Sự kiện này mở ra cơ hội cho hàng ngàn người đang chờ được cấy ghép phổi trên khắp thế giới.
Cấy ghép phổi từ người cho còn nhiều khó khăn
Ghép phổi là một phẫu thuật khó, thường được thực hiện cho người bệnh phổi tiến triển nặng mà không thể cải thiện bằng bất cứ phương pháp điều trị nào khác và có kỳ vọng sống từ 12 - 24 tháng khi không có ghép. Ngoài ra, ghép phổi cũng có thể được cân nhắc ở những trường hợp mà tình trạng suy hô hấp ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sống của người bệnh.
Hiện tại, theo danh sách của Mạng lưới chia sẻ tạng (UNOS) có 1.455 người đang chờ được ghép phổi. Nhưng ngay cả đối với những người đứng đầu danh sách này thì thực hiện các bước để có 1 hoặc 2 lá phổi ghép là rất khó khăn, trong khi đó, việc cấy ghép không được đảm bảo thành công và lá phổi chưa chắc đã hoạt động hòa hợp với cơ thể mới. Bên cạnh đó, hầu hết người bệnh chờ ghép phổi đều đang mắc bệnh nặng nên việc uống các thuốc ức chế miễn dịch để chống thải ghép có thể gây nguy hiểm đáng kể. Đó là chưa kể đến việc phổi của người hiến tặng phải được sửa đổi để phù hợp với người nhận, đòi hỏi những yêu cầu rất khắt khe.
Mặc dù ưu điểm chính khi ghép phổi từ người hiến là phổi ghép có sẵn đầy đủ các mạch máu nhưng số người mắc bệnh phổi cần ghép ngày càng tăng trên toàn thế giới và số lượng tạng ghép có sẵn luôn luôn khan hiếm đã thôi thúc các nhà khoa học của Đại học Texas tìm kiếm phương pháp mới như “nuôi” phổi với mục tiêu cuối cùng là cung cấp lựa chọn mới cho người cần ghép tạng.
Các bước nuôi tế bào phổi lợn để cấy ghép.
Nuôi phổi mới thế nào?
Ý tưởng về nuôi phổi mới hay còn gọi là phổi sinh học đã từng được thực hiện trên động vật nhỏ nhưng đều thất bại do không tạo ra được các mạch máu nuôi dưỡng phổi. Đây cũng là khó khăn lớn nhất khi các nhà khoa học Mỹ tiến hành thử nghiệm trên lợn trong việc bắt chước các mạch máu cực kỳ phức tạp của phổi hữu cơ. Do đó, với 4 con lợn đã được ghép phổi sinh học thành công, nhóm nghiên cứu tại Đại học Texas cuối cùng cũng có thể tìm ra một phương pháp cho phép các mạch máu tinh tế này phát triển và hoạt động ở người nhận.
Để làm được điều này, họ sử dụng phổi từ những con lợn không có trong nghiên cứu để làm khung hoặc hình dạng cơ bản của phổi mới và sau đó sử dụng các tế bào từ mỗi động vật trong nghiên cứu để phát triển phổi mới thích nghi hoàn toàn với cơ thể. Tuy nhiên, bộ khung phổi là yếu tố rất quan trọng để xây dựng phổi mới chứa tất cả các bộ phận cấu thành và chỉ hoạt động tốt nhất khi được tạo ra từ các protein phổi. Ngoài ra, nếu còn bất kỳ vết tích nào của phổi lợn cũ thì cơ quan mới có thể bị từ chối. Vì vậy, các nhà khoa học đã làm sạch các tế bào khung, rửa chúng trong hỗn hợp đường và chất tẩy rửa để chỉ các protein còn lại. Sau đó, họ đặt khung phổi này vào dung dịch gồm các tế bào và chất dinh dưỡng của lợn nhận. Trong 30 ngày, họ quan sát cẩn thận từng giai đoạn phổi phát triển. Khi đạt được độ hoàn chỉnh, họ sẽ ghép phổi nuôi mới vào lợn bệnh và trong cơ thể mới, phổi tiếp tục phát triển mạng lưới mạch máu nuôi dưỡng. Kết quả, ngay sau ghép 2 tuần, các nhà khoa học đã thấy rằng những mầm mống mạch máu mà họ gieo trồng đã phát triển thành những mạng lưới mạnh mẽ để mang máu qua phổi. Họ tiếp tục theo dõi những con lợn này trong 10 giờ, 2 tuần, 1 tháng, 2 tháng sau khi thực hiện cấy ghép đã nhận thấy rằng phổi ghép không chỉ hoạt động tốt mà còn tiếp tục cải thiện mỗi ngày khi phổi không có dấu hiệu phù (là dấu hiệu của mạch máu không đủ mạnh để mang máu qua phổi) và đặc biệt, cơ thể sẽ cung cấp tất cả những vật liệu mà phổi mới cần chứ không phải truyền bất kỳ yếu tố tăng trưởng nào.
Triển vọng thực hiện trên người còn bao xa?
Với thành công trên lợn, phổi mới có thể bão hòa hoàn toàn oxy, không bị thải ghép do được nuôi dưỡng bằng chính tế bào của lợn bệnh. Các nhà khoa học cho rằng với nguồn tài chính phù hợp, phổi mới mà họ thành công trên lợn có thể được “nuôi trồng” cho con người để sử dụng trong các nghiên cứu trong vòng 5 - 10 năm nữa. Tuy nhiên, trước khi thử nghiệm với người thì phương pháp này vẫn cần tiếp tục được thực hiện, theo dõi trên động vật để chứng minh phổi mới thực sự sống được trong cơ thể người bệnh.