Giây phút sinh tử
Hàng trăm người thân của 78 ngư dân gặp nạn trên biển như vỡ òa khi thấy người thân của mình trở về. Trên những gương mặt hốc hác và sạm đi vì nhiều đêm thức trắng, những giọt nước mắt mặn chát chảy dài trên má. Với họ, chừng đó năm mưu sinh lênh đênh trên biển, chưa bao giờ thấp thỏm, cuộc sống mong manh như những ngày vừa qua.
Trong hơn 20 năm đi biển, đây là lần đầu anh Trần Thiên (41 tuổi, xã Tam Quang, huyện Núi Thành) gặp phải sự cố như thế này. "Dự định đây là chuyến đi biển cuối cùng của năm, vì sắp tới là mùa đông rồi. Ai ngờ, biến cố ập xuống không ai kịp trở tay. Mình vẫn còn quá may mắn so với những anh em đang mất tích ở ngoài khơi xa kia", anh Thiên nhớ lại.
Ở bên cạnh người thân, gia đình nhưng ánh mắt anh Thiên vẫn hiện hiện lên sự sợ hãi khi nhớ về những giây phút anh phải đối mặt với cái chết, nó vẫn còn ám ảnh như vừa mới xảy ra. Đôi bàn tay chai sạn của người ngư phủ vừa trải qua giây phút sinh tử nắm chặt tay đứa con trai như đang sợ con sóng, luồng gió cuốn trôi.
Từ xa, anh Lê Xuân Phước (38 tuổi, thuyền viên tàu 90927) lao tới, ôm chầm lấy người mẹ già rồi òa khóc như đứa trẻ lâu ngày thiếu vắng hơi ấm người sinh thành. Gương mặt rắn rỏi của dân biển trở nên nhu mì lạ thường. "Cứ nghĩ đây là chuyến đi biển cuối cùng của mình mất rồi", anh Phước quệt nước mắt.
Ngồi bần thần mất một lúc lâu, anh mới chịu mở lời kể về buổi tối kinh hoàng đó. Tối 16/10, khi trời đang trở gió, mưa lắc rắc nên tất cả thuyền viên trên tàu dừng việc câu mực, nằm nghỉ ngơi. Khi mọi người đang vui vẻ nói cười, bỗng một cơn lốc ùa tới, lật nghiêng con tàu khiến tất cả hoảng loạn, chới với.
"Lúc đó chỉ biết bò ngược về phía mạn tàu không chìm để tìm thúng. May mắn chúng tôi kịp bám vào đó mà có ngày hôm nay sống sót trở về", anh Phước kể.
Mẹ của anh Phước, bà Phạm Thị Đi (76 tuổi) đưa từng ngón tay nhăn nheo vuốt vuốt khuôn mặt hốc hác của đứa con trai vừa trở về, chốc lát người mẹ già nghèo khổ lại ôm chặt lấy con trai như sợ gió biển, sóng biển lại cuốn con bà đi một lần nữa. Trước đó, dù biết con trai mình đã được cứu nhưng bà vẫn thấp thỏm, trông ngóng từng ngày. "Đàn bà lấy chồng đi biển vốn đã xác định rồi. Nhưng vẫn không chịu được khi hay tin người thân của mình gặp nạn. Chỉ khi nhìn thấy nó trở về lành lặn, mới yên tâm được", bà Đi cười, đôi mắt vẫn đỏ hoe ừng ực nước.
Cũng ở trên con tàu đó, anh Lương Hoàng Quốc Văn (28 tuổi, xã Tam Giang, tàu 90927) nhớ lại, khi đang chới với trong sóng biển bất giác anh chụp được một chiếc thuyền thúng rồi trèo lên đó. "Lúc đó không nghĩ được gì nhiều, chỉ thương vợ mình đang có bầu 3 tháng, sợ không kịp nhìn mặt đứa con ra đời", đôi mắt anh Văn đỏ hoe, hướng ánh mắt đầy thương yêu về người vợ đang ngồi cạnh.
Nỗi đau còn lại...
Lẫn trong những giọt nước mắt trùng phùng ấy, vẫn còn đó những tiếng khóc ngất vì hi vọng cuối cùng của họ dường như bị dập tắt. Tàu 467 Quân chủng Hải quân vừa cập cảng, ánh mắt thất thần của ông Phạm Văn Nga (55 tuổi, ở tỉnh Quảng Ngãi) vẫn hướng vế phía biển như một lời van lơn, khẩn cầu. Bởi, ngoài kia con rể ông là ngư dân Nguyễn Ngọc Pháp (38 tuổi, ở xã Tam Quang) vẫn còn mất tích. "Lúc đi thì cả hai, nhưng khi về chỉ còn lại mình cha. Tôi biết nói sao với con gái bây giờ...", ông Nga đưa tay thấm giọt nước mắt vào tay áo.
Chuyến biển này ông và con rể cùng đi trên tàu cá QNa - 90129 TS do ngư dân Lương Văn Viên làm thuyền trưởng. Chuyến biển vừa bước vào ngày thứ 14 thì gặp nạn. "Trước khi đi chuyến biển này, thằng Pháp nó bảo với tôi xin nghỉ ít tháng để lo cho vợ chuẩn bị sinh. Vợ nó chỉ vài tháng nữa sẽ sinh đưa thứ 3, nào ngờ…. Biết là sự sống ngoài kia đang rất mong manh, nhưng tôi vẫn mong một phép màu nào đó sẽ đến với nó. Mong trời phù hộ để con nó bình an trở về. Nó mà ra đi, ai sẽ lo cho vợ và những đứa con thơ đây", giọng ông Nga nghẹn lại.
Ngồi lặng một góc hội trường, anh Đặng Thế Công (37 tuổi, con trai ngư dân Thới) hướng mắt xa về phía biển, dường như chỉ mong một phép màu xảy ra. Cơn bão Chanchu xảy ra năm 2006 đã cướp đi sinh mạng của chú ruột anh cùng hàng chục ngư dân khác trong làng. Giờ, biển đã giữ cha anh ở lại ngoài kia. Cha anh, người đã có gần 40 năm đi biển.
"Trưa 17/10, nghe tin tàu cá cha tôi đi gặp nạn, nhưng rồi có mấy chục người được cứu. Nghe vậy, tôi chạy đi dò hỏi xem cha tôi có nằm trong danh sách những người may mắn được cứu sống hay không, nhưng kết quả nhận lại khiến tôi rất đau đớn. Cha tôi là 1 trong 13 người trên tàu mất tích giữa biển khơi rộng lớn", anh Công nói trong nước mắt.
Người cô của anh Công, chị Đặng Thị Tươi khóc ngất khi hy vọng cuối cùng của mình bị dập tắt. Người anh trai (ngư dân Thới) và đứa cháu trai (ngư dân Vương) dường như đã bỏ mình nơi biển cả. Biết là mong manh, nhưng chị vẫn xin chính quyền địa phương được đến buổi đón các ngư dân gặp nạn trở về, như một lần tự thắp lên hy vọng cho bản thân. Nhưng rồi sự thật phũ phàng, chị lầm lũi quay trở về ngôi nhà trống tênh. "Đến việc nhìn mặt lần cuối, cũng không thể", chị Tươi lịm đi.
Dù biết chồng mình còn đang mất tích, thế nhưng chị Nguyễn Thị Nhung (1975) vợ nạn nhân Huỳnh Thanh Hải (1973, trú xã Tam Quang, huyện Núi Thành) cùng 2 người thân cũng có mặt tại buổi đón nhận các ngư dân trở về. Trên tay chị, là chiếc thuyền giấy được gói cẩn thận trong bọc ni lông cùng một ít đồ khác của dân miền biển.
Chị xin các chiến sĩ hải quân được vào phía cảng, thả chiếc thuyền và ít đồ xuống biển như một lời cầu khẩn, để hy vọng một phép màu gửi tới người chồng đang ở nơi xa. Khi đến đây, dù mong manh nhưng chị Nhung vẫn mong có một phép màu là thấy chồng mình trong đó. Nhưng hiện thực, lại một lần nữa làm chị ngã quỵ.
Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam có mặt tại buổi đón các ngư dân gặp nạn trở về và gửi đến gia đình các ngư dân có người qua đời lời chia buồn sâu sắc. "Chính quyền luôn đồng hành cùng các ngư dân, và xin được sẻ chia đến những đau thương, mất mát này. Chúng ta, hãy cố gắng để vượt qua biến cố, đau thương này", ông Thanh nói.
Chiều tối, những bóng người thưa thớt dần. Vẫn còn đó mùi nhang, tiếng khóc của những người mẹ, người vợ các ngư dân đang hướng mắt về biển khơi. Nơi đó, người thân của họ đã vĩnh viễn nằm lại…
Trước đó, vào lúc 19 giờ 30 ngày 16/10, tàu cá QNa-90129TS do ông Lương Văn Viên (SN 1976, trú Tam Giang, huyện Núi Thành) làm thuyền trưởng, hành nghề câu mực, trên tàu có 54 lao động đang hoạt động tại tọa độ 13°37'N-114°39'E (cách mũi An Hòa, Quảng Nam khoảng 370 hải lý về hướng Đông Nam, cách đảo Song Tử Tây, Trường Sa khoảng 132 hải lý về hướng Bắc Đông Bắc) thì bị lốc xoáy làm chìm tàu.
Tàu cá QNa-90039TS đang hoạt động gần khu vực tàu chìm đã cứu sống được 40 thuyền viên. Hiện vẫn còn 13 ngư dân mất tích.
Mời bạn đọc xem thêm video:
Nước mắt giây phút trùng phùng của các ngư dân gặp nạn trong vụ chìm tàu trên biển