Nước vào tai khi tắm gội

01-07-2008 09:56 | Tin nóng y tế
google news

Con trai tôi được 10 tháng tuổi. Do thời tiết mùa hè nóng nực nên ngày nào tôi cũng tắm gội cho cháu. Có lần khi gội đầu cháu bị nước chảy vào tai, sau đó tôi thấy cháu cứ nghẹo đầu (bên tai bị nước vào) và dụi vào tai.

Con trai tôi được 10 tháng tuổi. Do thời tiết mùa hè nóng nực nên ngày nào tôi cũng tắm gội cho cháu. Có lần khi gội đầu cháu bị nước chảy vào tai, sau đó tôi thấy cháu cứ nghẹo đầu (bên tai bị nước vào) và dụi vào tai. Tôi băn khoăn không biết có phải do cháu bị nước vào tai không? Nếu nước chảy vào tai như thế có gây bệnh gì cho tai không và biện pháp phòng tránh như thế nào?

Nguyễn Thị Tám (Quảng Ninh)

Nước vào ống tai ngoài trong khi tắm gội hay bơi lội là vấn đề thường gặp. Nếu nước vào tai ít, chỉ cần nghiêng đầu, kéo vành tai xuống lắc lắc là nước sẽ ra ngoài, phần nước còn lại sẽ được hấp thu bởi tổ chức dưới da của ống tai ngoài.

Nước vào ống tai sẽ gây cảm giác buồn buồn, ù tai làm cho khó chịu.

Bệnh viêm ống tai ngoài sẽ xuất hiện nếu sau khi bị nước vào tai mà lau chùi nhiều, lớp biểu bì bảo vệ ống tai bị tổn thương làm vi khuẩn xâm nhập vào ống tai ngoài gây viêm ống tai, biểu hiện giai đoạn đầu là ngứa rồi đau nhức ngày càng tăng. Lúc này cần điều trị kháng sinh tại chỗ hoặc toàn thân tùy theo mức độ và do bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng quyết định.

Xuất hiện triệu chứng ù tai nếu có sẵn nút dáy tai. Khi nước vào, nút dáy tai đang khô gặp nước sẽ nở ra chèn ép ống tai ngoài gây ù tai, nghe kém và đau tai. Nếu màng nhĩ bị thủng sẵn do viêm tai giữa, khi tắm nước vào tai sẽ gây viêm tái phát. Lúc này biểu hiện bằng chảy mủ tai vàng xanh, ù tai, giảm mức độ nghe.

Phòng tránh: Có thể nút ống tai ngoài khi bơi lội hoặc khi tắm. Với trẻ nhỏ khi tắm để đầu hơi ngửa, đổ nước dần vào từng bên đầu khi gội để tránh nước vào ống tai.

Nếu thấy nước vào ống tai chỉ cần nghiêng tai và kéo vành tai xuống dưới rồi lắc nhẹ, nước sẽ chảy dần ra. Nếu dùng biện pháp đó mà vẫn cảm thấy nước vẫn còn trong ống tai, dùng một miếng bông khô đặt ở cửa tai để hút nước từ ống tai ra, không được lau hay ngoáy tai. Nếu vẫn thấy khó chịu phải đến bác sĩ tai mũi họng khám.

ThS. Phạm Bích Đào


Ý kiến của bạn