Chủ nghĩa dân tộc vắc-xin trỗi dậy
Để ngăn chặn đại dịch COVID-19, vắc-xin là “vũ khí” hữu hiệu nhất hiện nay. Tuy nhiên, nhiều người lại bỏ qua thông tin: để bảo vệ mọi người khỏi dịch bệnh COVID-19, tất cả những người có nguy cơ mắc bệnh ở mọi nơi trên thế giới đều phải được tiêm phòng.
Vào đầu năm nay, WHO đã cấp chứng nhận khẩn cấp đầu tiên cho vắc-xin Pfizer - BioNTech - loại được sử dụng tại Mỹ và Liên minh châu Âu, mang lại hy vọng chặn đứng dịch bệnh. Việc cấp phép này mở đường cho các quốc gia nghèo - những nước không có đủ phương tiện xác nhận chất lượng và hiệu quả vắc-xin, có thể đưa vắc-xin vào sử dụng nhanh chóng. Tất cả các quốc gia trên thế giới bước vào một “cuộc chạy đua” mới - cuộc chạy đua tiêm chủng vắc-xin.
Vắc-xin COVID-19 được các nước giàu đặt mua gấp nhiều lần nhu cầu.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, hiện nay có 42 quốc gia đang triển khai chương trình tiêm chủng phòng COVID-19, trong đó 36 nước là những nước có thu nhập cao và chỉ có 6 nước có thu nhập trung bình. “Có một vấn đề rõ ràng là hầu hết quốc gia có thu nhập thấp và trung bình chưa nhận được vắc-xin. Ngay từ đầu, các nước giàu đã mua phần lớn nguồn cung của nhiều loại vắc-xin”, ông Ghebreyesus cho hay. Thậm chí, nhiều nước còn đặt hàng vắc-xin lớn hơn cả dân số quốc gia cũng như nhu cầu của họ. Điều này cho thấy một thực tế là chủ nghĩa dân tộc về vắc-xin đang trỗi dậy. Người đứng đầu WHO cho rằng, chủ nghĩa dân tộc về vắc-xin đang làm tổn thương tất cả mọi người và nó sẽ làm trầm trọng thêm đại dịch.
Canada là một trong những điển hình, quốc gia này đã đặt hàng tới 7 nhà cung cấp vắc-xin với số lượng gấp 5 lần nhu cầu tiêm cho người dân. Theo thông tin của hãng tin AFP, các nước giàu có bao gồm cả Liên minh châu Âu (EU) đã mua đủ liều vắc-xin COVID-19 để bảo vệ người dân của họ, nếu tất cả các loại vắc-xin họ đặt hàng được chấp thuận sử dụng, có thể bảo vệ gấp 3 lần dân số hiện có của họ.
Liên minh vắc-xin cho mọi người (PVA), một cơ quan giám sát vắc-xin quốc tế, cho biết, các nước giàu đã đặt mua hết khoảng 80% nguồn cung vắc-xin ngừa COVID-19 được các hãng dược cho ra thị trường trong thời gian tới. Điều này buộc các nước đang phát triển phải chạy đua cho 20% thị phần còn lại. Trong khi đó, gần 70 quốc gia nghèo khó chỉ đủ khả năng tiêm chủng cho khoảng 10% dân số cho đến hết năm nay.
Theo PVA, tất cả các liều vắc-xin của Moderna và 96% của Pfizer /BioNTech đã được các nước giàu mua lại. Người đứng đầu WHO Ghebreyesus kêu gọi các nước giàu dừng “chen ngang” khi đặt mua vắc-xin và chấm dứt các thỏa thuận song phương với các nhà sản xuất. Ông cũng kêu gọi những nước đặt mua quá nhiều vắc-xin nên cung cấp và chia sẻ cho Cơ chế tiếp cận vắc-xin toàn cầu COVAX nhằm đảm bảo phân phối vắc-xin công bằng. Đã có 189 quốc gia và vùng lãnh thổ ký cam kết tham gia cơ chế này và đã huy động được hơn 2 tỷ USD để mua vắc-xin cho các nước nghèo nhất.
Thời điểm nguy hiểm của đại dịch
Lãnh đạo WHO cho biết, ở một số quốc gia, chúng ta đang chứng kiến con số tử vong cao nhất từng được ghi nhận từ trước đến nay. Nguyên nhân là do người dân thiếu tuân thủ khuyến cáo của ngành y tế ở quốc gia đó, dịch bệnh đã lây lan với tốc độ đáng báo động. “Đây là thời điểm nguy hiểm trong diễn biến của đại dịch và mọi người không nên quá tự mãn vì đã có vắc-xin”, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh. Thế giới đã vượt 90 triệu ca COVID-19, hơn 1,9 triệu người tử vong. Tại Đức vừa trải qua ngày có số ca tử vong cao nhất kể từ khi dịch bùng phát, tới gần 1.200 người. Một số nước châu Âu bắt đầu hạn chế nhập cảnh, Nhật Bản siết chặt kiểm soát biên giới. Một số nước Đông Nam Á, tình hình vô cùng nghiêm trọng như tại Thái Lan số ca mắc COVID-19 đã vượt 10.000 người, Philippines có gần 2.000 người mắc bệnh trong 24 giờ, đưa tổng số ca dương tính ở đây lên hơn 485.000 người...
Người đứng đầu WHO nhận định, đại dịch COVID-19 bước sang một giai đoạn mới mà “sự đoàn kết cần thiết hơn bao giờ hết”. Phản ứng đối với đại dịch này phải mang tính tập thể. Tất cả các nước trên thế giới đang sống trong sự liên kết và kết nối về kinh tế, xã hội, sẽ không có người nào được an toàn trừ phi tất cả mọi người được bảo vệ.