Vì vậy, có rất nhiều trang mạng đã rao bán các công thức pha chế nước khử trùng tay. Tuy nhiên, các chuyên gia khẳng định, việc tự làm chất khử trùng tay có thể gây hại...
Dịch COVID-19 do virus SARS-CoV-2 đã lây lan nhanh chóng ra nhiều nước trên toàn thế giới. Trước đại dịch này, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo rằng cách tốt nhất để bảo vệ chính bạn là thường xuyên rửa tay trong vòng ít nhất 20 giây; trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi hắt hơi hoặc ho. Lựa chọn tốt thứ hai là sử dụng nước rửa tay với ít nhất 60% cồn, đặc biệt là khi không có xà phòng và nước. Tuy nhiên, ở nhiều nước đã xảy ra tình trạng thiếu nước khử trùng tay.
Chính vì nguồn cung cấp nước khử trùng tay có thể cạn kiệt, nên rất nhiều trang mạng đã rao bán các công thức khử trùng tay. Tuy nhiên các chuyên gia khẳng định, việc tự làm chất khử trùng tay có thể gây hại.
Tự chế nước sát khuẩn tay nhanh có thể không an toàn.
Tỷ lệ các thành phần thiếu chính xác
Theo tiêu chuẩn của FDA - Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ, các dòng nước rửa tay khô thường có thành phần bao gồm hóa chất ethanol, deionized, sodium lactate và các hương liệu... Trong đó, ethanol là thành phần cơ bản có khả năng giết chết vi sinh vật, vi khuẩn bằng cách làm biến đổi tính chất của lớp vỏ bọc protein khiến virus tê liệt, ngưng hoạt động.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phổ biến rộng rãi phương thức điều chế gel rửa tay khô trên website. Theo đó, để có được 500ml dung dịch sát khuẩn cần có 415ml cồn y tế 96% (cồn ethanol); 20ml oxy già 3%; 7,5ml glyxerin 98%; 55ml nước cất hoặc nước đun sôi để nguội không có cặn bẩn. Song, việc chế tạo thuốc khử trùng tay không được khuyến khích. BS. Neha Vyas, Bệnh viện Cleveland nhấn mạnh: Không nên tự làm chất khử trùng tay bởi một công thức cho chất khử trùng tay phải đáp ứng đủ tất cả các tỷ lệ chính xác. Với các cá nhân riêng lẻ lại càng khó thực hiện vì rất có thể xảy ra sai sót trong quá trình thực hiện. Pha chế, sản xuất chất khử trùng tay phải được thực hiện trong các phòng thí nghiệm tiêu chuẩn.
Bên cạnh đó, WHO cũng khuyến cáo dung dịch này chỉ dùng khi không có cơ hội sử dụng các loại xà phòng và nước. Bởi chất lượng của dung dịch sát khuẩn tự chế vẫn tồn tại khuyết điểm như khó kiểm soát nồng độ cồn của thành phẩm cuối cùng, có thể dẫn đến viêm da nếu sử dụng lâu dài.
Có thể không an toàn
Nước khử trùng tay là để khử trùng và giữ vệ sinh, chính vì vậy các công cụ sản xuất cũng phải vệ sinh. Các chuyên gia cho hay, nếu không sử dụng các công cụ vệ sinh, sạch khuẩn, sản phẩm cuối cùng có thể bị ô nhiễm. Ngoài việc sử dụng các sản phẩm chính xác và sạch, theo công thức khử trùng tay được WHO khuyến nghị, các cơ sở sản xuất phải có máy lạnh và không có bất kỳ ngọn lửa nào (ethanol và cồn isopropyl rất dễ cháy).
Bên cạnh đó, tất cả các sản phẩm khử trùng tay được bán trên thị trường đã được kiểm tra về hiệu quả và mức độ an toàn. Trong khi đó, các công thức pha chế tại nhà không thể chắc chắn đã được kiểm chứng.
Các chuyên gia cho biết, công thức pha chế nước khử trùng tay của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) là cơ bản. Nếu ai cũng pha chế theo công thức này mà nguồn nguyên liệu không đảm bảo sẽ gây nguy hiểm. Chẳng hạn, nếu sử dụng cồn không đạt tiêu chuẩn dược dụng như cồn công nghiệp để pha chế có thể gây hại cho thị giác. Một số tạp chất nếu không kiểm soát được cũng có thể gây ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe. Việc lạm dụng dung dịch sát khuẩn cũng có thể gây hại cho sức khỏe. Theo Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm Hoa Kỳ, các chất hóa học khi rửa tay sẽ thẩm thấu qua da, theo máu vào thận và các cơ quan nội tạng khác có thể gây ung thư tuyến tụy, tuyến giáp, gan, da...
BS. Neha Vyas nhấn mạnh: Thời điểm này, nước khử trùng tay không phải là giải pháp duy nhất, tối ưu. Bạn có thể tự bảo vệ mình trước COVID-19 bằng nước sạch và xà phòng diệt khuẩn với chi phí rẻ và hiệu quả.