Nước Úc với chiến lược đưa cán bộ y tế về vùng sâu, vùng xa

16-03-2010 8:10 AM | Thời sự

Chương trình hỗ trợ cán bộ y tế chuyên khoa về nông thôn của Úc hướng đến 3 mục tiêu: Tăng cường cung cấp dịch vụ y tế chuyên khoa theo nhu cầu của người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa;

LTS: Đề án 1816 của Bộ trưởng Bộ Y tế được triển khai sâu rộng trong khắp cả nước được gần 2 năm. Qua thời gian thực hiện đã thu được kết quả tốt, số người bệnh phải chuyển viện lên tuyến trên ngày càng giảm. Ở nước Úc, kinh tế phát triển hơn nước ta, nền y tế đã phát triển mạnh, tuy vậy từ năm 2000, Chính phủ nước này đã đầu tư kinh phí để thực hiện Chương trình Hỗ trợ cán bộ y tế chuyên khoa về nông thôn (Medical Specialist Outreach Asisstance Program) nhằm tăng khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng cho người dân ở vùng nông thôn và vùng sâu, vùng xa của nước này. Từ tháng 7/2008, Chính phủ Úc đã cam kết cung cấp thêm kinh phí trong 3 năm nhằm mở rộng diện các chuyên khoa tham gia chương trình. Báo SK&ĐS xin trân trọng giới thiệu kinh nghiệm hỗ trợ cán bộ y tế chuyên khoa về nông thôn của Úc để bạn đọc cùng tham khảo.

Lựa chọn đúng

Chương trình hỗ trợ cán bộ y tế chuyên khoa về nông thôn của Úc hướng đến 3 mục tiêu: Tăng cường cung cấp dịch vụ y tế chuyên khoa theo nhu cầu của người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa; Hỗ trợ thầy thuốc chuyên khoa về vùng nông thôn cung cấp các dịch vụ khám chữa bệnh tại những địa bàn hiện chưa có; Tạo điều kiện để cán bộ y tế địa phương và thầy thuốc chuyên khoa chia sẻ kiến thức, kỹ năng nhằm giúp cán bộ y tế tại chỗ tiếp tục hỗ trợ bệnh nhân trong điều trị sau khi các thầy thuốc chuyên khoa rời khỏi địa bàn...

Để Chương trình thành công, Úc thành lập Ban cố vấn quốc gia tại Trung ương, thành phần gồm: đại diện của Hội chuyên ngành TW, đại diện của một số vụ chức năng thuộc Bộ Y tế, đại diện của các hiệp hội khác có liên quan. Thành viên của Ban cố vấn phải nắm rõ mục tiêu của Chương trình và phải am hiểu thông tin về thực trạng cung cấp dịch vụ CSSK tại vùng sâu, vùng xa.

Tại mỗi ban thành lập Tổ tư vấn, thành phần gồm có: đại diện của hội chuyên ngành thuộc bang, đại diện của cơ quan quản lý nhà nước về y tế tại bang, đại diện Hội thầy thuốc đa khoa địa phương, đại diện của các bệnh viện trong bang và đại diện của cộng đồng. Ngoài ra, tại mỗi bang còn thành lập một đơn vị giữ quỹ do Bộ Y tế lựa chọn (có thể là một tổ chức, cũng có thể là một hội nào đó thuộc ngành y).

 Bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai (bên phải) đang chuyển giao kỹ thuật cho thầy thuốc Bệnh viện Nghĩa Lộ tỉnh Yên Bái.  Ảnh: Hương Giang

Xác định nhu cầu của địa phương cần hỗ trợ

Là khâu đặc biệt quan trọng và là kinh nghiệm thực hiện thành công chương trình của Úc. Bộ Y tế, với sự hỗ trợ của Ban cố vấn Trung ương và Tổ tư vấn của mỗi bang hàng năm đều xác định và công bố rộng rãi danh sách các địa phương hoặc nhóm các địa phương theo thứ tự cần ưu tiên hỗ trợ đối với từng chuyên khoa. Để xác định được bản danh sách này, Ban cố vấn Trung ương và Tổ tư vấn bang phải phân tích các khoảng trống trong cung ứng dịch vụ y tế theo chuyên khoa tại từng địa phương, xác định các loại hình dịch vụ cần cung cấp và nghiên cứu khả năng lồng ghép nguồn lực của Chương trình với các chương trình hỗ trợ y tế cho vùng sâu, vùng xa và nông thôn khác.

Các địa phương được xét hỗ trợ phải là địa phương thuộc vùng sâu, vùng xa theo tiêu chí của hệ thống phân loại chuẩn của quốc gia và phải có đủ điều kiện về nhân lực để phối hợp với bác sĩ chuyên khoa triển khai được dịch vụ tại chỗ. Mỗi năm, sau khi đã xác định được danh sách này, Bộ Y tế sẽ  thông báo công khai trên website của Bộ để thu hút sự quan tâm đáp ứng của các cá nhân/tổ chức chuyên khoa. Cá nhân/tập thể quan tâm sẽ dựa vào thông báo trên để xây dựng đề xuất kế hoạch hỗ trợ và gửi nộp cho các cơ quan chức năng.  Người nộp bản đề xuất có thể là thầy thuốc chuyên khoa hoặc đại diện của tổ chức/đơn vị có quan tâm đến việc cung cấp dịch vụ chuyên khoa cho những vùng khó khăn có sử dụng nguồn kinh phí do Chính phủ tài trợ. Cá nhân/tổ chức/đơn vị nộp đề xuất sẽ được Đơn vị giữ quỹ của Chương trình tại mỗi bang hướng dẫn viết đề xuất theo mẫu chuẩn nhằm đảm bảo đáp ứng được các yêu cầu cơ bản trước khi chuyển đến Ban cố vấn xét duyệt.

Sau khi bản đề xuất được chấp thuận, Đơn vị giữ quỹ sẽ ký hợp đồng với cá nhân/tổ chức. Từng cá nhân sẽ ký bản thỏa thuận với Chính phủ về vùng sâu, vùng xa làm việc theo thời gian, địa điểm sau khi đã có sự đồng thuận. Trong mỗi đợt được điều động, mỗi thầy thuốc có thể đến một hoặc nhiều địa phương. Trong một năm, mỗi thầy thuốc có thể về địa phương từ một đến hơn 10 đợt. Thời gian cung cấp mỗi dịch vụ chuyên khoa tại từng địa phương dài hay ngắn tùy thuộc vào các yếu tố: nhu cầu của địa phương, kinh phí của Chương trình, chất lượng cung ứng dịch vụ tại địa phương, khả năng tự cung cấp tài chính của địa phương (không cần đến tài trợ của Chính phủ) và khả năng thu xếp về thời gian làm việc ở tuyến dưới của thầy thuốc chuyên khoa.

Kinh phí hỗ trợ của Chính phủ cho Chương trình này bao gồm: chi phí đi lại, tiền ăn, ngủ tại địa phương, thuê và vận chuyển thiết bị, cơ sở vật chất (nếu cần), tiền lương trong thời gian về địa phương công tác, chi phí hành chính liên quan. Đối với kíp đi kèm (nếu địa phương không có cán bộ), Chương trình chỉ chi trả chi phí đi lại. Chương trình không chi trả tiền lương cho êkíp đi kèm vì theo quy định chung, địa phương phải chịu trách nhiệm bố trí nhân lực hỗ trợ thầy thuốc/bác sĩ chuyên khoa về tác nghiệp tại địa phương.

Về theo dõi giám sát, mỗi thầy thuốc được điều động trong thời gian công tác tại địa phương có trách nhiệm phải báo cáo với các đơn vị chức năng về kế hoạch công tác đã được phê duyệt, kết quả công tác và các khó khăn gặp phải. Bộ Y tế cùng các đơn vị chức năng tiến hành kiểm tra định kỳ với các dịch vụ chuyên khoa được cung cấp tại địa phương nhằm đảm bảo Chương trình triển khai có hiệu quả. 

Minh Hạnh - Mỹ Hạnh
(Viện Chiến lược và Chính sách y tế, Bộ Y tế)

Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ: HOẠT ĐỘNG CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH THÔNG TIN Y TẾ 63 TỈNH, THÀNH