Nước Nga và một năm khủng hoảng trong quan hệ với phương Tây

27-12-2018 16:16 | Quốc tế

SKĐS - Nhìn lại năm 2018, trong bối cảnh các lệnh trừng phạt bủa vây nhưng Nga đã sớm thích ứng để phát triển kinh tế với GDP (tổng sản phẩm quốc nội) tăng 1,7%, lần đầu tiên từ năm 2011, Nga đạt thặng dư ngân sách. Tuy nhiên mối quan hệ giữa Nga với các nước phương Tây không có sự cải thiện nào, thậm chí còn gia tăng đối đầu căng thẳng.

Nước Nga vươn mình trong khó khăn

Năm 2018 là năm đáng nhớ của Tổng thống Nga V.Putin bởi đây là năm ông Putin lần thứ 4 đắc cử vị trí người lãnh đạo nước Nga, ông sẽ nắm quyền đến năm 2024.  Mặc dù đây là thời khắc khó khăn của nước Nga khi phải chống chọi với hàng loạt các lệnh trừng phạt kinh tế, sức ép từ bên ngoài, nhưng với tài  “thao lược” của mình, Tổng thống V.Putin đã đưa nước Nga đi vào thế ổn định,  với GDP đạt 1,7%, dự trữ vàng, ngoại tệ tăng và lần đầu tiên kể từ năm 2011 Nga đã đạt được thặng dư ngân sách; lạm phát được duy trì ở mức chấp nhận được.

Đáng chú ý tỷ lệ thất nghiệp của Nga giảm so với năm trước, so với các nước phương Tây tỷ lệ thất nghiệp tại Nga rất “đáng tự hào” chỉ 4,8%, khi EU hay Tây Ban Nha tỷ lệ thất nghiệp lên 15%.

Các biện pháp trừng phạt của phương Tây mà đi đầu là Mỹ cực kỳ khắc nghiệt, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế như trừng phạt ngân hàng, cấm các giao dịch nước ngoài, cấm viện trợ từ ngân sách cho các hoạt động liên quan tới Nga, cấm mua bán một số danh mục vũ khí…. Cứ mỗi cuộc đối đầu trên bàn ngoại giao là Mỹ lại sử dụng “vũ khí trừng phạt kinh tế”.  Dường như Liên minh châu Âu (EU) cũng học được cách làm này của Mỹ khi ban bố nhiều  biện pháp trừng phạt các cá nhân và hàng chục công ty của Nga trong nhiều năm qua. Chính những điều này đã tạo ra một “hàng rào” kìm hãm kinh tế.  Tuy nhiên trong “cái khó ló cái khôn”, người Nga đã tìm hướng vượt qua. Tổng thống Putin cho rằng, các lệnh trừng phạt buộc Nga phải động não suy nghĩ, phát triển theo nhiều hướng, hướng tới sản xuất phục vụ trong nước, các lĩnh vực sản xuất khác cũng được cải thiện.

Nước Nga và một năm khủng hoảng trong quan hệ với phương TâyTổng thống Nga đưa Nga vào thế ổn định trước cơn bão trừng phạt của phương Tây.

Quan điểm khác biệt, Nga – phương Tây lún sâu vào căng thẳng

Điểm lại những cuộc chiến ngoại giao giữa Nga và các nước phương Tây trong năm qua  cho thấy những kiểu “ăn miếng trả miếng” luôn thường trực  trong quan hệ Nga- phương Tây,  từ cuộc chiến ngoại giao cho tới những đụng độ trên thực địa ở Syria, các đòn cân não trong vụ đụng độ trên biển giữa Nga và Ukraine cũng kéo phương Tây vào cuộc chiến trừng phạt mới….

Có một điều lạ là các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, càng căng thẳng với phương Tây, Tổng thống V.Putin càng nhận được  sự ủng hộ của người Nga. Cuộc khủng hoảng  xung quanh vụ cựu điệp viên hai mang của Nga bị đầu độc tại Anh đã khiến  quan hệ Nga – Anh tụt dốc, kéo theo đó là một vòng xoáy trục xuất  các nhà ngoại giao qua lại giữa Nga và các nước phương Tây.

Mặc dù có những lúc quan hệ Nga Mỹ tưởng như sắp được cải thiện, nhưng  thực chất hai bên vẫn ở hai đầu chiến tuyến. Từ việc Mỹ rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran, các hiệp ước về phòng thủ tên lửa hay tiêu hủy tên lửa tầm trung… đều đi ngược với “mong muốn” của Nga.  Nga cho rằng, những động thái này của Mỹ sẽ dẫn tới một cuộc chạy đua vũ trang, thậm chí Tổng thống Nga còn dự báo “ sẽ dẫn tới một thảm họa toàn cầu”.  Vì Nga không muốn khởi động một cuộc đua như vậy mà chỉ muốn duy trì cân bằng lực lượng để đảm bảo an ninh quốc gia.

Vụ đụng độ trên biển giữa hải quân Nga và Ukraine, đưa quan hệ hai nước lên một mức căng thẳng mới, đưa Nga và Ukraine cận kề miệng hố chiến tranh, sau đó nhiều nước phương Tây ồ ạt công kích Nga. Liên minh Châu Âu (EU), Anh, Pháp, Ba Lan, Đan Mạch và Canada đều đồng loạt lên án cái mà họ gọi là sự "gây hấn" của Nga.

Nhận định về quan hệ giữa Nga với Mỹ hay Nga và các nước phương Tây, các nhà phân tích chính trị cho rằng năm 2019 sẽ là năm khó khăn hơn đối với Tổng thống Nga . Nếu không có một sự thay đổi nào về các lệnh  trừng phạt, nước Nga sẽ phải tiếp tục “gồng mình” để đứng vững trong bối cảnh các nước phương Tây “quay lưng”. Tuy nhiên, với chiến thắng của Nga ở Syria, trong cuộc chiến mà Mỹ đã rút lui, cho thấy Nga đang gia tăng lợi thế, nhất là ở khu vực Trung Đông.  Trong cơn “bĩ cực” Nga vẫn tìm cho mình một con đường để khẳng định tầm ảnh hưởng  của mình trên bản đồ địa chính trị thế giới.


Hải Yến (theo Bloomberg, Reuters, AP)
Ý kiến của bạn