Chữa bệnh đường hô hấp, môi khô, họng khát, ho khan, sốt nhẹ về chiều, hay ra mồ hôi trộm, đại tiện táo kết...: cháo nấu bằng nước mía, ăn nóng để thanh nhiệt, nhuận phế, chỉ khái và trừ đàm...
Chữa viêm kết mạc cấp tính: nước mía hòa lẫn nước sắc hoàng liên. Ngày uống 2 lần, giúp chống viêm, tiêu sưng và giảm đau nhanh chóng.
Chữa nôn, buồn nôn: nước mía có pha thêm một chút nước gừng tươi (1 thìa con) ngày uống 2-3 lần.
Về công dụng của nước mía, sách Bản thảo cương mục viết: “Giá tương, chỉ ẩu uyết phản vị, khoan hung cách” (nước mía cầm nôn oẹ, làm khoan khoái lồng ngực). Sách Tùy tức cư ẩm thực phổ viết: “Cam giá cam lãnh thanh nhiệt, hòa trung nhuận tràng, giải tửu tiết ưu, hóa đàm sung dịch” (mía ngọt, mát, thanh nhiệt, tốt cho tiêu hóa, nhuận tràng, giải rượu, trừ đàm và bổ sung dịch thể). Sách Nhật dụng bản thảo cũng viết: “Giá tương, chỉ hư nhiệt phiền khát, giải tửu độc”. Lục Du Canh, thi nhân đời Tống đã cảm nhận sâu sắc công dụng giải rượu của nước mía trong câu thơ: “Giá tương tức giải phá dư trình” (nước mía có thể làm hết nhanh trạng thái say rượu).
Mía và nước mía là thức uống giải khát rất tốt nhưng nếu để quá lâu hoặc bảo quản trong điều kiện không thích hợp thì rất dễ là môi trường thuận lợi cho vi sinh vật gây bệnh phát triển, có thể dẫn đến tình trạng nhiễm trùng nhiễm độc. Mía tính lạnh và hàm lượng đường rất cao nên những người tỳ vị hư yếu, hay đầy bụng, đại tiện lỏng, người mắc bệnh tiểu đường không nên dùng.