Hà Nội

Nước xương hầm và những điều có thể bạn chưa bao giờ được biết

14-04-2022 15:13 | Dinh dưỡng
google news

SKĐS - Cách đây 20.000 năm trước công nguyên, nước xương hầm đã trở thành món ăn ở trên nhiều quốc gia. Vậy nước xương hầm có tốt cho sức khỏe và nên ăn với liều lượng như thế nào?

Nước xương hầm có tốt không là băn khoăn của rất nhiều người, đặc biệt là những người nội trợ, các bà mẹ nuôi con... 

1. Nước xương hầm là món ăn truyền thống ở nhiều quốc gia

Một số nhà nhân chủng học còn phát hiện ra rằng, từ thời tiền sử, con người đã biết thu nhặt lại xương của những con vật đã chết do sói hoặc các động vật săn mồi khác tấn công, sau đó họ bỏ đi phần xương bên ngoài và lấy phần tủy giàu dinh dưỡng bên trong.

  • Ở Đan Mạch và Đức, gà mái thường được giữ riêng lại để nấu canh gà.
  • Ở Nhật Bản sử dụng nước xương hầm làm canh Miso
  • Ở Hy Lạp, trứng được đánh với chanh và thêm nước  gà hầm vào  được coi là một bài thuốc để chữa trị cảm lạnh hoặc  lạnh bụng.
  • Ở Ấn Độ, nước hầm gà được bày bán ven đường vào mùa đông và được chế biến dưới nhiều dạng khác nhau.
  • Nước canh gà cũng là một món ăn truyền thống của người Do Thái và có một tên gọi khác đó là "penecillin của người Do Thái" do có nhiều công dụng trong điều trị và phòng ngừa bệnh.
  • Trong ẩm thực Mỹ, canh gà được chế biến bằng cách sử dụng loại gà mái già, loại gà mái này nếu rang hoặc luộc thì thịt sẽ rất dai và cực lâu chín do vậy món hầm gà vẫn là cách chế biến ngon hơn cả. Ngày nay có nhiều loại nước gà hầm đóng hộp nhưng giá trị dinh dưỡng  không cao như nước gà tự hầm từ nguyên liệu tươi.
  • Còn ở Việt Nam, nước xương bò, xương gà, xương lợn… được sử dụng rất nhiều để chế biến các món đặc trưng như phở, bún, cháo, canh….
Nước xương hầm có tốt cho sức khỏe? - Ảnh 2.

Nước xương hầm là món ăn ở trên nhiều quốc gia

2. Một số loại chất dinh dưỡng có trong nước hầm xương

2.1 Các khoáng chất có trong nước xương hầm 

  • Magie: tham gia vào rất nhiều phản ứng hóa học trong cơ thể, ví dụ như tạo ra protein, tham gia vào chức năng của các cơ bắp và dây thần kinh. Magie cũng được sử dụng để điều hòa huyết áp và đường huyết.
  • Canxi: Cần cho việc hình thành và duy trì bộ xương và răng chắc khỏe. Canxi cũng rất quan trọng cho các mạch máu và chức năng của cơ, thần kinh và giúp duy trì sự cân bằng của hormone.
  • Phospho: Cần trong việc sản xuất và lưu giữ năng lượng trong cơ thể, duy trì chức năng của cơ bắp.

2. 2 Các amino axit có trong nước xương hầm

Glutamine: Hỗ trợ cơ bắp và giúp loại bỏ các chất độc ra khỏi gan

Glycine: Củng cố các mô cơ bắp, hỗ trợ tiêu hóa và chức năng của hệ thần kinh trung ương. Glycine cũng là một chất chống oxy hóa.

Arginine: Tốt cho hệ miễn dịch, giúp mau liền da, và hỗ trợ sự phát triển của tóc và móng

Glucosamine: Tốt cho các khớp xương. Glucosamine đã được nghiên cứu về tác dụng nhiều mặt đối với bệnh viêm xương khớp tại đầu gối và được sử dụng như một biện pháp chữa trị căn bệnh này.

Proline: Tham gia sản xuất sụn, collagen, giúp cơ bắp và khớp xương phát triển.

Nước xương hầm có tốt cho sức khỏe? - Ảnh 3.

Trong quá trình hầm nước xương, bạn không nên cho quá nhiều muối có thể sẽ dẫn đến tăng huyết áp.

3. Lợi ích của nước xương hầm với sức khỏe

Xương động vật chứa  một lượng lớn các chất khoáng cũng như 17 axit amin khác nhau, collagen và gelatin. Mặc dù ở mỗi loại xương khác nhau có hàm lượng dinh dưỡng khác nhau, thời gian nấu và cách nấu khác nhau nhưng đều chứa các chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe.

3.1  Giúp làn da khỏe đẹp

Trong nước xương đặc biệt nếu hầm cùng với da động vật thì sẽ có nhiều keratin, collagen và GAGs. Collagen giúp cải thiện được độ đàn hồi của da và cải thiện độ ẩm cho da.

Da có hai lớp biểu bì và hạ bì. Lớp biểu bì là lớp ở trên cùng có chứa keratinocytes  có chức năng bảo vệ cho da khỏi các tác nhân gây bệnh. Lớp dưới là hạ bì, bao gồm rất nhiều các collagen phức tạp cùng với GAGs (là một carbonhydrat phức hợp có thể tham gia vào nhiều quá trình của cơ thể) giúp cấu tạo nên da và hỗ trợ dinh dưỡng.

Collagen được sử dụng rộng rãi trong y học để tăng cường, tái tạo mô và chữa lành các vết thương. Một nghiên cứu trên chuột nhận thấy rằng nếu chế độ ăn giàu gelatin ( một loại protein được chiết xuất từ collagen) sẽ giúp giảm thiếu các tác hại của tia UV với da.

GAGs cũng  có nhiều lợi ích với da. Axit hyaluronic được chứng minh là có tác dụng thúc đẩy sự tăng sinh tế bào và làm tăng sự hiện diện của axit retinoic, giúp cải thiện độ ẩm của da, chữa lành vết thương và phục hồi tế bào.

3.2 Nước xương hầm tốt đối với tim mạch và các hoạt động chuyển hóa cơ thể

Trong nước xương hầm có nhiều glycine. Glycine tham gia vào quá trình trong việc điều hòa đường máu thông qua gluconeogenesis, sản xuất glucose ở gan. Glycine cũng được chứng minh là làm giảm tần suất các cơn đau tim.

Hơn thế nữa glycine giúp cân bằng lượng methionine lấy vào. Những người ăn nhiều protein động vật cần đủ glycine để cân bằng methionin từ thịt. Do đó việc ăn nước xương hầm  rất có tác dụng đối với quá trình chuyển hóa trong cơ thể và tốt cho tim mạch.

Nước xương hầm có tốt cho sức khỏe? - Ảnh 5.

Bạn nên ăn khoảng 200-350ml nước hầm xương, khoảng 2-3 lần/tuần là đủ

3.3 Giúp hệ cơ khỏe mạnh

Glycine trong nước xương hầm cũng đóng cai trò quan trọng trong việc tổng hợp lên hemoglobin và myoglobin là hai protein quan trọng để vận chuyển oxy từ máu đến các mô cơ.

Glycine cũng làm tăng lượng creatin dẫn đến viêc tăng khả năng tập luyện những bài tập cường độ cao và kích thích bài tiết hormone  tăng trưởng - tham gia vào quá trình phục hồi cơ bắp.

3.4 Tốt cho xương khớp

 Nước dùng xương có chứa những nguyên liệu xây dựng lên bộ xương chắc khỏe như: canxi, phospho, amino axit và nhiều thứ khác. Thiếu hụt những nguyên liệu này có thể dẫn đến một số bệnh lý về xương khớp. Ví dụ như loãng xương có liên quan dến nồng độ collagen và canxi trong xương. Tất nhiên là bạn cũng cần những dưỡng chất để tham gia vào quá trình tạo xương như vitamin D, K2 và C.

Đối với khớp để hoạt động tốt cần có dịch khớp mà thành phần chính có trong đó là GAG. GAG giúp các khớp hoạt động một cách linh động, nhẹ nhàng và không gây đau. GAG không phải là chất duy nhất trong nước xương giữ cho khớp hoạt động trơn tru, người ta thấy rằng bổ sung collagen cũng làm giảm đau khớp ở vận động viên.

3.5 Giúp đường ruột khỏe mạnh

Đường ruột khỏe mạnh có chứa một lớp tế bào biểu mô tạo ra chất nhày và là nơi cư trú của hệ vi sinh đường ruột vô cùng phong phú. 

Nước xương hầm sẽ giúp cho bạn có một đường ruột khỏe mạnh. Gelatin có trong xương hấp thu nước giúp duy trì lớp chất nhày giữ cho các vi khuẩn ở nguyên bề mặt  ruột. Gelatin và glycine cũng được chứng minh có khả năng chống lại sự hình thành các vết loét, duy trì sự toàn vẹn của niêm mạc ruột và hàng rào bảo vệ ruột.

Nước xương hầm có tốt cho sức khỏe? - Ảnh 6.

3.6 Nước xương hầm tốt cho hệ tiêu hóa

Nước xương hầm có rất nhiều lợi ích với hệ thống đường ruột. Glycine kích thích sản xuất ra các axit  dạ dày cần thiết cho sự tiêu hóa thức ăn.

Glycine cũng là thành phần quan quan trọng của axit mật - giúp tiêu hóa chất béo ở ruột non. Axit mật rất quan trọng trong việc duy trì mức cholesterol bình thường trong máu. Sự có mặt của gelatin cũng giúp ruột hấp thu được  nước, hỗ trợ cải thiện nhu động ruột. Lượng collagen thấp cũng dẫn đến tình trạng viêm ruột.

4.Nên dùng bao nhiêu nước xương hầm?

Nước hầm xương có nhiều dưỡng chất và tốt cho sức khỏe, tuy nhiên lượng ăn bao nhiêu trong tuần và ăn như thế nào để đảm bảo  sức khỏe, tránh ăn dư thừa là điều mà mọi người cần phải quan tâm.

Bạn nên ăn khoảng 200-350ml nước hầm xương, khoảng 2-3 lần/tuần là đủ để có được đầy đủ những lợi ích về mặt sức khỏe và dinh dưỡng. Bạn cũng nên trao đổi với bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng về việc sử dụng nước hầm xương sao cho phù hợp với thể trạng của cơ thể mình.

Lưu ý, trong quá trình hầm nước xương, bạn không nên cho quá nhiều muối có thể sẽ dẫn đến tăng huyết áp.

Chuyên gia hướng dẫn cách bổ sung kẽm cho trẻ bằng thực phẩm hằng ngàyChuyên gia hướng dẫn cách bổ sung kẽm cho trẻ bằng thực phẩm hằng ngày

SKĐS - Cơ thể trẻ lớn lên và phát triển là nhờ sự nhân lên của các tế bào kẽm. Các biểu hiện của thiếu kẽm rất thầm lặng, khó chẩn đoán và dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Kẽm không tồn tại trong cơ thể dưới dạng dự trữ. Vì vậy, cần bổ sung thường xuyên, hằng ngày thông qua thực phẩm.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Món ăn bổ dưỡng từ thịt gà


Bs. Liên Hương
Viện Y học Ứng dụng Việt Nam
Ý kiến của bạn