Nuôi chó mèo phải đăng ký: Đừng để quy định chỉ có... trên giấy

07-02-2018 16:15 | Xã hội

SKĐS - Trước yêu cầu phải phòng và loại trừ bệnh dại trên địa bàn toàn TP. Hà Nội, đồng thời để quản lý vật nuôi, chủ nhân vật nuôi một cách rõ ràng, minh bạch, UBND TP. Hà Nội vừa ban hành kế hoạch về thực hiện chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại trên địa bàn TP giai đoạn 2018-2021, trong đó đáng chú ý là việc chủ vật nuôi chó, mèo phải đăng ký việc nuôi với UBND xã, phường, thị trấn.

Cụ thể, chủ vật nuôi chó, mèo phải thực hiện đăng ký với UBND xã, phường, thị trấn; thực hiện xích, nhốt hoặc giữ trong khuôn viên gia đình; bảo đảm vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng xấu tới người xung quanh. Chủ vật nuôi khi đưa chó ra nơi công cộng phải bảo đảm an toàn cho người xung quanh bằng cách đeo rọ mõm hoặc xích chó và có người dắt.

Chủ nuôi phải chịu mọi chi phí trong trường hợp chó thả rông bị bắt giữ, kể cả chi phí việc nuôi dưỡng và tiêu hủy chó. Nếu chó thả rông cắn người, chủ vật nuôi phải bồi thường cho người bị hại. Ngoài ra, nếu không chấp hành tiêm định kỳ phòng dại cho chó, mèo, chủ nuôi cũng bị xử phạt theo quy định.

Tình trạng vật nuôi thả rông không có rọ mõm, không xích vẫn tràn lan.

Tình trạng vật nuôi thả rông không có rọ mõm, không xích vẫn tràn lan.

Trong khi đó, UBND cấp xã, phường, thị trấn phải có trách nhiệm lập sổ quản lý chó nuôi trên địa bàn theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, rà soát, thống kê tổng đàn chó, mèo trước đợt tiêm phòng.

UBND TP. Hà Nội yêu cầu 100% các cơ quan quản lý chuyên ngành thú y tại các địa phương trên địa bàn thực hiện tổng hợp báo cáo bệnh dại đúng quy định; hơn 90% đàn chó, mèo trong diện tiêm phòng trên địa bàn được tiêm phòng vắc-xin dại; phấn đấu xây dựng vùng an toàn dịch bệnh dại tại 12 quận, huyện nơi tập trung đông dân cư, khách du lịch...

Thời gian vừa qua, liên tục xảy ra những vụ việc người nuôi chó thả rông, không đeo rọ mõm cho chó và đi lẫn vào các khu dân cư đông người. Một số trường hợp chó cắn hoặc gây nguy hiểm cho người tuy chưa đến mức độ nặng nhưng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Đặc biệt phổ biến là tình trạng đưa chó ra vườn hoa, lề đường vệ sinh gây ảnh hưởng tới mỹ quan và môi trường chung. Đã có nhiều quy định về xử lý việc này nhưng chỉ là quy định trên giấy, không cơ quan nào đứng ra chịu trách nhiệm xử lý. Hầu hết chỉ dừng ở mức độ nhắc nhở giữa tổ dân phố với nhau.

Vì vậy, để quy định mới thực sự phát huy hiệu quả, đi vào cuộc sống, rất cần phải làm rõ trách nhiệm cụ thể của chính quyền địa phương, của các tổ chức quản lý khi đã có luật mà vẫn để xảy ra vi phạm. Đồng thời là việc xử phạt thật nặng các trường hợp cố tình làm ngơ, coi thường quy định và tuyên truyền sâu rộng đến từng hộ dân để họ tự ý thức được mức độ của hành vi mà mình tạo ra. Có như vậy mới không còn những quy định “chết” lâm sàng.


Hải An
Ý kiến của bạn