pháp phát hiện sớm hiện đại (ví dụ như sinh học phân tử) cũng rất được chú trọng và đẩy mạnh.
Tại Việt Nam, vấn đề sinh vật ngoại lai vẫn là một lĩnh vực còn khá mới mẻ và chưa nhận được sự quan tâm đúng mức. Việc tham khảo các mô hình quản lý tiên tiến của các nước phát triển bên cạnh việc nâng cao nhận thức và giáo dục cộng đồng, giúp người dân hiểu biết hơn về sự đe dọa của việc du nhập sinh vật ngoại lai bất hợp pháp đối với sinh kế của chính họ cũng như hệ sinh thái và nền kinh tế của quốc gia sẽ góp phần giúp quản lý tốt hơn vấn đề này.
Ở Việt Nam, hiện không có một số liệu cụ thể nào về tổng số loài ngoại lại hiện diện, tuy nhiên danh sách các loài ngoại lai xâm hại (Thông tư số 35/2018/TT-BTNMT ban hành ngày 28/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi Trường) liệt kê tổng cộng 19 loài bao gồm 4 loài thuộc nhóm vi sinh vật, 4 loài thuộc nhóm động vật không xương sống, 3 loài cá, 1 loài thuộc nhóm lưỡng cư-bò sát, 1 loài thuộc nhóm chim thú và 6 loài thuộc nhóm thực vật.
Theo các chuyên gia, thách thức lớn mà Việt Nam phải đối mặt trong bối cảnh tình trạng buôn bán trái phép các loài ngoại lai đang gia tăng nhanh chóng là thiếu các quy định rõ ràng và hệ thống quản lý hiệu quả để kiểm soát sự gia tăng nhanh chóng của thị trường buôn bán sinh vật cảnh ngoại lai và các cơ sở gây nuôi thương mại những loài này là những vấn đề cấp thiết cần phải xử lý.
ENV kêu gọi người dân không buôn bán, vận chuyển hoặc nuôi nhốt các loài động vật hoang dã ngoại lai không có nguồn gốc hợp pháp để ngăn chặn các tác động tiêu cực của hoạt động này đến hệ sinh thái, góp phần bảo vệ sức khỏe của chính chúng ta và tránh những rủi ro pháp lý đáng tiếc. Đồng thời, người dân hãy thông báo các vi phạm về động vật hoang dã đến cơ quan chức năng địa phương hoặc đường dây nóng miễn phí 1800-1522.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Bộ GTVT phản hồi chính thức về quy định kiểm tra khí thải từ 1/1/2025 | SKĐS