tuyên bố rút khỏi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa LHQ (UNESCO) khiến dư luận đặc biệt quan tâm. Trước đó, việc Mỹ rút khỏi Thỏa thuận Paris về Biến đổi khí hậu và đảo ngược các chính sách với Cuba cũng đã khiến cộng đồng quốc tế phải đặt câu hỏi: chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang tính toán điều gì ? đồng thời khơi lên nhiều bất đồng mới trong quan hệ quốc tế.
Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump không xác nhận thỏa thuận hạt nhân Iran mà Mỹ là một bên đã ký năm 2015; và việc Mỹ tuyên bố sẽ rút khỏi UNESCO là những thông tin làm nóng các diễn đàn quốc tế. Chuyện chính quyền Mỹ “không ưa” Iran hay chuyện “va chạm” giữa Mỹ và UNESCO đã được nói tới nhiều lần, thế nhưng việc Tổng thống Donald Trump chính thức tuyên bố rút khỏi các thỏa thuận, các tổ chức quốc tế đã được xác lập, được cho là một “cú sốc chính trị” và khơi lên một tâm lý hồ nghi trong cộng đồng quốc tế.
Mỹ tuyên bố rút khỏi UNESCO “gây sốc” toàn thế giới
Thỏa thuận hạt nhân Iran ký kết năm 2015 giữa Iran và nhóm P5 1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Nga và Đức), được cho là một sự kiện lịch sử trong quan hệ quốc tế. Dù Tổng thống Mỹ Donald Trump không đề cập tới chuyện rút ra khỏi Thỏa thuận này, nhưng việc chính quyền Mỹ không xác nhận Thỏa thuận đã ký- đi kèm với việc tái áp dụng các lệnh trừng phạt Iran, sẽ dẫn tới sự sụp đổ của văn kiện này trong tương lai. Tất cả các đồng minh EU của Mỹ đều cho rằng đây là một sai lầm và rằng việc nước Mỹ “bội tín” sẽ đặt ra những hệ lụy nghiêm trọng không chỉ đối với vấn đề hạt nhân Iran mà còn tạo tiền lệ xấu trong quan hệ quốc tế. "Sự nguy hiểm ở đây là mức độ nguy hiểm không lường trước được. Tôi nghĩ Tổng thống tin rằng, tăng cường sức mạnh cho Mỹ sẽ giúp chúng ta có lợi thế trong bàn đàm phán. Tuy nhiên, đối với những sự kiện không lường trước được thì sẽ tạo ra những tình huống bất ổn”, ông Joel Rubin, Chủ tịch Nhóm Chiến lược Washington lo ngại nói. Paul B. Stares, Giám đốc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR) cho rằng động thái của ông Donald Trump m sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến tình hình quốc tế, khu vực và cả Triều Tiên "Tôi không nghĩ rằng Triều Tiên lại muốn từ bỏ chương trình hạt nhân của mình khi ông ta nhìn thấy Mỹ đã quá dễ dàng thay đổi ý định đối với thỏa thuận hạt nhân với Iran”.
Đối với UNESCO, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút khỏi tổ chức này, không chỉ gây ra một “cú sốc chính trị”, mà một lần nữa khiến nhà lãnh đạo Mỹ trở thành tâm điểm của những lời chỉ trích và lên án, rằng: nước Mỹ đang đi ngược lại những giá trị cốt lõi được cộng đồng quốc tế thừa nhận, can thiệp và “chính trị hóa” cả những tổ chức Văn hóa do LHQ dày công xây dựng.
Đây không phải lần đầu tiên nước Mỹ tuyên bố rút ra khỏi những tổ chức quốc tế mà họ đã tham gia. Chỉ gần vài tháng trước đây, Tổng thống Donald Trump đã quyết định rút khỏi hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu; cũng chỉ vài tháng trước đây, chính quyền Mỹ đã đảo ngược lại hoàn toàn các chính sách với Cuba mà chính phủ tiền nhiệm xây dựng. Rõ ràng, những tuyên bố “tiền hậu bất nhất”, sự đảo ngược trong hàng loạt chính sách mà Washington đang triển khai, đã, đang và sẽ mang lại hình ảnh một nước Mỹ “xấu xí”, tự cô lập, không đáng tin cậy, gây tổn hại đến uy tín và hình ảnh của nước Mỹ trong bối cảnh thế giới đang cần tới vai trò dẫn dắt của các cường quốc-như nước Mỹ trước những thách thức của toàn cầu hóa.
Chính sách đối ngoại “tiền hậu bất nhất” đang đẩy nước Mỹ vào tình cảnh tự cô lập mình
Ở một góc độ khác, chính sự “tiền hậu bất nhất” trong chính sách và phát ngôn, đang tạo ra “cơ hội lớn” cho các đối trọng của Mỹ. Chẳng hạn, việc Mỹ đang tự cô lập mình khỏi cộng đồng quốc tế sẽ là cơ hội lớn để Trung Quốc nhanh chóng thế chân vị trí dẫn dắt thế giới. Một điều chắc chắn, Trung Quốc sẽ không bỏ qua bất kỳ cơ hội nào để gia tăng ảnh hưởng toàn cầu đồng thời củng cố sức mạnh về kinh tế, chính trị và quân sự, mà tham vọng của Trung Quốc tại châu Á-Thái Bình Dương và châu Phi thời gian gần đây là một ví dụ.
Câu hỏi được đặt ra ở thời điểm này: chính sách “Nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Donald Trump liệu có khiến nước Mỹ tự cô lập mình khỏi thế giới hay không? Về lý thuyết, chính sách này được cho sẽ bảo vệ quyền lợi tối ưu cho người dân Mỹ, nhưng về phương diện ngoại giao, gây dựng sức mạnh mềm, và ảnh hưởng toàn cầu cho Washington, dường như chính sách này chưa phát huy hiệu quả.
Dẫu chưa tính toán tới những hệ lụy có thể đặt ra, song rõ ràng việc nước Mỹ đảo ngược chính sách trong vấn đề Iran, Cuba, hiệp định TPP…, và rút ra khỏi UNESCO đang đặt ra một tiền lệ nguy hiểm. Đó sẽ là những nguy cơ bất ổn mới trong quan hệ quốc tế với xung đột và bất đồng gia tăng mà không một quốc gia nào có thể kiểm soát, ngăn chặn và xử lý được .