Hà Nội

Nước rút, các trường học ở Chương Mỹ (Hà Nội) tập trung dọn vệ sinh

29-09-2024 06:25 | Xã hội

Ngày 28/9, tranh thủ lũ trên các sông Tích, sông Bùi đang xuống, chính quyền xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) đã huy động lực lượng dọn vệ sinh một số trường học trên địa bàn bị ngập sâu trong nước nhiều ngày qua.

Nước rút, các trường học ở Chương Mỹ (Hà Nội) tập trung dọn vệ sinh- Ảnh 1.

Giáo viên, nhân viên Trường Mầm non Nam Phương Tiến dọn vệ sinh trường lớp sau nhiều ngày bị ngập sâu.

Thông tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, lúc 13 giờ ngày 28/9, mực nước sông Bùi tại Trạm Thủy văn Yên Duyệt (huyện Chương Mỹ) ở mức 6,48m, dưới báo động II là 2cm; sông Tích tại Trạm Thủy văn Vĩnh Phúc (huyện Quốc Oai) ở mức 7,59m, trên báo động 2 là 39cm. Dự báo, 13 giờ ngày 29/9, mực nước sông Bùi giảm thêm 28cm, sông Tích giảm thêm 19cm. Với tốc độ thoát lũ như trên, vùng trũng thấp, ven sông Bùi, đoạn huyện Chương Mỹ, Mỹ Đức có khả năng rút nước khoảng 1 ngày; sông Tích khoảng 1 - 2 ngày.

Theo dõi sát thông tin dự báo thời tiết, cùng với ghi nhận thực tế hàng ngày, chính quyền xã Nam Phương Tiến đã chỉ đạo các lực lượng địa phương tham gia hỗ trợ các nhà trường dọn dẹp, vệ sinh trường lớp trong hai ngày cuối tuần 28 và 29/9: Hội Liên hiệp Phụ nữ xã hỗ trợ Trường Trung học Cơ sở Nam Phương Tiến A; Đoàn Thanh niên hỗ trợ Trường Mầm non Nam Phương Tiến; Hội Nông dân hỗ trợ Trường Tiểu học Nam Phương Tiến A. Đây là các trường bị ngập nhiều ngày qua, học sinh phải đi học nhờ các trường lân cận.

Nước rút, các trường học ở Chương Mỹ (Hà Nội) tập trung dọn vệ sinh- Ảnh 2.

Giáo viên, nhân viên Trường Mầm non Nam Phương Tiến dọn vệ sinh trường lớp sau nhiều ngày bị ngập sâu.

Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Nam Phương Tiến A Nguyễn Bá Thắng cho biết, khu vực lớp học đã rút hết nước, song sân trường vẫn còn ngập khoảng 20 - 25cm. Với phương châm nước rút đến đâu dọn vệ sinh đến đó, các giáo viên, nhân viên của nhà trường đã khẩn trương dọn rửa, cọ nền nhà để vừa bảo quản cơ sở vật chất, vừa tránh tình trạng bùn đất bám lại, khó vệ sinh.

“Trên 200 học sinh của trường phải học nhờ Trường Trung học Cơ sở Tân Tiến nhiều ngày nay. Trước đó, nhà trường phải chuyển trạng thái sang học trực tuyến để đảm bảo chương trình, nhưng do có một số học sinh không đủ điều kiện thiết bị cũng như không có điện nên việc học trực tuyến không duy trì được. Nhà trường rất mong học sinh sớm được trở lại trường để việc dạy và học ổn định, nhất là học sinh cuối cấp”, thầy Nguyễn Bá Thắng chia sẻ.

Nước rút, các trường học ở Chương Mỹ (Hà Nội) tập trung dọn vệ sinh- Ảnh 3.

Giáo viên, nhân viên Trường Mầm non Nam Phương Tiến dọn vệ sinh trường lớp sau nhiều ngày bị ngập sâu.

Còn tại Trường Mầm non Nam Phương Tiến, các giáo viên, nhân viên và lực lượng địa phương đã dọn dẹp lớp học, khu vực nhà vệ sinh.

Hiệu trưởng Trường Mầm non Nam Phương Tiến Đỗ Thị Thanh Tâm cho biết, trường có hai điểm. Điểm trường chính bị ngập từ ngày 11/9, điểm phụ thuộc thôn Đồi Mít trên cao nên vẫn duy trì dạy học trực tiếp. Nhà trường đã tuyên truyền để phụ huynh ở điểm chính cho con đến học ở điểm phụ nhưng chỉ được một số em bởi có em theo gia đình di dời tới nhà văn hóa hoặc ở nhờ nhà người thân ở các thôn xã khác.

Nước rút, các trường học ở Chương Mỹ (Hà Nội) tập trung dọn vệ sinh- Ảnh 4.

Giáo viên, nhân viên Trường Mầm non Nam Phương Tiến dọn vệ sinh trường lớp sau nhiều ngày bị ngập sâu.

“Hôm nay chúng tôi dọn sạch trong lớp học, nếu ngày mai ngoài sân rút nước sẽ dọn ngoài sân. Ngã ba dẫn vào trường vẫn phải đi thuyền nên chưa biết bao giờ học sinh mới trở lại được. Ngày nào Ban giám hiệu cũng chèo thuyền đến trường, chỉ mong nước rút nhanh để cô trò lại được gặp nhau”, cô Đỗ Thị Thanh Tâm chia sẻ.

Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Chương Mỹ Nguyễn Hữu Thìn cho biết, Phòng đã yêu cầu các trường hàng ngày rà soát cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị dạy học để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các nguy cơ gây tai nạn thương tích cho học sinh. Khi nước rút, các trường khẩn trương dọn vệ sinh, khử khuẩn, chuẩn bị các điều kiện an toàn để đón học sinh

Bài và ảnh: Nguyễn Cúc (TTXVN)
Ý kiến của bạn