1. Đặc điểm của cây mía
Mía còn gọi là cam giá. Tên khoa học Saccharum offcinarum L. Thuộc họ Lúa Poaceae (Gramineae).
Vào mùa nắng nóng rất nhiều người thích uống nước mía, vừa giải nhiệt, vừa bổ dưỡng, tăng thêm sinh lực để cơ thể chống chọi với cái nắng nóng.
Có nhiều thứ mía: Mía de thân nhỏ, gầy và thấp, mía bầu thân to và cao, mía vỏ trắng, đỏ hay tím; có thứ chứa nhiều đường, có thứ chứa ít đường.
Mía vốn nguồn gốc Ấn Độ. Trên thế giới nước sản xuất mía nổi tiếng có Cuba, Ấn Độ.
Tại Việt Nam mía được trồng nhiều nhất ở các tỉnh miền Trung như Quảng Nam, Quảng Ngãi… miền Bắc ở các tỉnh, thành phố Hà Nội, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa.
Mía được trồng ở những nơi đất phù sa (nhẹ và sâu, có chất vôi) trồng bằng ngọn hay cả cây. Sau 11 đến 18 tháng thu hoạch. Thường người ta trồng mía lấy nguyên liệu làm đường.
Làm thuốc, người ta dùng cả cây tươi cắt thành từng khúc ngắn 2-3cm, chẻ hai hay chẻ 4, với tên cam giá.
2. Công dụng và liều dùng của mía
Theo sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS.TS. Đỗ Tất Lợi, nước mía có tác dụng tiêu đờm, hết khát, bổ dưỡng.
Mía còn là nguyên liệu chế đường, mật dùng làm thực phẩm và chế thuốc, chế rượu.
Đơn thuốc có nước mía
Chữa nôn: Nước mía 7 chén, nước gừng 1 chén. Hòa vào nhau và nhấp dần ít một, chữa ăn vào nôn ra, hoặc sáng ăn chiều nôn, tối ăn sáng nôn.
Theo DS. Đỗ Bảo một số bài thuốc chữa bệnh từ mía như sau:
An thai: Mầm mía 12g, củ gai 8g, ích mẫu 6g, củ ấu 4g, sa nhân 2g. Tất cả đem thái nhỏ, phơi khô, sắc nước uống, chia làm 2 lần trong ngày.
Chữa bệnh khí hư ở phụ nữ: Lá mía 30g, lá huyết dụ 30g, rễ mò trắng 80g, hoa mò đỏ 20g, thái nhỏ, sao vàng, sắc uống.
Chảy máu cam trong kỳ kinh nguyệt: Nước mía 250ml, nước ngó sen 250ml, nước sinh địa tươi 50ml. Trộn đều, chia uống trong ngày.
Nóng trong, chữa ho do nhiệt: Nước mía 200ml, gạo tẻ 100g, thêm nước vừa đủ nấu thành cháo, ăn trong ngày, ăn liền trong 7-10 ngày.
Điều trị chứng vị nhiệt, miệng đắng, kém ăn, đại tiện táo: Nước mía 50ml, mật ong 30g, trộn đều, chia uống 2 lần trong ngày, uống lúc đói bụng.
Chữa khô miệng, nôn khan liên tục: Nước mía 100ml, hâm nóng lên uống, ngày 3 lần.
Tiểu tiện bất lợi, tiểu buốt, tiểu ra máu: Mía tươi 500g, ép lấy nước cốt; ngó sen 500g, thái nhỏ, ngâm trong nước mía nhiều giờ, chắt lấy nước; chia 3 lần uống trong ngày.
Cảm nắng, sốt, miệng khát, tiểu tiện sẻn đỏ: Nước mía, nước dưa hấu, mỗi thứ khoảng 120ml, trộn đều uống. Dùng trong trường hợp
Chữa ho khi lên sởi: Mía vỏ đỏ (bỏ vỏ và đốt) 40-60g, củ mã thầy (gọt bỏ vỏ) 40-60g, sắc lấy nước, chia uống trong ngày.
3. Những lưu ý khi sử dụng mía
- Người tỳ vị hư hàn, tiêu chảy nên thận trọng (chỉ dùng mía nướng hoặc nước mía đun sôi).
- Mía và nước mía rất tốt nhưng nếu để quá lâu hoặc bảo quản trong điều kiện không thích hợp rất dễ là môi trường thuận lợi cho vi sinh vật gây bệnh phát triển, có thể dẫn đến tình trạng nhiễm trùng nhiễm độc. Hơn nữa, mía tính lạnh và hàm lượng đường rất cao nên những người tỳ vị hư yếu, hay đầy bụng đi lỏng và những người mắc bệnh đái tháo đường không nên uống.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Phản ứng thông thường sau tiêm vắc xin phòng COVID-19.