Nước Mỹ dưới thời Trump

02-02-2019 19:30 | Quốc tế
google news

SKĐS - Nếu đánh giá tình hình Mỹ chỉ dựa trên tin tức đọc trên trang nhất của những hãng truyền thông như: CNN, New York Times hay bộ ba NBC/ABC/CBS, có lẽ ấn tượng để lại đối với độc giả sẽ là một nước Mỹ bất ổn, đầy rẫy những vấn đề cả đối nội và đối ngoại, dưới sự lãnh đạo của một Tổng thống thiếu nhất quán, hay phát ngôn bừa bãi, thích “chơi” Twitter hơn làm chính sách...

Điều này cũng dễ hiểu, bởi những hãng truyền thông nói trên có quan điểm thân với đảng Dân chủ, ủng hộ “Chính trị dòng chính” và ít nhiều vẫn còn “cay cú” sau khi dự đoán sai kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Họ có thiên hướng đưa tin bất lợi cho ông Trump và phần nào đó là đảng Cộng hòa. Thật vậy, số liệu mới nhất của Trung tâm Nghiên cứu Truyền thông Mỹ (MRC) cho thấy trong tổng cộng 1.007 bản tin đăng tải từ tháng 6/2018 đến tháng 10/2018 trên các kênh CNN, ABC, CBS và NBC, có tới 926 bản tin có nội dung tiêu cực về chính quyền Trump, chiếm tỷ lệ tới 92%.

Để có cái nhìn khách quan hơn, như nhà nghiên cứu Tod Lindberg đã từng phát biểu khi nhận xét về chính trị Mỹ,“đừng nghe đảng đối lập nói gì, mà hãy xem đảng cầm quyền làm được gì”.

Chính quyền Trump và đảng Cộng hòa đã làm được gì?

Đầu tiên là những thành tựu kinh tế mà nước Mỹ đã đạt được trong 2 năm qua. Từ những số liệu vốn được coi là “bình thường mới” hay “chấp nhận được” (tăng trưởng GDP 2%, tỷ lệ thất nghiệp trên 5%) trong 8 năm nhiệm kỳ Tổng thống Barack Obama, kinh tế Mỹ dưới thời Tổng thống Trump lần đầu tiên sau hơn một thập niên đã đạt và vượt mức tăng trưởng 3%, thậm chí lên đến 4,2% trong quý 2 năm 2018. Lần đầu tiên kể từ năm 1967, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ đạt 3,7%, một mục tiêu gần như bất khả thi đối với hầu hết các nền kinh tế, trong đó có kinh tế EU (khoảng 8%). Bên cạnh đó, theo báo cáo tháng 10/2018 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), Mỹ cũng đã lần đầu tiên kể từ năm 2008 lấy lại vị thế là nền kinh tế cạnh tranh nhất thế giới, vượt qua đối thủ nặng ký là Singapore. Cũng trong năm 2018, Mỹ lần đầu tiên trong nhiều thập niên qua đã vượt qua Nga và Ả-rập Xê-út trở thành quốc gia sản xuất dầu lửa lớn nhất thế giới với sản lượng gần 11 triệu thùng/ngày.

Cuộc gặp Thượng đỉnh giữa Tổng thống Nga V.Putin và Tổng thống Mỹ D. Trump ngày 16/7/2018 tại Helsinki, Phần Lan. Ảnh: ABC News

Cuộc gặp Thượng đỉnh giữa Tổng thống Nga V.Putin và Tổng thống Mỹ D. Trump ngày 16/7/2018 tại Helsinki, Phần Lan. Ảnh: ABC News

Kinh tế Mỹ tăng trưởng tích cực trong năm 2018 là sự kết tinh của nhiều yếu tố, trong đó có đóng góp không nhỏ từ những dấu ấn chính sách quan trọng của chính quyền Trump.Với việc ban hành thành công đạo luật cải cách thuế vào cuối năm 2017 cũng như cắt giảm hàng loạt những luật lệ, chính quyền Trump đã góp phần “cởi trói” cho doanh nghiệp Mỹ, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy đầu tư và đưa việc làm trở lại Mỹ.

Về đối ngoại, mặc dù có nhiều đánh giá cho rằng chính quyền Trump với tư tưởng “nước Mỹ trên hết” sẽ thực hiện “chủ nghĩa biệt lập”, song thực tế 2 năm qua cho thấy mục tiêu hàng đầu của Chính quyền Trump vẫn là duy trì và củng cố vai trò lãnh đạo thế giới của Mỹ.

Sự khác biệt giữa Tổng thống Trump và những người tiền nhiệm chính là những biện pháp thực hiện. Trong khi các chính quyền Mỹ trước đây chấp nhận “bao cấp” để duy trì hệ thống đồng minh, đối tác thì chính quyền Trump chủ trương “chia sẻ trách nhiệm tài chính” phù hợp với năng lực, thúc đẩy thương mại “công bằng, có đi có lại”. Cách tiếp cận nói trên cùng sự linh hoạt trong đối sách với từng đối tượng cụ thể đã giúp chính quyền Trump sau 2 năm cầm quyền đạt được một số thành tựu đối ngoại đáng chú ý trên nhiều “mặt trận”.

Trong quan hệ với các nước lớn, chính quyền Trump đẩy mạnh cạnh tranh chiến lược, liên tục tăng cường sức ép trên nhiều phương diện, đến nay đã buộc Trung Quốc phải có những nhượng bộ bước đầu về thương mại sau hàng loạt các biện pháp áp thuế và kiểm soát đầu tư cứng rắn.

Tại châu Á - Thái Bình Dương, chính quyền Trump công bố và bước đầu có những triển khai cụ thể Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương, khẳng định vai trò lãnh đạo của Mỹ và thu hút được sự quan tâm của nhiều nước trong khu vực; đạt tiến triển bước đầu trong đàm phán phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên với việc lần đầu tiên tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều.

Tại Trung Đông, chính quyền Trump tiến sát mục tiêu đánh bại hoàn toàn tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), củng cố quan hệ với các đồng minh khu vực, đặc biệt là Israel, tuyên bố từng bước rút quân khỏi “vũng lầy” Syria và Afghanistan song vẫn duy trì vai trò chiến lược tại khu vực thông qua các đồng minh.

Trong lĩnh vực thương mại, chính quyền Trump đã đàm phán lại thành công các thỏa thuận thương mại tự do (FTA) với Hàn Quốc, Mexico và Canada, đạt được nhiều điều khoản có lợi hơn cho Mỹ; tiếp tục triển khai đàm phán các thỏa thuận song phương với Nhật Bản, Anh và EU.

Tổng thống Mỹ D. Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Reuters

Tổng thống Mỹ D. Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Reuters

Một số vấn đề tồn tại

Bên cạnh những thành tích đạt được như đã đề cập ở trên, chính quyền Trump trong 2 năm qua đã và đang phải đối mặt với một số vấn đề lớn cả đối nội và đối ngoại. Về đối nội, tình trạng chia rẽ đảng phái, rạn nứt trong quan hệ giữa chính quyền và quốc hội trở nên trầm trọng hơn. Một số vụ điều tra liên quan đến nhóm luật sư, cộng tác của ông Trump tiếp tục diễn ra với những thông tin bất lợi đối với ông Trump. Tính đến tháng 12/2018, tiến trình điều tra nghi vấn ông Trump cấu kết với Nga trong bầu cử đã kéo dài hơn 18 tháng với phạm vi điều tra ngày càng được mở rộng. Một số nhân vật thân tín của Tổng thống Trump như luật sư Michael Cohen hay cựu Giám đốc tranh cử Paul Manafort đã bị kết án và đang hợp tác điều tra với công tố viên đặc biệt Robert Mueller, đặt ra những rủi ro nhất định về khả năng Tổng thống Trump bị luận tội. Chính phủ Mỹ cũng phải “đóng cửa” tới 3 lần trong một năm (2018), với việc hai đảng không thể thống nhất mức ngân sách chính phủ cho năm tài khóa 2019.

Về đối ngoại, bên cạnh việc ảnh hưởng trong ngắn hạn của Mỹ bị giảm sút ở không ít quốc gia, thì những thách thức cả trước mắt và lâu dài đối với nước Mỹ vẫn chưa được giải quyết. Nga và Trung Quốc vẫn không ngừng mở rộng ảnh hưởng quốc tế, thậm chí ngay tại khu vực “sân sau” của Mỹ là Mỹ La-tinh. Vấn đề Triều Tiên vẫn diễn biến phức tạp; mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ. Iran vẫn tìm cách mở rộng ảnh hưởng tại Trung Đông bất chấp lệnh cấm vận ngày càng tăng của Mỹ. Về vấn đề thương mại, bất chấp những nỗ lực nhằm “giảm thâm hụt thương mại”, vấn nạn này không những chưa được xử lý mà có phần trầm trọng hơn khi thâm hụt thương mại của Mỹ với thế giới tăng 12% trong năm 2017 và nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng trong năm 2018.

Hướng đến mục tiêu tái cử vào năm 2020

Nhìn lại những thành tựu của chính quyền Trump trong 2 năm qua, có thể thấy rõ thực hiện cam kết tranh cử là mẫu số chung định hướng ưu tiên triển khai chính sách của người đứng đầu Nhà Trắng. Nhờ đó, ông Trump tuy phải đối mặt với không ít bất ổn song vẫn duy trì được niềm tin từ nhóm cử tri nòng cốt, với tỷ lệ ủng hộ trong đảng Cộng hòa luôn ở mức trên 80% và tỷ lệ ủng hộ của toàn bộ cử tri ở mức 43% - một cơ sở quan trọng cho nỗ lực tái cử của ông.

Từ nay cho đến bầu cử 2020, “đấu pháp” của Tổng thống Trump sẽ là tìm mọi cách để củng cố và tăng cường “cơ sở cử tri” nói trên, đồng thời tìm cách tranh thủ nhóm cử tri độc lập. Nỗ lực trên được thực hiện trong bối cảnh mâu thuẫn đảng phái, thậm chí bế tắc chính trị sẽ trầm trọng hơn sau khi Hạ viện do đảng Dân chủ chiếm đa số nhậm chức vào 3/1. Những cam kết đối nội quan trọng như xây tường biên giới, xóa bỏ và thay thế Obamacare... nhiều khả năng sẽ “tắc” ở Hạ viện, chưa kể việc các hạ nghị sĩ Dân chủ có thể khởi động quá trình luận tội Tổng thống.


Mỹ Châu
Ý kiến của bạn