Một nghiên cứu của nhóm tác giả Khoa Ngoại bụng, Bệnh viện quân y 103 cho thấy, việc nuôi ăn sớm cho bệnh nhân sau phẫu thuật cắt đoạn dạ dày do ung thư là an toàn, khả thi, giúp bệnh nhân hồi phục nhanh, giảm ngày điều trị tại viện.
Thông tin trên được báo cáo tại hội nghị khoa học điều dưỡng do BV quân y 103 tổ chức tháng 12/2015. Theo đó, nhóm nghiên cứu gồm: PGS.TS. Nguyễn Văn Xuyên, ThS. Hồ Chí Thanh, CN Trần Tuấn Anh (khoa Ngoại bụng, BV quân y 103) và BS. Trương Thị Thư (Học viện quân y).
Nghiên cứu tiến hành trên 90 bệnh nhân ung thư 1/3 dưới dạ dày được phẫu thuật cắt đoạn dạ dày nội soi, chia làm 2 nhóm: nuôi ăn sớm (qua ống thông dạ dày) và nuôi đường tĩnh mạch. Bệnh nhân nhóm nuôi ăn sớm có chế độ ăn sữa qua sonde dạ dày từ ngày đầu sau mổ đến khi có trung tiện. Kết quả sau mổ, tình trạng bụng, trung tiện, biến chứng giữa 2 nhóm không có sự khác biệt, thậm chí nhóm nuôi ăn sớm còn rút ngắn được số ngày nằm điều trị sau mổ so với nhóm nuôi đường tĩnh mạch, giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng sau mổ.
Được biết, ung thư dạ dày là bệnh lý ác tính hàng đầu trong ung thư đường tiêu hóa, điều trị chủ yếu bằng phẫu thuật. Mỗi năm tại khoa Ngoại bụng BV quân y 103 có khoảng 300 bệnh nhân ung thư dạ dày được phẫu thuật, phần lớn bệnh ở giai đoạn tiến triển, cơ thể suy kiệt. Nuôi dưỡng có vai trò quan trọng trong điều trị bệnh nói chung và điều trị ngoại khoa nói riêng vì bệnh nhân phải vượt qua cuộc phẫu thuật, mất máu, mất thể dịch. Có 2 đường nuôi dưỡng chính là nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch và qua đường ruột. Nhiều nghiên cứu cũng đã so sánh hiệu quả 2 phương pháp này và thấy rằng nuôi dưỡng qua đường ruột mang lại giá trị dinh dưỡng và hiệu quả tốt hơn đường tĩnh mạch. Tuy nhiên, quan điểm trước đây không cho bệnh nhân ăn qua đường tiêu hóa trong giai đoạn sau phẫu thuật, bệnh nhân phải nhịn ăn và nuôi dưỡng hoàn toàn bằng đường tĩnh mạch cho đến khi có trung tiện. Việc này đòi hỏi một chi phí lớn cho điều trị do phải bù đủ đạm, nước, điện giải và đảm bảo đủ lượng calo cần thiết để nuôi dưỡng cơ thể. Hơn nữa một số bệnh nhân có thời gian trung tiện muộn, thời kỳ liền vết thương kéo dài nguy cơ suy dinh dưỡng càng tăng cao.