Hà Nội

Nước Pháp, 10 năm tình cũ

17-05-2014 08:00 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Chuyến tàu đưa tôi về miền Nam nước Pháp, nơi tôi được học tập trong môi trường y tế thuộc loại tốt nhất thế giới,

Thế là đã có visa trong tay, hạn dùng tới 3 năm, có thể ra vào Pháp nhiều lần. Thật hay, năm nay đúng là năm kỷ niệm 40 năm quan hệ Pháp -Việt, còn tôi tự tổ chức hoạt động của riêng mình là quay lại nước Pháp sau 10 năm.

Pyrenée, Pháp

Thành phố trên dãy núi Pyrenée hùng vĩ

Khác với mười năm trước, hành lý của tôi gọn gàng hơn nhiều, chưa đến 25kg, chứa toàn quà tặng của các cựu FFI trong bệnh viện của tôi gửi tặng bố mẹ nuôi Jean Pierre và Adrienne.

Nước Pháp là một quốc gia đã phát triển và ổn định. Tôi không thấy những bộn bề khói bụi hay máy móc của những công trường. Tất cả vẫn là những tòa nhà màu ghi xám, những căn hộ hay biệt thự màu vàng chanh nhưng đã lâu không được sơn sửa, nhuốm rêu phong của thời gian. Người Pháp luôn có ý nhường hay sẵn sàng giúp đỡ người già, phụ nữ, trẻ em và cả người nước ngoài nữa. Ngay ở những nơi đông đúc nhất người ta cũng không thấy chen lấn, hỗn loạn hay mất trật tự. Thói quen xếp hàng, lời cảm ơn, xin lỗi luôn sẵn sàng được thốt ra, thứ ngôn ngữ có nhiều âm mũi khiến cho ta cảm thấy an bình, thư giãn.

Bác sĩ người Pháp đang khám bệnh cho một bệnh nhi Việt Nam

Bác sĩ người Pháp đang khám bệnh cho một bệnh nhi Việt Nam

Chuyến tàu TGV vun vút lao đi đưa tôi về thành phố miền Nam nước Pháp nơi tôi đã được đào tạo lại khá căn bản trong một năm, được học tập và làm việc trong môi trường chăm sóc y tế thuộc loại tốt nhất thế giới, được làm quen với lịch sử, văn hóa, ẩm thực của bạn và thú vị nhất là có được những tình bạn xuyên thời gian, không gian, tuổi tác với các bạn Pháp. Nước Pháp đang ở thời khắc chuyển mùa từ xuân sang hè. Thiên nhiên như muốn bật tung tất cả để phô diễn sự đẹp đẽ và đáng yêu của nó.

Nông nghiệp của Pháp được thiên nhiên ưu đãi quá nhiều. Đất đen, đất nâu trồng cây gì cũng lên xanh tốt. Lúa mì xanh mơn mởn, những ruộng nho nối dài tít tắp mà gần như không thấy bóng dáng con người chăm sóc chúng. Thủy lợi, chăm bón đều tự động cả. Máy móc có mặt ở khắp mọi nơi. Tôi chạnh lòng nhớ tới câu đùa của anh bạn Georges: “Việt Nam tự hào vì đấu tranh với thiên nhiên để tồn tại còn chúng tôi - những người Pháp tự hào vì chỉ việc khai thác thiên nhiên để sống”.

Nước Pháp thơ mộng

Nước Pháp thơ mộng

Đúng lúc tôi mệt lả vì gần một ngày di chuyển bằng máy bay, tàu hỏa thì cũng là lúc tới nơi. Ga sau cùng, đích đến của tôi, thành phố Tarbes nhỏ bé, cách Toulouse 60km, nhìn ra dãy Pyrenée hùng vĩ. Thành phố gần như không đổi thay, cổ kính, ngăn nắp, sạch sẽ. Tôi ngậm ngùi nhận thấy rằng ngay cả ở những nơi xa xôi nhất của Pháp, nhà ga vẫn đầy đủ toilet thơm tho, một quầy báo và thông tin giờ tàu, một quán cà phê và ăn nhẹ. Người bạn già Jean Piere loạng choạng che mưa cho tôi kèm theo cái ôm thật chặt. Ông già thật rồi! Không thể nâng giúp vali cho tôi được nữa. Vẫn chiếc xe cũ, căn nhà cũ nhưng ấm sực tình người. Bữa ăn tối giản dị của cặp vợ chồng hưu trí đầy ắp những câu chuyện về những bác sĩ Việt Nam đã được họ cưu mang, giúp đỡ. Trong 17 năm ông bà đã đón tiếp gần 50 bác sĩ Việt Nam sang tu nghiệp tại Tarbes, Lourde, Auche, Toulouse... Nước mắt rưng rưng, nụ cười móm mém, họ mở những món quà của những đứa con Việt Nam mà tôi mang đến từ nửa vòng trái đất.

Khung cảnh hùng vĩ của Pyrenée, Pháp
Khung cảnh hùng vĩ của Pyrenée, Pháp

Thăm lại Bệnh viện Tarbes, tôi thấy rõ những khó khăn mà kinh tế cũng như y tế của bạn đang gặp phải. Kinh phí cho bệnh viện công đã cắt giảm đáng kể. Bệnh viện đã phải cắt giảm số giường nội trú, khu nhà ký túc xá và nhà ăn cho bác sĩ nội trú trông tiêu điều quá, bàn ghế nhựa vứt ngổn ngang. Một số bác sĩ cùng thời tôi ngày trước đã bỏ ra làm ngoài, một số khác đã nghỉ hưu. Trào lưu tiết kiệm chi tiêu công thể hiện ở khắp mọi nơi. Những công trình xây dựng dang dở. Trên TV, mặt báo, người ta bàn luận suốt về hy vọng thay đổi nhờ vị thủ tướng mới, cắt giảm chi phí cho giáo dục, nên hay không tư nhân hóa thêm các bệnh viện công... Nước Pháp vẫn còn rất giàu với chi tiêu công 1.200 tỷ euro/năm nhưng phải đối đầu với rất nhiều vấn đề cộm cán: người nhập cư, thất nghiệp, chi tiêu cho an sinh xã hội và y tế quá lớn. Nếu không thay đổi nền kinh tế đang đi xuống, có thể còn tồi tệ hơn. Người Pháp vẫn tôn thờ tự do, bình đẳng, bác ái nhưng không thể cưu mang mãi một bộ phận dân gốc Phi lười nhác, đẻ nhiều, ăn trộm vặt. Lớp thanh niên thích tự do, khoái hút thuốc và uống rượu nhưng thất nghiệp quá nhiều. Những người lớn tuổi luôn lo lắng cho tương lai, muốn phục hưng sức mạnh Pháp nhưng lớp trẻ chỉ biết tụ tập uống rượu, hút thuốc vặt và than vãn. Có 2 triệu người thất nghiệp nhưng có khoảng 800.000 công việc không ai chịu làm vì vất vả và... tầm thường. Đó là tất cả những rối bời, mâu thuẫn của nước bạn mà tôi cảm nhận được trong 10 ngày ở Pháp. Khi tôi hỏi Bernard - anh bạn y tá tại Bệnh viện Auch: “Làm thế nào để vượt qua khó khăn và trở về thời kỳ hưng thịnh như ngày xưa?”, anh tủm tỉm cười, đó là vấn đề lớn của đất nước nhưng với tao thì không đi ăn tiệm nữa, bỏ câu lạc bộ bơi thuyền, kiếm việc làm thêm sau khi về hưu... Ai cũng như Bernard thì nước Pháp sẽ lại mạnh mẽ như ngày nào.

Bác sĩ Philippe Collin, Khoa Nhi, Bệnh viện Việt Pháp đang thăm khám cho một em bé.

Bác sĩ Philippe Collin, Khoa Nhi, Bệnh viện Việt Pháp đang thăm khám cho một em bé.

Tất cả những người bạn cũ mà tôi gặp đều tự hào và nhớ mãi về những năm tháng tuyệt vời của sự hợp tác y học Pháp-Việt giai đoạn 1992-2012 với trên 2.000 bác sĩ được học tập tại Pháp. Với trên 2.000 sự biết ơn sâu sắc, ngần ấy tình yêu thương của những người con Việt Nam với những ông bố, bà mẹ Pháp, hàng chục nghìn giao lưu thầy trò và bạn bè thân thiết... nhất định sẽ góp phần quan trọng vào quan hệ Pháp- Việt vốn đã rất tốt đẹp và sẽ ngày càng tốt đẹp hơn.

Với tôi, nếu còn khỏe, khi tiết kiệm đủ tiền, còn hạn visa, tôi sẽ còn quay lại Pháp vì nhiều lý do rất đáng yêu.

BS. Hoàng Cương (BV Mắt TW)


Ý kiến của bạn