Nỗi niềm những người thương cò
Về Đông Xuyên, tôi nhận ra rằng, ít có người dân nào có ý thức bảo vệ cò như người dân ở đây. Dân làng đã ra quy ước, nếu ai hại cò sẽ bị phạt nặng. Hỏi về chuyện này, các cụ già nói: “Nếu chú bắn cò, từ trẻ em đến người già chúng tôi đều có quyền giữ lại, xử phạt”. Điều đó đáng quý biết bao. Nhưng đến khi tôi gặp những cán bộ xã, là con dân của làng Đông Xuyên thì ngoài niềm vinh dự được chăm, giữ vườn cò, họ còn nỗi lo canh cánh, đó là làm sao phát triển cuộc sống cho cò.
Hình ảnh cánh cò bình yên này có thể sẽ đi vào dĩ vãng nếu không có những biện pháp mạnh tay chống lại nạn săn bắt cò. |
Anh Trương Đình Hảo, Chủ nhiệm Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, là con của làng Đông Xuyên, đưa thuyền cho tôi đi thăm đầm cò. Những khóm tre được trồng trên những gò đất giữa đầm là nơi hàng chục năm qua đàn cò trú ngụ, sinh con đẻ cái. Anh Hảo bảo: “Cò và vạc ở đây có đến gần chục vạn con. Nếu như năm 2006 và 2007 không bị cò tặc săn mất một nửa lượng của năm đó thì tới giờ chúng tôi có gần 2 chục vạn”. Nhìn những con cò, con vạc chen chúc nhau lúc chiều tà, tôi hiểu là những cánh chim này đã gặp may mắn. Nếu như người dân Đông Xuyên không ra sức bảo vệ thì số phận của chúng sẽ ra sao? Có thể đã làm mồi cho bợm nhậu từ lâu. Nhưng suy nghĩ của tôi và cũng là nỗi lo của tất cả dân làng Đông Xuyên rằng nơi trú ngụ của cò vạc chật hẹp quá. Qua quan sát, tôi thấy những khóm tre này giờ đã già cỗi cả. Phần nhiều đã bị cụt ngọn vì cò vạc đậu nhiều, phân của chúng làm thui chột các ngọn tre và măng non nên các khóm tre không được bổ sung màu xanh mà lụi dần. Có những khóm tre đã trơ gốc, xơ xác hoặc chết. Tôi hỏi anh Hảo: “Dân làng không nghĩ đến chuyện trồng thêm cây cối cho chúng ở sao? Vì chẳng mấy chốc nữa mà những khóm tre kia sẽ khô quắt. Làm sao còn chỗ cho cò trú?”, anh Hảo buồn rầu: “Chúng tôi có nghĩ đến chuyện này rồi, nhưng lực bất tòng tâm. Vì để giúp chúng, phải có kinh phí mà làm, dân chúng tôi làm gì có kinh phí”. Anh Nguyễn Đức Thanh, Trưởng làng Đông Xuyên cũng bày tỏ: “Dân chúng tôi sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Rất bí. Nhiều chuyện khác cần phải làm mà đã làm được đâu. Vì động đến thứ gì cũng cần phải có tiền, dù thương cò, yêu cò thì cũng khó có cơ hội đầu tư cho chúng”.
Anh Trần Ngọc Nghinh, cán bộ môi trường xã thì buồn rầu: “Có lẽ tỉnh Bắc Ninh đang mải đầu tư cho phát triển kinh tế nên chưa có thời gian nghĩ đến vườn cò. Năm 2003, tỉnh và huyện có đầu tư cho 160 triệu, nhưng là cho công trình, mỗi năm một ít. Không có bước nào đột phá cả”.
Những cánh cò bay rập rờn trong buổi hoàng hôn bình yên. Trong số đó, tôi biết, sẽ không ít con đang kêu với tâm trạng bất ổn. Vì chúng đang phải sống rất chật hẹp trên những ngọn cây đang tàn.
Ðất lành chim đậu
Cán bộ làng, xã trăn trở các biện pháp bảo vệ cò. |
Nằm sát bờ Nam sông Cầu, Đông Xuyên là một làng cổ, có bề dày lịch sử và văn hiến. Không biết từ bao đời nay, những đàn cò, vạc với hàng ngàn con đã tìm về trại Bà Ba (vốn nhiều tre pheo) để sinh sống. Khi dân làng phá bớt tre làm nhà, làm vườn, đàn cò bay đi. Cho đến khi làng hoàn thành việc xây dựng lại ngôi đình, có vị trí trông ra hồ rộng với những khóm tre xanh tốt, đàn cò về. Đó là vào năm 1994, đàn cò đậu trĩu nặng trên những ngọn tre. Cứ chiều về, khi hoàng hôn xuống, trước cửa đình tại vườn tre, cò đi kiếm ăn các nơi tìm về tổ, chúng bay lượn thành đàn trắng xóa trên những ngọn tre xôn xao tiếng kêu tìm nhau và đã đem đến cho làng quê nơi đây một không gian đầy ắp sự sinh tồn. Nhân dân xem đó là điềm lành nên truyền tụng nhau từ già tới trẻ, không những không xâm hại đến đàn cò mà ra sức bảo vệ nghiêm ngặt, coi đó là tài sản quý, là báu vật mà thiên nhiên đã hào phóng ban tặng cho đất và người Đông Xuyên. Người dân đã huy động tiền và sức dân đắp thêm đất, trồng thêm tre lấy chỗ cho cò, vạc trú ngụ. Họ cũng tự nguyện hiến 3 mẫu đất ruộng (hơn 1ha) để đào ao, trồng tre phát triển vườn cò. Họ mơ một ngày kia nơi đây sẽ trở thành địa chỉ du lịch sinh thái hấp dẫn ven sông Cầu, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần và cả tâm linh với du khách gần xa. Cán bộ và nhân dân Đông Xuyên vinh dự được Bộ TN-MT tặng Giải thưởng môi trường năm 2009, ghi nhận những đóng góp xuất sắc của làng trong công tác bảo vệ môi trường.
Bao giờ “cò tặc” dừng tay?
Những kẻ săn bắn cò vạc đã nghĩ ra trăm phương nghìn kế để bắt, đem bán kiếm tiền. Chỉ trong khoảng 3 năm, từ 2007 đến 2009, đã có gần chục vạn cò, vạc bị giết. Cùng với đó, lượng cò vạc non còn ở trong tổ cũng chết theo vì không còn bố, mẹ chăm sóc. Dù với ý thức bảo vệ cao, người dân vẫn thường xuyên bắt được những kẻ hại cò, nhưng điều đó không thuyên giảm được nạn săn bắt cò. Bởi cò và vạc còn phải bay đi kiếm ăn. Người dân chỉ có thể bảo vệ được chúng ở trong địa bàn thôn làng, ra xã khác, ai bắn giết cũng chịu. Trưởng làng Nguyễn Đức Thanh cho biết: “Đối tượng săn bắn thì rất nhiều, nhưng tất cả đều ở các thôn khác trong xã và các xã lân cận. Đối tượng săn sử dụng súng hơi, đạn ghém, đạn chùm… có tính hủy diệt cao để đánh bắt chim. Đối tượng bẫy thì thuê trắng ruộng của nông dân với thù lao cao hơn năng suất thực để dựng bẫy chim. Hiện trường bẫy chính là mặt phẳng của khu ruộng được cắm đầy que tre, đầu que dính nhựa thông, dưới mặt ruộng thả vạc mồi, khi đàn cò vạc đi kiếm ăn trở về, bay qua khu ruộng đặt bẫy, các thợ săn điều khiển cho vạc mồi kêu. Nghe tiếng kêu của vạc mồi thì vạc đang bay trên cao sà xuống ruộng là dính bẫy. Những con cò được đánh bẫy vẫn còn sống, giá bán khoảng 70 ngàn. Vậy là bọn cò tặc thắng đậm rồi”.
Cũng không ít người dân trong làng đã nản lòng, vì mình ra sức bảo vệ chim thì bọn săn bắn lại thỏa thuê phá hoại. Quyết tâm thì có, nhưng quyền hạn thì không, người dân chẳng biết làm sao để cứu cò. Ông Nguyễn Đức Toàn, Chủ tịch UBND xã Đông Tiến cũng từng thừa nhận, việc để cho có người dành ruộng cho “cò tặc” thuê làm bẫy bắt chim cũng là trách nhiệm của địa phương. Xã Đông Tiến cũng có nhiều cuộc vận động, tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân về việc bảo vệ cò. Một số người dân nản thì nói: “Nước này, chỉ còn mức là cầu mong cho “cò tặc” nương tay. Chứ bọn chúng cứ đón lõng, dùng súng và đặt bẫy ở khắp nơi xung quanh địa bàn xã thì ai mà quản nổi. Nhưng nếu chúng biết nương tay thì chúng đã không đi làm... “cò tặc”.
Vườn cò đang lụi dần. |
Hãy cứu lấy vườn cò