- Em có người bạn muốn nhờ anh giúp cho một việc.
- Được thôi, nhưng em có biết việc gì không?
- Em cũng không biết, mà việc gấp đấy.
Việc gấp, nên chỉ sau 30 phút, cô bạn đã có mặt ở nhà tôi. Vào việc ngay, cô ta kể:
- Em quá khổ vì cái họng của em anh ạ. Em cứ hay bị ho, đau họng. Cứ mỗi lần như vậy đi bác sĩ, uống thuốc, thấy hết bệnh, nhưng rồi lại bị lại.
Súc miệng nước muối có tác dụng rất tốt trong bệnh viêm amidan tái phát.
Tôi hỏi:
- Chị cố nhớ lại xem mình bị như vậy đã lâu chưa và bị khoảng bao nhiêu lần?
- Cũng lâu rồi, cách đây khoảng 5 năm, mỗi năm cũng bị khoảng 2-3 lần.
- Thế hiện nay chị thấy thế nào?
- Lần này em thấy bệnh nặng hơn, khi nói rất mau mệt, mau khan tiếng. Cứ thế này em sợ đến phải nghỉ dạy mất (cô là giáo viên trung học phổ thông).
Tôi hỏi tiếp:
- Thế chị đi khám tai-mũi-họng chưa?
- Em đã khám rồi. Bác sĩ khuyên em nên đi cắt amidan.
- Thế bây giờ chị muốn tôi giúp gì?
- Vâng, để em nói nốt. Nghe đến cắt amidan em rất lo lắng, rất sợ. Bác sĩ đã hẹn ngày cắt rồi, mà em không biết mình có dám đến để cắt không. Biết chuyện của em, một người bạn đã cắt amidan lại nói: Đừng cắt, như mình đây này, cắt rồi mà bây giờ thấy càng tệ hơn lúc chưa cắt. Em nghĩ, bệnh mỗi người mỗi khác, nhưng vẫn cứ hoang mang, chưa biết quyết định thế nào nên đến đây xin ý kiến của anh, à xin lỗi, của bác sĩ.
Tôi mỉm cười thông cảm với nỗi lo lắng hoang mang của chị và khám họng ngay cho chị, dù chỉ bằng chiếc đèn pin soi họng. Quan sát kỹ càng, tôi thấy dấu vết chứng tỏ amidan đã bị viêm nhiều lần, tuy nhiên, thể tích của amidan tương đối bình thường, không phì đại, không teo.
Tôi nói với chị: Việc cắt amidan một phần là do bác sĩ thấy cần cắt, nhưng một phần cũng rất quan trọng là ý kiến của bệnh nhân. Bản thân bệnh nhân cảm thấy amidan ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thì hãy đồng ý cắt.
Đúng lúc ấy, vợ tôi lại lên tiếng:
- Anh còn chưa biết đấy thôi. Bạn em ngoài dạy ở trường còn đi dạy thêm ở các trung tâm hơi bị nhiều đấy.
Tôi như được gỡ rối. Điều tôi băn khoăn ở đây chính là nghe chị ta nói “lần này em thấy bệnh nặng hơn, khi nói rất mau mệt, mau khàn tiếng” đã được làm sáng tỏ có liên quan chặt chẽ đến nghề nghiệp. Tôi tư vấn: Họng của chị, một phần vì amidan đã bị viêm tái đi tái lại nhiều lần, một phần cũng vì nghề nghiệp của chị phải nói quá nhiều nên chị thấy mau mệt. Bây giờ, theo tôi thì hoặc là chị nghe theo lời khuyên của bác sĩ tai-mũi-họng đi cắt amidan. Nhưng nếu đi cắt, chị phải thật sự yên tâm, tin tưởng, thoải mái mới nên cắt. Hoặc là nếu như chị chưa thật sự yên tâm thì có thể dùng một liều kháng sinh đủ mạnh, đủ thời gian theo chỉ định của bác sĩ. Bên cạnh đó, chị ngậm nước muối đẳng trương (NaCl 0,9%) cách 1 giờ (60 phút) 1 lần. Sau 1 tháng, nếu thấy tốt lên có thể giảm còn khoảng 2 giờ/lần. Ngậm nước muối cần kéo dài ít nhất 6 tháng. Còn một việc rất cần thiết, chị phải tạm nghỉ dạy thêm ở các trung tâm để giảm thời gian cũng như cường độ nói nhằm giúp cho họng của chị được nghỉ ngơi nhiều hơn.
Nghe đến đây, gương mặt của chị có vẻ tươi tỉnh lên. Tôi nói thêm: Theo tôi, chị nên tạm trì hoãn việc cắt amidan. Vì rằng, chị điều trị một đợt như trên, khoảng 1 tháng, nếu thấy bệnh không giảm, khi ấy đi cắt cũng không muộn.
Chị xin tôi một đơn thuốc, vui vẻ ra về, không quên cảm ơn bác sĩ.
Tôi liên tục nhận được thông tin về tình hình sức khỏe của chị qua vợ. Thông tin ngày càng tiến triển tốt lên từng ngày. Cho đến nay, amidan của chị đã thoát khỏi tình trạng viêm tái phát. Được biết, chị vẫn ngậm nước muối đẳng trương ngày 2 lần vào lúc sáng thức dậy và buổi tối trước khi đi ngủ. Có một chi tiết tôi muốn kể ra đây. Ấy là chị không chịu nghỉ dạy thêm, mà chị sắm một bộ loa amli cá nhân để giảm cường độ nói. Đây là một sáng tạo của chị, đáp ứng được đơn nguyên điều trị và lời khuyên để họng được nghỉ ngơi nhiều hơn của tôi. Khi lạc quan yêu đời, người ta sáng suốt hơn thì phải.