Nước máy bẩn, luộc rau đen kìn kịt: Vẫn an toàn?

18-06-2014 13:00 | Thời sự
google news

Người dân một số khu vực tại Hà Nội phản ánh tình trạng nước máy bẩn, vẩn đục, lắng cặn. Các nhà cung cấp đổ cho thay đổi nguồn nước, địa chất, ô nhiễm nguồn… Còn đơn vị giám sát nói vẫn cấp cho người dân với lý do thiếu nước, dùng tạm.

Người dân một số khu vực tại Hà Nội phản ánh tình trạng nước sạch nhưng vẩn đục, lắng cặn. Các nhà cung cấp đổ cho thay đổi nguồn nước, địa chất, ô nhiễm nguồn… Còn đơn vị giám sát nói vẫn cấp cho người dân với lý do thiếu nước, dùng tạm.

Nước sạch vẩn đục, lắng cặn

Phản ánh với PV, một số hộ dân tại quận Long Biên (Hà Nội) cho biết, từ hơn một năm nay, nguồn nước máy bẩn, lắng cặn thành từng lớp.

Hệ thống chậu rửa nhà anh Tuấn bám đầy cặn dù thường xuyên lau rửa (ảnh to). Nước máy tại khu vực Ngọc Thụy (Long Biên) lắng cặn sau khi đun sôi.

Hệ thống chậu rửa nhà anh Tuấn bám đầy cặn dù thường xuyên lau rửa (ảnh to). Nước máy tại khu vực Ngọc Thụy (Long Biên) lắng cặn sau khi đun sôi.

Thậm chí, vài ngày phải tháo vòi nước chùi rửa để không bị tắc. “Nhìn mắt thường nước vẫn trong, nhưng khi đun sôi lập tức chuyển đục như nước gạo, để vài phút cặn lắng thành lớp ở đáy nồi”, anh Nguyễn Anh Tuấn (tổ 35, Bắc Cầu 2, Ngọc Thụy, Long Biên) nói.

Anh Tuấn lấy ít nước từ vòi vào xoong trắng rồi đun sôi. Nước vừa sôi đã chuyển sang trắng đục, rót ra cốc thủy tinh để trong ít phút, một lớp cặn lắng đầy đáy cốc. Tháo từng màng lọc của vòi nước, máy giặt, anh Tuấn chỉ cặn đen bám thành lớp.

Thấy nước quá bẩn, không dám dùng ăn trực tiếp, gia đình anh Tuấn phải bỏ hơn 5 triệu đồng sắm máy lọc, nhưng vẫn không ăn thua. Cuối cùng, cả nhà lắp thêm máy lọc nước thứ 2. Còn nước máy trực tiếp chỉ dùng để tắm giặt.

Thậm chí, một số hộ gia đình tại tổ 38, Bắc Cầu 1, sau thời gian dùng nước máy đã quay lại dùng giếng nước khoan hoặc mua nước lọc uống. Được biết, nước khu vực này do Cty TNHH MTV Nước sạch số 2 Hà Nội (Tổng Cty Nước sạch Hà Nội) cung cấp.

Trong khi đó, cư dân khu đô thị Xa La (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, dù sử dụng nước do Cty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông cung cấp, nhưng từ đầu tháng 5 tới nay, nước vẩn đục, lắng cặn, bốc mùi tanh…

“Cuối tháng 4, đầu tháng 5 khu nhà mất nước liên tục. Khi có lại thì nước vẩn đục, bốc mùi tanh. Nhà tôi chỉ dám dùng cho vệ sinh, tắm giặt, ăn uống phải mua từng bình nước về. Luộc thịt chuyển màu hồng, luộc rau muống nước có màu đen. Sợ quá nên gia đình tôi phải sắm máy lọc”, bà Nguyễn Thị Thủy, ở tầng 22, nhà CT6C Xa La nói.

Thậm chí, cư dân của tòa nhà lấy mẫu nước đi xét nghiệm tại Viện Công nghệ Môi trường. Kết quả, tỷ lệ Asen (Thạch tín) vượt hơn 3 lần tiêu chuẩn cho phép của Bộ Y tế, Coliform vượt 26 lần, E.Coli vượt 3 lần…

Bẩn vẫn an toàn?

Trao đổi với PV, ông Hoàng Văn Thắng, Phó Tổng GĐ Cty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông cho biết, tình trạng nước vẩn đục như phản ánh của người dân khu đô thị Xa La là có. Theo ông Thắng, khu Xa La trước đây dùng nước sông Đà, nhưng cuối tháng 4 đường ống bị vỡ; đơn vị cung cấp (Cty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Kinh doanh nước sạch sông Đà - Viwaco) phải giảm áp lực bơm để bảo vệ đường ống, khiến nước về khu Xa La bị thiếu.

“Để bù, chúng tôi phải đổi nguồn cung cấp, từ nước sông Đà sang nước ngầm của đơn vị đang khai thác. Khi nước cấp lại, cặn lắng trong ống bị sục lên gây vẩn đục, thời gian đầu. Khi nước ổn định, sẽ hết. Tình trạng này không thể tránh khỏi khi đổi nguồn cấp. Công ty nắm được, nhưng không còn giải pháp khác, vẫn phải đảm bảo cấp nước cho dân trong những ngày nắng nóng”, ông Thắng nói.

Theo lãnh đạo công ty này, khi 2 nguồn nước pha trộn cũng tạo cảm giác nước có màu. “Nước mặt sông Đà có ánh xanh, nước ngầm có ánh vàng, trộn lẫn tạo cảm giác nước có vấn đề. Tuy vậy, chúng tôi khẳng định chất lượng nước đảm bảo”, ông Thắng nói.

Với tình trạng nước nhiễm Amoni cao hơn tiêu chuẩn cho phép, lãnh đạo Cty Nước sạch Hà Đông cho biết, hiện có 9/19 giếng nước công ty đang khai thác bị người dân lấn chiếm, gây ô nhiễm nguồn nước. “Ngay bên cạnh, thậm chí phía trên cửa giếng là cửa hàng ăn uống, bia hơi, rửa xe… Nước thải từ những nguồn này ngấm xuống giếng nước gây ô nhiễm”, ông Thắng nói.

Hiện đơn vị này đang phối hợp với chính quyền địa phương để xử lý tình trạng trên, thay thế giếng mới không ô nhiễm; phối hợp các trung tâm nghiên cứu tìm giải pháp chủ động xử lý Amoni.

Về nước lắng cặn nhiều tại quận Long Biên, ông Nguyễn Hữu Thắng, Giám đốc Cty TNHH MTV Nước sạch số 2 Hà Nội cho biết: Đã biết thông tin nửa năm nay. “Kết quả kiểm nghiệm có một số nơi Canxi lên tới 250 mg/lít. Độ cứng tuy cao, nhưng chưa vượt ngưỡng cho phép của Bộ Y tế (cho phép 300 mg/lít)”, ông Thắng nói.

Ông Nguyễn Hòa Bình, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, xét nghiệm gần đây tại các nhà máy nước của Hà Nội đều đảm bảo tiêu chuẩn. Tuy nhiên, nước tới hộ dân có thể vẩn đục, lắng cặn do đường ống bị thủng, bể chứa lâu không được sục rửa, lắng cặn bẩn…

Theo ông Bình, nước của Cty Nước sạch Hà Đông có hàm lượng Amoni cao do tầng nước có dấu hiệu ô nhiễm hữu cơ. Giải pháp là không dùng nguồn nước đó nữa. Ông Bình khuyên người dân có thể đun nước, lọc nước trước khi dùng.

 

 


Ý kiến của bạn