Nước Nga đối mặt với chủ nghĩa khủng bố kiểu mới

25-04-2017 09:41 | Quốc tế
google news

SKĐS - Trong khi các chính khách Nga phê phán gay gắt châu Âu về chính sách nhập cư sai lầm dẫn tới sự gia tăng chủ nghĩa khủng bố, thì ở chính nước Nga, có thể, một nguy cơ mới đã xuất hiện và phát triển mạnh mẽ.

Hình như, cả người Nga lẫn người châu Âu đều không đánh giá đầy đủ tất cả những lợi ích và sự mạo hiểm trong chính sách đối ngoại của mình.

Vụ khủng bố xẩy ra trên tàu điện ngầm ở Saint-Petersburg gần đây cho thấy rằng chủ nghĩa khủng bố quốc tế đang được cải tiến, giống như các phương pháp làm việc của các của các cơ quan mật vụ. Và điều chủ yếu nhất là càng ngày nó càng mang tính chất quốc tế rõ rệt.

Theo giả thuyết của Cục an ninh liên bang Nga, vụ khủng bố trên tàu điện ngầm ở Saint-Petersburg được tổ chức và thực hiện bởi những người sống hợp pháp ở Nga, chúng mang quốc tịch Nga và xuất thân từ các nước thuộc Cộng đồng các quốc gia độc lập. Trong khi đó, trước đây, cứ mỗi lần xẩy ra khủng bố ở Nga là người ta thường nghi ngờ - và điều đó được khẳng định – những kẻ cực đoan xuất thân từ khu vực Bắc Kavkaz của nước Nga.

Từ khi xẩy ra vụ khủng bố trên tàu điện ngầm ở Petersburg ngày 3/4/2017, Cục an ninh liên bang tỏ ra đặc biệt cởi mở trong công tác điều tra. Dư luận xã hội được giới thiệu thậm chí hai băng video – một ở ngoại ô Moskva, một ở tỉnh Vladimir, nơi diễn ra chiến dịch truy tìm các nghi phạm tham gia vụ khủng bố đó. Ngày 20 tháng 4, đích thân giám đốc Cục an ninh liên bang Aleksandr Bortnikov tuyên bố rằng kẻ đặt hàng vụ khủng bố trong tàu điện ngầm ở Petersburg “đã được xác định hoàn toàn”.

Theo giả thuyết điều tra, thực hiện vụ đánh bom là cựu nhân viên nhà hàng Akbarzhon Dzhalilov 22 tuổi, người Kirgizia. Thế nhưng ở quê hắn trước đây người ta không hề biết gì vê mối quan hệ của Dzhalilov với các phe nhóm hồi giáo cực đoan. Người thân và bạn bè ở Kirgizia nhận xét về hắn khá tốt.

Ngay sau vụ khủng bố các nhà điều tra tuyên bố rằng Dzhalilov có liên quan tới các tổ chức khủng bố bị cấm ở Nga, nhưng không giải thích tính chất các mối liên hệ này. Tuần trước, ở Petersburg có tám nghi phạm liên quan tới vụ khủng bố bị bắt giữ. Đáng lưu ý là tất cả những kẻ bị bắt không phải sống “bất hợp pháp”. Chúng là những người xuất thân từ Trung Á, có quốc tịch Nga. Chúng sống hợp pháp ở Nga.

Theo giả thuyết điều tra, vụ khủng bố được tài trợ từ Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng cơ quan điều tra không nói rõ băng nhóm nào cụ thể. Hình như nước Nga đang đụng độ với chủ nghĩa khủng bố kiểu mới và hiện chưa biết đối đầu với chúng như thế nào. Trước đây các vụ khủng bố chủ yếu được thực hiện bởi các nhóm thánh chiến từ Bắc Kavkaz. Đôi khi chúng có những người chỉ huy đến từ nước ngoài, như phái viên Khattab người Saudi Arabia đã từng chiến đấu ở Chechnya và bị tiêu diệt vào tháng ba năm 2002. Tuy nhiên, trong suốt 20 năm các cơ quan mật vụ Nga ít nhiều đã kiểm soát được các mạng lưới khủng bố và tiêu diệt những tên cầm đầu khét tiếng.

Hiện nay mới vỡ lẽ ra rằng trong khi nước Nga tập trung tất cả nguồn lực, kể cả nguồn lực trí tuệ, vào việc tiêu diệt bọn khủng bố và tội phạm ở khu vực này thì ở những khu vực khác, đã hình thành và phát triển các nhóm khủng bố mới. Lọt vào “nhóm nguy cơ” hiện nay là những kẻ nhập cư hay những công dân Nga hợp pháp đang làm các công việc thu nhập thấp. Họ không tham gia vào đời sống xã hội và không hài lòng với vị thế những kẻ bên lề của mình.

Và họ trở thành mục tiêu lý tưởng cho những kẻ tuyển mộ của các tổ chức khủng bố quốc tế.

Xã hội không hình dung rõ những con người này sống như thế nào, chỉ biết  sử dụng họ, thuê làm các công việc vặt trong quán cà phê, sửa nhà cửa hay biệt thự. Trong các cơ quan mật vụ của  Nga, liệu có nhiều người biết tiếng Tadzhik hay Uzbek? Đôi khi điều này quan trọng đối với an ninh quốc gia hơn là bắt buộc những kẻ nhập cư trả thi môn tiếng Nga.

Ở chính các nước cộng hòa Trung Á thuộc Liên xô cũ đang diễn ra những thay đổi mang tính kiến tạo. Họ không  còn là những quốc gia thế tục  và “Xô viết” thuần túy nữa. Sau khi Liên Xô sụp đổ, bất chấp nguyện vọng tha thiết của chính quyền Tadzhikistan, Kirgizia và đặc biệt là Uzbekistan ngăn chặn sự phát triển của chủ nghĩa hồi giáo cực đoan trong nước, tình hình kinh tế ở các quốc gia này đã chôn vùi các nỗ lực này.

Những khó khăn kinh tế và các cuộc xung đột vũ trang sắc tộc dẫn tới chỗ đại bộ phân dân cư Tadzhikistan, Uzbekistan và Kirgizia đi tìm việc ở các nước khác, trước hết là Nga. Năm 2015, Tadzhikistan đã đoạt kỷ lục thế giới: chiếm 51% tổng thu nhập quốc dân là các nguồn tiền gửi về từ nước ngoài

Bên cạnh đó, một bộ phận giới thanh niên (mà thành phần dân cư của các nước Trung Á rất trẻ, hơn một nửa cư dân dưới 18 tuổi) có thể rơi vào tầm ngắm của các phe phái hồi giáo cực đoan bị cấm ở Nga – ban đầu là “Al-Qaeda”, tiếp đến là IS, “Al Nusra” (ba tổ chức này bị cấm ở Nga) và  nhiều tổ chức khác mà độc giả Nga không hề biết tên.

Ở Nga những người  không nói tiếng Nga xuất thân từ Tadzhikistan, Uzbekistan và Kirgizia, thông thường, sống biệt lập, không hòa nhập vào xã hội Nga. Thực chất, sinh sống trong các khu kinh tế và xã hội, những người xuất thân từ Trung Á thường gắn bó hơn với tổ quốc mình và đôi khi với những tổ chức hồi giáo cực đoan ở Cận Đông hay Thổ Nhĩ Kỳ hơn là với đời sống Nga.

Ý tưởng xóa bỏ quốc tịch của bọn khủng bố và những kẻ tiếp tay cho chúng xuất hiện ngay sau vụ khủng bố ở Petersburg chưa chắc đã phát huy tác dụng. Thứ nhất, nếu nói về bọn đánh bom cảm tử thì sau đó, ai cũng biết, chúng không cần quốc tịch làm gì. Thứ hai, những người xuất thân từ Trung Á không quen sống trong tình trạng bất hợp pháp ở Nga. Ngược lại, sự tồn tại quốc tịch ở họ trong chừng mực nào đó cho phép nhà nước kiểm soát họ dễ hơn.

Ở đây cần một phương pháp làm việc có hệ thống đối với những người nhập cư và những công dân mới, một sự hội nhập hoàn toàn của họ vào xã hội Nga, chứ không phải là những biện pháp cực đoan kiểu như cấm nhập cư vào Nga từ các nước Trung Á hay hạn chế nhập cảnh. Cũng như cần một sự quan tâm chặt chẽ hơn tới khu vực Trung Á và những thay đổi đang diễn ra ở đây.  Chúng tôi không chỉ nói về việc chạy theo Mỹ và Trung Quốc nhằm tìm kiếm phạm vi ảnh hưởng và  tài nguyên khoáng sản, ở khu vực này nước Nga cần một sự “thăm dò văn hóa”, một công việc chuyên nghiệp tại chỗ.

Luôn luôn tồn tại như một quốc gia đa dân tộc và đa tín ngưỡng, nước Nga đang đối mặt với một hiện thực mới. Một bộ phận dân cư do hoàn cảnh kinh tế  đã rơi vào vùng nguy cơ cao về ảnh hưởng của chủ nghĩa khủng bố quốc tế.

Nhân tiện xin nói, đây cũng là một lý do cho thấy chỉ có thể đấu tranh với chủ nghĩa khủng bố bằng những nỗ lực chung của tất cả các quốc gia, không phụ thuộc vào những bất đồng chính trị. Điều quan trọng là nhận thức được  rằng đối với bọn khủng bố, Paris, Moskva, London, Petersburg, Brussels đều là lãnh địa chung của nền văn minh mà chúng căm thù. Đối với chúng nước Nga cũng là “Phương Tây” như châu Âu hay châu Mỹ.


Trần Hậu
Ý kiến của bạn