Nước muối có loại bỏ được SARS-CoV-2?

12-08-2021 14:30 | Dược
google news

SKĐS - Mặc dù súc họng bằng nước muối giúp làm sạch miệng và họng nhưng cho đến nay vẫn chưa tìm thấy bằng chứng việc làm này giúp loại bỏ COVID-19.

Dịch COVID-19 nên hay không nên súc miệng bằng nước muối? - Ảnh 1.

Không sử dụng nước muối pha đặc để súc họng.

Khi dịch bệnh xảy ra, các thói quen bảo vệ cá nhân được đề xuất nhiều nhất bao gồm đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên và duy trì khoảng cách xã hội. Đối với các nhóm dân cư nói chung và có nguy cơ cao, bao gồm cả nhân viên y tế và những người đang trong diện kiểm dịch, việc phát triển các biện pháp phòng ngừa để giảm tỷ lệ mắc bệnh hoặc ít nhất là mức độ nghiêm trọng của bệnh COVID-19 là cần thiết. 

Theo quy định của Bộ Y tế, nước muối sinh lý là dung dịch nước muối Nacl với tỷ lệ 0,9 % tức 1 lít nước/9gram muối. Sở dĩ, người ta đưa ra thành phần này bởi nó trùng với độ mặn của nước mắt và lượng muối phù hợp trong cơ thể. Cách dùng nước muối NaCl này là súc miệng sau khi đánh răng vào buổi sáng và tối.

Nhiều nghiên cứu cho thấy lượng RNA SARS-CoV-2 cao hơn trong mũi họng có liên quan đến mức độ nghiêm trọng của bệnh. Vì vậy, giảm số lượng virus trong mô cơ thể ở giai đoạn nhiễm trùng ban đầu có thể ảnh hưởng tích cực đến tiến trình của bệnh. 

Trong vòng tuần đầu tiên sau khi lây nhiễm, virus ở hầu họng và cổ họng cũng nhân rộng nhất. Vì vậy nhiều người tìm đến phương pháp súc họng bằng nước muối như một biện pháp bảo vệ.

Mặc dù súc họng bằng nước muối giúp làm sạch miệng và họng nhưng cho đến nay vẫn chưa tìm thấy bằng chứng việc làm này giúp loại bỏ COVID-19, cũng như chưa có phương pháp điều trị kháng virus hiệu quả nào được phát triển. Tuy nhiên, thói quen súc họng bằng nước muối sinh lý có thể được đề xuất cho những người có nguy cơ cao là những người được cách ly và nhân viên y tế. 

Trong thực tế, nhiều người quan niệm pha nước muối súc họng càng mặn thì tính sát trùng, sát khuẩn sẽ càng cao. Do đó, họ đã pha nước muối rất mặn để súc miệng hàng ngày, tuy nhiên việc làm này lại vô tình gây tổn thương niêm mạc vùng họng khiến họng khô, ráp như không có nước…

Khi niêm mạc miệng họng bị tổn thương sẽ làm suy yếu lớp hàng rào bảo vệ tế bào, tạo điều kiện để virus, vi khuẩn dễ dàng xâm nhập hơn. Vì vậy, cần lưu ý không sử dụng nước muối pha đặc để súc họng.

Ngoài ra, nếu bị cao huyết áp và bệnh thận, cũng nên tránh uống quá nhiều nước muối. Những người có phản xạ nuốt bất thường cũng nên tránh súc miệng để tránh bị sặc và viêm phổi do hít phải bất ngờ.

Mời quý độc giả xem thêm video đang được quan tâm:

Trẻ em mắc COVID-19 cần lưu ý đặc biệt gì khi chăm sóc.


DS. Lê Thanh Hòa
Ý kiến của bạn